Sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới giáo dục đáp ứng yêu cầu mới

07:11, 16/11/2020

Thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 16-7-2018 của UBND tỉnh, từ năm học 2018-2019, tất cả các huyện và thành phố Nam Định đã thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục, điều chỉnh các điểm trường, quy mô lớp sát với thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

Các huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án hợp nhất trường công lập cùng cấp học trên địa bàn” tới các xã, phường, thị trấn; trong đó xác định rõ nhiệm vụ của từng cấp và của hiệu trưởng từng trường. Đề án được thông qua HĐND cùng cấp. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện đảm bảo thống nhất nguyên tắc chung về xác định khu trung tâm; chọn hiệu trưởng; các chức danh của các tổ chức… Đề án được triển khai đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch đến toàn thể giáo viên các trường học, được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương, cổng thông tin điện tử của ngành. Đồng thời, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch cùng hiệu trưởng các nhà trường kiểm tra, rà soát thực trạng số lượng học sinh, thực hiện sắp xếp lớp học theo số học sinh/lớp đúng quy định về mức tối đa của các cấp học. Trên cơ sở số lớp để tính số lượng giáo viên theo tỷ lệ quy định của từng cấp học, gắn với từng vị trí việc làm. Qua kết quả rà soát cũng là căn cứ để tham mưu tuyển dụng, điều động, luân chuyển đội ngũ, thực hiện bồi dưỡng đội ngũ trước mắt cũng như lâu dài, gắn với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021.

Thầy và trò Trường THCS Trực Hưng (Trực Ninh) trao đổi về bài học trước giờ lên lớp.
Thầy và trò Trường THCS Trực Hưng (Trực Ninh) trao đổi về bài học trước giờ lên lớp.

Sau rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục, hiện tại các huyện, thành phố đã giảm được đầu mối quản lý; các xã, phường, thị trấn quản lý trường học thuận lợi hơn. Trước đây trên địa bàn mỗi xã, thị trấn có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS với đầy đủ bộ máy quản lý thì nay có 1 trường mỗi cấp học. Tính đến hết tháng 9-2020, tổng số toàn tỉnh có 758 cơ sở giáo dục, giảm 35 cơ sở so với năm học 2018-2019, cụ thể: Cấp mầm non có 233 trường (228 trường công lập, 5 trường tư thục; giảm 12 trường công lập, tăng 1 trường tư thục so với năm học 2018-2019) và 98 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục. Cấp tiểu học có 227 trường (trong đó có 1 trường giáo dục trẻ khuyết tật; 227 điểm trường chính, 105 điểm trường lẻ, giảm 18 trường so với năm học 2018-2019). Cấp THCS có 228 trường (239 điểm trường; sáp nhập được 6 trường, giảm 6 trường so với năm học 2018-2019). Cấp THPT ổn định với 57 trường (45 trường công lập, 12 trường ngoài công lập). Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDCN-GDTX): có 2 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX); 38 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 6 trung tâm giáo dục kỹ năng sống (tăng 3 trung tâm); 228 trung tâm học tập cộng đồng (giảm 1 trung tâm do sáp nhập xã); 1 trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp (KTTH-HN), 1 Trường Cao đẳng Sư phạm. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn ngành GD và ĐT đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn. Quy mô mạng lưới trường lớp đã được tổ chức lại theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập. Mạng lưới giáo dục ở các cấp học đã được ổn định, phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Các phong trào thi đua trong ngành được tổ chức thực hiện hiệu quả; môi trường giáo dục chuyển biến rõ nét theo hướng thân thiện, xanh - sạch - đẹp - an toàn. Chất lượng giáo dục toàn diện đạt kết quả cao. Công tác huy động các nguồn nhân lực, nhất là việc vận động tài trợ để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển sự nghiệp giáo dục được quan tâm. Chất lượng các hoạt động giáo dục được nâng lên rõ rệt, nhất là chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề trong quá trình thực hiện cần quan tâm xử lý như: một số trường tuy có quy mô nhỏ nhưng chưa sáp nhập được (THCS Nghĩa Phúc, THCS Xuân Thượng, THCS Yên Thành...) do các trường thuộc địa bàn, đơn vị hành chính khác nhau. Bên cạnh đó, sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh mà chưa có giải pháp khắc phục; chưa thuận lợi cho người dân và bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh (Trường THCS Nghĩa An (Nam Trực); quá trình thực hiện việc rà soát, quy hoạch lại cơ sở giáo dục còn khó khăn trong bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư và việc duy trì trường chuẩn quốc gia…

Để khắc phục khó khăn, UBND các huyện, thành phố và toàn ngành GD và ĐT đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn gắn với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hạ tầng công nghệ thông tin; thiết bị giáo dục phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Thực hiện rà soát, quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý; sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư. Luân chuyển hiệu trưởng đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ; gắn việc tinh giản biên chế với mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm đảm bảo quy định; triển khai kế hoạch tăng cường, điều động, biệt phái giáo viên trường chất lượng cao về công tác, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên các trường để nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều./.

Bài và ảnh: Minh Thuận


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com