Phòng ngừa bạo lực học đường: Cần có giải pháp đồng bộ

07:11, 09/11/2020

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Tại tỉnh ta mới đây liên tiếp xảy ra hai vụ học sinh ở một huyện đánh nhau ngay trong trường học khi mới bắt đầu năm học mới trong đó có một vụ việc một nữ sinh đang theo học ở Trung tâm GDTX Hải Hậu bị 2 bạn cùng lớp nắm tóc, tát liên tục vào mặt mà không dám phản kháng. Lúc xảy ra sự việc, mặc dù xung quanh có nhiều bạn học nhưng không em nào dám đứng ra can ngăn sự việc đã khiến phụ huynh và học sinh lo lắng.

Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) trong một buổi sinh hoạt Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) trong một buổi sinh hoạt Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân các vụ việc xảy ra thời gian qua ở trong và ngoài tỉnh, điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến xô xát đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn mạng xã hội… nhưng hậu quả mang lại thật khó lường. Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra bạo lực học đường, một phần trách nhiệm thuộc về việc giáo dục con cái trong gia đình các học sinh. Cha mẹ, người thân thiếu quan tâm, thấu hiểu những biến đổi tâm sinh lý của con, phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường. Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến từ phụ huynh học sinh cho rằng để phòng chống bạo lực học đường, ngành GD và ĐT nói chung, các nhà trường nói riêng, cần chú trọng hơn nữa về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Ngoài ra, chính các em học sinh cũng cần nâng cao lòng tự trọng, có ý thức bảo vệ mình cũng như nêu cao trách nhiệm cộng đồng, cụ thể là việc bày tỏ thái độ phản đối ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường của bạn mình, hoặc mình chứng kiến; trang bị cho mình những kỹ năng sống tích cực để đủ bản lĩnh nói “không” với bạo lực học đường.

Trước thực trạng diễn biến phức tạp của bạo lực học đường, Sở GD và ĐT đã tăng cường triển khai chỉ đạo phổ biến các văn bản liên quan tới công tác tư vấn tâm lý và phòng, chống bạo lực học đường trong các nhà trường. Ngay khi bắt đầu bước vào năm học mới, Sở GD và ĐT đã ban hành Kế hoạch 1117 ngày 7-8-2020 về triển khai công tác bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường năm 2020 và những năm tiếp theo; Công văn Hướng dẫn số 1344/SGDĐT-CTTT ngày 14-9-2020 về thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng học sinh, sinh viên, giáo dục thể chất, y tế trường học năm học 2020-2021. Theo đó, để “xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường”, ngành GD và ĐT chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường bằng các hình thức: Tăng cường truyền thông vào dịp đầu năm học mới; trên website về mô hình tiêu biểu bảo đảm trường học an toàn; phòng, chống bạo lực học đường; những gương “người tốt”, “việc tốt” của giáo viên và học sinh; lồng ghép, tích hợp giáo dục phòng chống bạo lực học đường vào một số môn học và hoạt động giáo dục. Sở GD và ĐT tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục; tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học; xử lý các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường tại một số địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ phòng chống bạo lực học đường, tại Trường THCS thị trấn Nam Giang (Nam Trực), ngay dịp đầu năm học 2020-2021, Ban giám hiệu trường đã tổ chức một buổi giáo dục phòng chống bạo lực học đường cho học sinh khối 6 với các nội dung như: thực trạng, tính chất, hậu quả của bạo lực học đường và các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế bạo lực học đường... Buổi học đã cung cấp cho học sinh một số kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng nhận biết các dấu hiệu của bạo lực học đường; kỹ năng bày tỏ chính kiến để phê phán và tiếp nhận các cách phòng chống bạo lực học đường; kỹ năng hòa nhập và tham gia các nhóm bạn, hội bạn; kỹ năng làm chủ và ứng phó với hệ lụy do bạo lực học đường; kỹ năng kiềm chế cảm xúc tiêu cực khi bị bạo hành… Tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Hải Hậu), năm học 2020-2021, trường có 910 học sinh chia làm 24 lớp. Để phòng chống bạo lực học đường, trường đã phát động xây dựng tập thể lớp đoàn kết và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lớp để tăng cường quản lý lớp; giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh và các tổ chức xã hội để nắm bắt sớm diễn biến tâm lý học sinh nhằm phát hiện, ngăn ngừa sớm; phối hợp với phụ huynh để theo dõi diễn biến tư tưởng học sinh ở nhà hoặc bằng các nguồn thông tin trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, trường tuyên truyền, giáo dục bằng việc phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến xử lý hậu quả bạo lực học đường; tổ chức các hoạt động chung để xây dựng khối đoàn kết trong tập thể lớp, trường. Triển khai các tổ tự quản, tổ trật tự nội vụ quan sát theo dõi tình hình học sinh trong giờ ra chơi; thành lập Ban an toàn trường học theo dõi trật tự nội vụ, trong đó có theo dõi bạo lực học đường. Ngày 12-10 vừa qua, trường phối hợp với Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống bạo lực học đường; phòng chống ma túy và tai, tệ nạn xã hội… cho toàn thể giáo viên, học sinh, đại diện cha mẹ học sinh của trường.

 Cùng với các giải pháp của gia đình, nhà trường, yêu cầu cốt lõi về phía học sinh là cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao nhận thức về trách nhiệm hành động cũng như hậu quả của bạo lực. Đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em, tránh sự phân biệt đối xử. Khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chú trọng đến kết quả học tập của con mà không chú ý đến việc các em nghĩ gì hay cách xử sự của con với bạn bè. Trong quá trình giáo dục, nhà trường cần chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh cũng như chính quyền địa phương để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh, phát hiện kịp thời những yếu tố dấu hiệu bất thường để có phương án xử lý phù hợp. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có dấu hiệu tiêu cực và bạo lực./.

Bài và ảnh: Minh Thuận


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com