Nhân rộng mô hình "sân chơi cho em"

06:11, 13/11/2020

Được bàn giao và lắp đặt tại tất cả các huyện, đến nay, mô hình “sân chơi cho em” dành cho thanh thiếu nhi ở các địa bàn khu dân cư trong tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế, mô hình này còn là sự bù đắp tinh thần cho tất cả các em, nhất là trẻ em ở những vùng nông thôn không có sân chơi cũng như điều kiện để vui chơi, góp phần lan tỏa những việc làm ý nghĩa của đoàn viên, thanh niên.

Về nhà văn hóa xóm 10, xã Xuân Thủy (Xuân Trường) chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng chục thiếu nhi đang chơi đùa, cười nói rôm rả với những đồ chơi màu sắc sặc sỡ, được chế tạo từ những chiếc lốp xe ô tô cũ bỏ đi. Đây là lần đầu tiên thiếu nhi có được sân vui chơi dành riêng cho mình ngay tại nhà văn hóa của xóm. Những đồ chơi bắt mắt, độc đáo, lại rất an toàn, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi nên nhiều em thích thú, và các bậc phụ huynh thì phấn khởi vì con em mình đã có một sân vui chơi an toàn, lành mạnh. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Phương, Bí thư Huyện Đoàn Xuân Trường cho biết: Thực tế trên địa bàn huyện có rất ít các điểm vui chơi công cộng cho trẻ em, nên khi có sự tài trợ của Đoàn cấp trên, chúng tôi đã tiến hành tiếp nhận và bàn giao ngay. Sân vui chơi được đặt tại nhà văn hóa xóm 10 trên cơ sở việc quyên góp, ủng hộ từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và ngày công của đoàn viên, thanh niên Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Những vật liệu tưởng chừng bỏ đi được các bạn đoàn viên, thanh niên vệ sinh, sơn sửa lại và tái chế thành những đồ chơi cho trẻ em. Các em rất hào hứng tham gia vui chơi cùng nhau vào mỗi buổi chiều sau khi tan học. Bước đầu, mô hình này đã thấy rõ hiệu quả, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo đoàn thanh niên các xã, thị trấn xây dựng thêm những khu vui chơi từ vật liệu tái chế như thế này ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện.

Mô hình “sân chơi cho em” tại xóm 10, xã Xuân Thủy (Xuân Trường).
Mô hình “sân chơi cho em” tại xóm 10, xã Xuân Thủy (Xuân Trường).

Xuất phát từ trăn trở về những sân chơi lành mạnh, có tổ chức dành cho trẻ em, Tỉnh Đoàn phối hợp với Đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định sử dụng phế liệu bỏ đi như: Lốp xe ô tô, những tấm ván bằng gỗ cũ, khung sắt cũ… là vật liệu làm đồ chơi ngộ nghĩnh, bắt mắt, tạo ra sân chơi bổ ích, lý thú cho trẻ em, một không gian xanh, mang tính kết nối để các em đến vui chơi, trải nghiệm sau mỗi giờ học trên lớp. Trong quá trình triển khai, sân chơi đã thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên trong trường hưởng ứng tham gia. Trước khi sử dụng để tái chế, đoàn viên phải làm sạch lốp xe, các bề mặt của lốp xe được sơn màu, các mối hàn được gia cố chắc chắn... bảo đảm an toàn đối với trẻ. Do đó, việc sử dụng vật liệu tái chế làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em đã tiết kiệm chi phí, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Với sự mới lạ, mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú, không giống với các đồ chơi được sản xuất đại trà trên thị trường nên trẻ rất thích. Sau 1 tháng thi công, với tinh thần nhiệt tình, tích cực của tuổi trẻ, từ các vật liệu tái chế, đoàn viên, thanh niên đã khéo léo, sáng tạo thành những vật dụng đáng yêu, ngộ nghĩnh dành cho thiếu nhi như: 10 khung giàn đa năng, 30 ngựa gỗ, 20 bập bênh, 20 sâu lốp, 60 bồn hoa và 10 bộ cầu zích-zắc. Để thêm phần sinh động, đẹp mắt, trên những món đồ chơi còn được sơn, vẽ những hình thù ngộ nghĩnh. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và thanh thiếu nhi tại địa phương.

Mô hình “Sân chơi cho em” tái chế từ những đồ vật cũ thành đồ chơi cho trẻ em là một việc làm ý nghĩa, thiết thực; không chỉ tạo nên sân chơi cho các em nhỏ, mà còn gợi lên cho thanh thiếu niên về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, vun đắp cho các em trí tưởng tượng, óc sáng tạo phong phú... Xây dựng các khu vui chơi dành cho trẻ em thực sự là điểm sáng của hoạt động thanh niên tình nguyện năm 2020./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com