Tạo đà lưu chuyển vốn

07:04, 19/04/2012

Không chỉ chính thức hạ trần lãi suất huy động vốn 12%/năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn nới lỏng đối với tín dụng thuộc lĩnh vực không khuyến khích như bất động sản, tiêu dùng. Nguồn cung tiền đang thừa được kỳ vọng sẽ lưu chuyển mạnh hơn trong nền kinh tế vào những tháng tới.

“Nới” cho vay bất động sản

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, trần lãi suất huy động đã hạ 2 lần liên tiếp và xuống 12%/năm. Tương ứng với mức hạ này, lãi suất cho vay được các ngân hàng thương mại để thấp nhất từ 13-15%/năm đối với những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, cho vay thông thường từ 14-18%/năm và với những lĩnh vực không khuyến khích là 20-24%/năm. Giải thích cho việc hạ trần lãi suất huy động, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng: Thanh khoản tốt và lạm phát có dấu hiệu giảm là những điều kiện cần và đủ cho lần hạ lãi suất này.

Chính sách điều hành của NHNN thời điểm này không chỉ hạ trần lãi suất huy động để kéo lãi suất cho vay xuống mà còn mở “room” tín dụng đối với nhiều lĩnh vực vốn không được khuyến khích như cho vay tiêu dùng, bất động sản. Cụ thể: Các ngân hàng thương mại sẽ mở hết “cửa” đối với cho vay tiêu dùng, trừ tiêu dùng ở nước ngoài (du học, chữa bệnh, du lịch) và từng bước mở dần đối với cho vay bất động sản, bao gồm: Cho vay mua nhà để ở, đầu cơ, đầu tư, bán, cho thuê hoặc cho vay xây dựng nhà ở và để bán…

Ảnh minh họa/Internet
Ảnh minh họa/Internet

Theo NHNN, hiện nay, mặt bằng giá nhà đã về gần mức phù hợp với nhu cầu của người dân và xã hội với những khả năng tiếp cận những phân khúc khác nhau. Vì thế, “tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh bất động sản, giảm hàng tồn kho sẽ kích thích các ngành sản xuất khác như xi măng, sắt thép và nguồn vốn trung chuyển trong nền kinh tế sẽ tốt hơn, đặc biệt góp phần giảm nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng” - Thống đốc nói.

Nguồn cung tiền tăng mạnh

Không chỉ công bố hạ lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay xuống từ 1-2% so với hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra nguồn tín dụng hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như ABBANK, từ nay đến ngày 30-6-2012, ngân hàng này dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường tại BIDV cũng đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2% đối với thông thường, còn khoảng 14,5-16% tùy kỳ hạn. Lĩnh vực bất động sản được áp dụng như cho vay thông thường và sẽ hưởng lãi suất thấp nhất là 14,5%/năm. Các lĩnh vực ưu tiên khác sẽ được BIDV áp mức lãi suất từ 13-14%/năm; cho vay tiêu dùng giới hạn từ 16,5-17%/năm và cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán là 17-18%/năm.

TienPhong Bank bên cạnh việc áp dụng biểu lãi suất huy động mới tối đa là 12% cho các kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên, lãi suất không kỳ hạn giảm còn 4%, tiếp tục triển khai chương trình dành 1.500 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ cao, kinh doanh xuất khẩu…

Trước đó, Techcombank đã công bố dành nguồn tín dụng lên đến 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất chỉ còn 15%, áp dụng đến ngày 30-5-2012. Từ nay đến ngày 11-5-2012, Sacombank cũng dành 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất, canh tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Lãi suất áp dụng cho tháng đầu tiên là 12%/năm và thời gian vay tối đa 12 tháng.

Doanh nghiệp không hào hứng

Lãi suất cho vay của các ngân hàng nhỏ vẫn ở mức cao, điều này được hiểu là do kinh tế khó khăn, tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nên không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn tại các ngân hàng lớn, trong khi vay vốn các ngân hàng nhỏ dễ dàng hơn nhưng phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn.
Đề cập đến vấn đề này, bà Đỗ Thị Ni Na, Giám đốc Cty TNHH Thương mại - dịch vụ DONACO cho rằng, việc NHNN áp dụng trần lãi suất huy động 12%, điều đó cũng không có nghĩa lãi suất cho vay sẽ giảm như kỳ vọng. Trên thực tế, Cty vẫn phải chịu mức lãi suất 20-21%/năm. Vấn đề đặt ra là, NHNN nên áp dụng trần lãi suất cho vay xuống khoảng 16%, khi đó các ngân hàng sẽ tự động điều chỉnh lãi suất huy động và doanh nghiệp cũng dễ thở hơn.

Còn theo chuyên gia kinh tế tài chính Huy Nam, khi lãi suất huy động xuống 13% đã gây khó khăn cho các ngân hàng nhỏ, thì nay chưa đầy 1 tháng NHNN điều chỉnh giảm lãi suất xuống 12% càng khiến các ngân hàng nhỏ khó khăn huy động vốn. Vì vậy, ngân hàng nhỏ chỉ còn cách đi đêm lãi suất với khách hàng, qua đó, lãi suất cho vay được đẩy lên là chuyện không thể tránh khỏi. Vì vậy, NHNN cần có lộ trình về việc giảm lãi suất huy động để các ngân hàng nhỏ có thời gian ứng phó kịp thời.

Ở một khía cạnh khác, đại diện Ngân hàng ANZ cho rằng chính sách cắt giảm lãi suất này là kết quả của mức tăng trưởng GDP thấp hơn so với dự đoán trong quý I (4,0%, mức thấp nhất từ năm 2009) và điều này cũng dẫn đến dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong cả năm nay. Việc lạm phát giảm chắc chắn là nhân tố ảnh hưởng đến quyết định này. Vào tháng 3 năm nay, chỉ số lạm phát CPI giảm xuống 14,2% so với mức cao nhất là 23,0% vào tháng 8 năm ngoái.

Đại diện Ngân hàng ANZ nhận định, NHNN sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất trong quý II để có thời gian đánh giá những ảnh hưởng của đợt cắt giảm lãi suất vừa rồi đối với nền kinh tế. Với những thay đổi gần đây trong chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất huy động dự báo sẽ tiếp tục được cắt giảm thêm khoảng hơn 4% trong cả năm nay./.

Theo Báo Công thương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com