"Em vẽ đất nước U-crai-na"

06:08, 03/08/2018

Cuộc thi “Em vẽ đất nước U-crai-na” dành cho các bạn thiếu niên nhi đồng Việt Nam (tuổi tiểu học và trung học cơ sở) tại Việt Nam và tại U-crai-na.

Các bạn Việt Nam con em kiều bào hiện đang sinh sống tại U-crai-na cũng có thể tham gia cuộc thi. Chủ đề tranh là con người và đất nước U-crai-na, tình hữu nghị giữa 2 đất nước Việt Nam - U-crai-na, do chính các em vẽ, chưa từng tham gia các cuộc thi khác.

BTC nhận bài thi từ nay đến trước ngày 2-9 tại tầng 7, 105A Quán Thánh, Ba Ðình, Hà Nội trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 10-2018, tại Hà Nội.  

Truyện ngắn đặc sắc Nga

Cuốn “Truyện ngắn đặc sắc Nga” vừa được NXB Văn học ấn hành, với sự góp mặt ngẫu nhiên của 17 tác giả với 17 tác phẩm.

Trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng, như: Mac-xim Goóc-ki với truyện ngắn “Băng chuyển”, Ép-ghê-nhi Mác-xi-mốp với “Bến lặng”, Kla-ra Xkô-pi-na với “Chiếc vĩ cầm” của Gvác-nê-ri, A-lếch-xây I-ô-nốp với “Cuộc sống đã kịp thời bổ khuyết”, Ð. Gra-nin với “Ý kiến riêng”

Hào quang lấp lánh trong các truyện ngắn là quá khứ hào hùng và ký ức không thể nào quên về một cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và lòng tự hào dân tộc của nhân dân Nga. Và ẩn sau nó là quá khứ đã qua, là những mất mát, nhưng không vì thế mà người ta bi lụy, gục ngã trước tương lai. Tất cả những truyện ngắn này đều do dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn chuyển ngữ. 

Sài Gòn, những biểu tượng

Cuốn sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, tập hợp bài viết của nhiều tác giả, trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng như: Huỳnh Như Phương, Nguyễn Ðức Hiệp, Phan Triều Hải, Du Tử Lê, Phạm Công Luận, Trương Gia Hòa, Quốc Việt...

Ðó là những người dù ít hay nhiều đều đã gắn bó, thậm chí “nặng tình” với Sài Gòn. Mỗi người với cách tiếp cận, thích ứng, hòa nhập riêng nhưng quan trọng nhất là dường như Sài Gòn “đã thuộc về họ”, gắn sâu trong tâm hồn họ “những biểu tượng” không chỉ mang tính vật chất thông thường, nó còn là đường nét của ký ức thông qua những vẻ đẹp mỹ thuật được cảm nhận bằng các kỷ niệm xao xuyến và cả… khổ đau.

Qua gần 200 trang sách, “Sài Gòn, những biểu tượng” mang tới cho người đọc những cảm nhận về Sài Gòn qua các góc nhìn, góc sống dù có khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là một Sài Gòn bao dung, tình nghĩa…

Triển lãm “Phân mảnh” của nghệ sĩ Nhật Bản

Ngày 4-8, nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản Hi-ra-ki Sa-goa sẽ mang đến công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam qua triển lãm với tên gọi “Phân mảnh” (Fragments).

Ðây là triển lãm video art công phu hàng đầu Việt Nam về quy mô sắp đặt, thiết bị, cũng như thiết kế, bài trí không gian, giới thiệu 12 tác phẩm video và 3 tác phẩm tranh in được nghệ sĩ Hi-ra-ki Sa-goa xây dựng tỉ mỉ và kỹ lưỡng, tạo nên chỉnh thể về một thế giới trong tưởng tượng.

Tại triển lãm, các tác phẩm của Hi-ra-ki Sa-goa được thể hiện dưới dạng những mảnh ghép - những hình ảnh nhỏ và tách rời, để người xem không dễ dàng nắm bắt ngay câu chuyện đầy đủ mà có thể thả hồn suy ngẫm, liên tưởng, kết nối những tượng trưng, ẩn ý từ tác phẩm, tự chiêm nghiệm về câu chuyện của riêng mình. Triển lãm mở cửa đến hết 7-10 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội).

“Thương nhớ thời bao cấp”

Là chủ đề tọa đàm do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên vào 18-8, tại Hà Nội.

Cuốn sách tập hợp những câu cửa miệng, cùng tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp. 

Qua đó, đưa độc giả quay ngược thời gian trở lại xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 20. Một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn.

Tuy nhiên, trong những khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn của một thời khốn khó từ cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng... ta vẫn bắt gặp sự vui tươi và hy vọng qua cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh đến kinh ngạc, cùng thái độ phản biện hài hước của tác giả.

Ðây cũng là dịp để công chúng ngược dòng thời gian về quá khứ đã xa, cùng chia sẻ những câu chuyện giờ chỉ còn là kỷ niệm, chiêm nghiệm quá khứ và cùng hướng tới tương lai./.

PV (tổng hợp)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com