Hải Hậu dồn điền đổi thửa

07:04, 16/04/2012

Chỉ sau gần 1 năm triển khai, đến ngày 31-12-2011, cả 35 xã, thị trấn với 531 thôn, đội của huyện Hải Hậu đã hoàn thành nhiệm vụ dồn điền đổi thửa (DĐĐT), về đích trước 2 năm so với kế hoạch của UBND tỉnh. Cách làm, bài học kinh nghiệm trong DĐĐT của Hải Hậu đang được các huyện, thành phố trong tỉnh học tập và vận dụng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ DĐĐT tại địa phương.

I - Kết quả ghi nhận

Xác định nhiệm vụ DĐĐT là khâu then chốt có ý nghĩa tiên quyết thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương nên ngay cuối tháng 11-2010, Huyện ủy Hải Hậu đã xây dựng và ban hành đề án DĐĐT của huyện, giai đoạn 2010-2015. Ngay sau đó, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện đề án DĐĐT. Tháng 1-2011, UBND huyện đã có kế hoạch DĐĐT và BCĐ thực hiện DĐĐT của huyện phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra 3-4 xã thực hiện DĐĐT. Đồng thời chọn 10 xã điểm trong 8 miền tổ chức thực hiện DĐĐT ngay trong năm 2011. Nhưng khi được BCĐ xây dựng NTM Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện điểm của toàn quốc xây dựng NTM thì huyện đã quyết định tất cả 35 xã, thị trấn đồng loạt thực hiện DĐĐT với 4 bước tiến hành và nguyên tắc đề ra là: DĐĐT phải bảo đảm công khai, dân chủ, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên cơ sở các quy hoạch đã được duyệt, diện tích các hộ đang sử dụng, đã lập hồ sơ địa chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không đặt vấn đề xem xét lại những nội dung trước. DĐĐT là sắp xếp lại vị trí sử dụng đất chứ không phải chia lại ruộng đất. Giữ nguyên cơ sở phân định ranh giới và diện tích đất canh tác của từng HTX. Diện tích đất dành cho quy hoạch mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng do nhân dân đóng góp. Trong quá trình DĐĐT phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hộ sử dụng đất thực hiện các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất, nhưng không được tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất. Các phương án quy hoạch phải được công khai và trích lục quy hoạch riêng cho từng xóm, đội để dân biết và thực hiện; xác định ruộng tốt, xấu, xa, gần, hướng dẫn cho nông dân tự bàn bạc, quyết định về hệ số chuyển đổi (k). Sau DĐĐT phải xây dựng được các vùng sản xuất tập trung: Vùng sản xuất vụ đông (2 lúa + vụ đông), vùng cấy lúa đặc sản, vùng sản xuất giống lúa, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chuyển đổi và vùng nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi. Dồn quỹ đất công để tạo quỹ đất phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi. Điều chỉnh vị trí sử dụng đất của từng hộ trong vùng sản xuất khi thực hiện DĐĐT đảm bảo trong 1 vùng, mỗi hộ chỉ có 1 thửa.

Ban chỉ đạo DĐĐT xã Hải Xuân thông qua phương án giải thửa trên bản đồ.
Ban chỉ đạo DĐĐT xã Hải Xuân thông qua phương án giải thửa trên bản đồ.

Ngay trong cuối tháng 3, đầu tháng 4-2011, cả 35 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đồng loạt triển khai DĐĐT tại địa phương mình. Những phương pháp làm sáng tạo, cách làm hay của từng xã, thị trấn đều được trao đổi, rút kinh nghiệm kịp thời và được tuyên truyền trên phương tiện thông tin để các địa phương khác học tập làm theo. Sau khoảng 9 tháng, toàn bộ 35 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành việc DĐĐT, giao đất ruộng ngoài thực địa cho từng hộ dân nhưng vẫn bảo đảm ổn định sản xuất. Sau khi DĐĐT, diện tích đất canh tác của huyện là gần 11.730ha được giữ nguyên nhưng số thửa giảm từ 222.835 thửa xuống còn 150.936 thửa. Trong đó đất giao ổn định 10.503ha được chia làm 144.955 thửa, giảm 62.695 thửa; 1.226,9ha đất công, tăng 361,37ha, được chia làm 5.981 thửa, giảm 9.204 thửa so với trước khi DĐĐT. Bình quân mỗi hộ sử dụng 1,9 thửa, giảm 0,9 thửa so với trước, hộ sử dụng đất nhiều nhất 3,5ha, tăng 2,5ha; hộ sử dụng thửa đất lớn nhất 1,38ha, tăng 1,02ha; số vùng đất công chỉ còn 321 vùng, giảm 185 vùng; vùng đất công có diện tích lớn nhất là 25ha, tăng 9,4ha; toàn huyện xây dựng được 405 vùng sản xuất, trong đó vùng có diện tích lớn nhất là 108,49ha. Toàn huyện đã dành được 708,98ha đất quy hoạch xây dựng các công trình công cộng, trong đó quỹ đất công là 571,46ha và đất giao ổn định là 137,5ha. Diện tích đất quy hoạch khu dân cư là 149,79ha, gồm 119,79ha là quỹ đất công và trên 30ha là đất giao ổn định. Đặc biệt, sau DĐĐT các địa phương đã huy động nông dân hiến đất, góp đất làm thủy lợi và giao thông nội đồng được 345,15ha. Bình quân mỗi sào ruộng nông dân góp 11,5m2, cao nhất là xã Hải Xuân nông dân góp 25m2/sào ruộng cấy để làm đường giao thông nội đồng. Từ sự đóng góp đất của nông dân, toàn huyện đã xây dựng được 1.165 tuyến đường giao thông nội đồng với chiều dài 772,19km. Trong đó 232 tuyến đường được đắp mới, dài 108,41km với bề mặt rộng 4-6m; mở rộng 745 tuyến đường, dài 483,79km từ mặt rộng 2-4m lên 4-6m để từng bước thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, hiệu quả sản xuất và giảm sức lao động thủ công, nhất là công lao động nặng nhọc. Sự huy động sức dân cũng được các xã, thị trấn vận động và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân vì thấy rõ lợi ích mà mọi người được hưởng. Ngoài ra, mỗi xã lại có cách riêng huy động nông dân đóng góp kinh phí để đắp đường ngay trong năm 2011-2012. Ở xã Hải Tây các hộ nông dân góp đất mở rộng, làm mới các tuyến giao thông nội đồng là 9,32ha. Trong đó đắp mới 13 tuyến đường, tổng chiều dài 5,2km, mặt rộng 4m; mở rộng 23 tuyến đường, tổng chiều dài 14,29km, mặt đường mở rộng từ 2m mặt lên 4m. Có diện tích dành cho quy hoạch đường nhưng thiếu vốn đắp nền, xã đã huy động và các hộ nông dân đồng thuận đóng góp mỗi sào 30 nghìn đồng/vụ và thu trong 3 năm. Xã Hải Xuân có sáng kiến đề nghị Cty TNHH một thành viên KTCTTL huyện làm trước kế hoạch nạo vét 5 con mương của năm 2013 cùng với nạo vét 4 con mương theo kế hoạch năm 2012 để thuê máy nạo vét lấy đất đắp đủ nền đường; riêng bờ thửa, các xóm cũng đã bàn bạc thống nhất với các hộ nông dân tự giác đóng góp theo diện tích canh tác mỗi sào 80-90 nghìn đồng, tùy theo từng xóm để mở rộng mặt lên 1,5m, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển.

Mặc dù tổ chức DĐĐT đồng loạt tại tất cả các xã, thị trấn và hoàn thành ngay trong năm 2011 nhưng không ảnh hưởng tới sản xuất. Năng suất lúa vụ mùa của Hải Hậu vẫn ở tốp đầu và diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao vẫn mở rộng. Đặc biệt vụ đông năm 2011, toàn huyện trồng 2.340ha cây các loại, đứng thứ 2 toàn tỉnh. Với 900ha cây vụ đông trên đất cấy 2 vụ lúa, Hải Hậu vẫn giữ vững là huyện có tổng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa lớn nhất tỉnh. Một điều đáng ghi nhận là qua DĐĐT tình hình an ninh nông thôn ở địa phương được giữ vững, tính cộng đồng trong khu dân cư, trong thôn, xã được tăng cường, vùng quy hoạch sản xuất của các xã, thị trấn khá đẹp và chuẩn mực, thuận lợi cho việc cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần đắc lực xây dựng thành công huyện NTM vào năm 2015 theo sự chỉ đạo của BCĐ xây dựng NTM Trung ương.

Mặc dù còn tồn tại những khuyết điểm, một vài tiêu chí đề ra chưa đạt được so với chỉ tiêu như: Quỹ đất dành cho quy hoạch dân cư, công trình công cộng và sản xuất CN-TTCN vẫn còn một số thuộc quỹ đất giao ổn định cho nhân dân như ở các xã Hải Phú, Hải Lộc, Hải Thanh, Hải Hòa, Hải Hưng, Hải Ninh, Hải Phong; một số vùng sản xuất, kể cả vùng trồng cây vụ đông trên đất cấy 2 vụ lúa quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung; một số xã bình quân số thửa canh tác/hộ vẫn còn cao như Hải Tây 3,1 thửa/hộ, Hải Đường 2,3 thửa/hộ, Hải Toàn 2,1 thửa/hộ… song theo đồng chí Trần Công Ích, Chủ tịch UBND xã Hải Tây thì: “Ngoài dồn đổi các xóm, đội về một vùng thì trong dòng họ, trong gia đình ruộng đất được bố trí liền nhau trong một khu, rất thuận tiện cho việc thỏa thuận dồn đổi tiếp theo của các gia đình…”.

DĐĐT là một nhiệm vụ khó khăn bởi nông dân vẫn quen với tập quán canh tác nhỏ lẻ, ngại xáo trộn, chỉ thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà chưa “nhìn xa trông rộng”. Mặt khác Đảng, chính quyền ở một số xã cũng chưa nhận thức đầy đủ và chưa kiên quyết, dốc tâm, dồn sức, còn ngại khó, ngại va chạm… nên đến nay mặc dù cả 10 huyện, thành phố đều tổ chức thực hiện DĐĐT theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng chỉ có duy nhất huyện Hải Hậu hoàn thành nhiệm vụ DĐĐT vượt kế hoạch do UBND tỉnh giao 2 năm. Ở 8 huyện và Thành phố Nam Định mặc dù mới triển khai điểm từ 2-12 xã, nhưng vẫn còn nhiều xã chưa giao hết ruộng ngoài thực địa cho nông dân, thậm chí Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc chỉ thực hiện DĐĐT 2-3 xã điểm, nhưng đến nay vẫn chưa giao ruộng ngoài thực địa cho nông dân (?)./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Tất thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com