Lạc quan tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý I năm 2019

08:04, 16/04/2019

Theo quy luật thị trường hàng năm, giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh ta thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nhưng năm nay, ngay từ quý I, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã đạt 389,7 triệu USD, tăng 27,9% so cùng kỳ năm trước, đạt gần 40% kế hoạch năm và cao hơn bình quân chung toàn quốc. Trong đó, các doanh nghiệp Trung ương đạt 12,1 triệu USD, tăng 32,3%; các doanh nghiệp địa phương đạt 159,5 triệu USD, tăng 26%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,1 triệu USD, tăng 29,1%. Hàng hóa xuất khẩu đa dạng, phong phú, tập trung ở 6 ngành hàng chủ yếu là nông sản, lâm sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ và cơ khí chế tạo. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng mạnh như: hàng may mặc đạt 314,858 triệu USD, tăng 128%; hàng lâm sản đạt 10,991 triệu USD, tăng 136,4%; thịt đông lạnh tăng 117,1%; hàng thủ công mỹ nghệ tăng 107,6%... Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, một số thị trường truyền thống bị thu hẹp, kết quả này phản ánh định hướng, bước đi đúng trong phát triển kinh tế nói chung, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng của tỉnh, đặc biệt là hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của tỉnh và sự nỗ lực của doanh nghiệp.

Kiểm tra sản phẩm ngao xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Xá, Thành phố Nam Định).
Kiểm tra sản phẩm ngao xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Xá, Thành phố Nam Định).

Theo đánh giá của ngành chức năng, xuất khẩu tỉnh ta tăng trưởng nhanh ngay trong quý I là do các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thuộc nhiều thành phần kinh tế và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá từ cuối năm trước đã chuẩn bị đầy đủ đơn hàng cho những tháng đầu năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã hoàn thiện kế hoạch xuất khẩu cho cả năm 2019. Thị trường hàng hóa xuất khẩu đã được mở rộng, đa dạng hóa theo hướng gia tăng sản phẩm nông sản đã qua chế biến. Bên cạnh đó, thị trường dệt may thế giới đã có dấu hiệu khôi phục trở lại sau “căng thẳng” quan hệ thương mại Mỹ - Trung nên xuất khẩu dệt may, nhóm hàng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong xuất khẩu của tỉnh đã tăng trưởng cao. Đáng chú ý là trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh thời gian qua đã phát triển được một số sản phẩm nông sản đã qua chế biến nên giá trị gia tăng cao hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp. Khối các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản đã chú trọng đầu tư nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường. Những ngày đầu năm 2019, nhiều nông sản như muối biển nhạt Royal của Công ty Cổ phần Muối Nam Định đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; sản phẩm khoai lang, khoai tây, ngô sấy và khoai sọ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương (Thành phố Nam Định) được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc… Mặc dù khối lượng xuất chưa nhiều nhưng đã góp phần đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, mở ra hướng đi mới cho hàng nông sản địa phương. Khối các doanh nghiệp dệt may vốn là khu vực có sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa bằng các chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ, từng bước phát triển năng lực chuyển từ gia công hàng theo yêu cầu của đối tác nước ngoài sang tự thiết kế mẫu và bán sản phẩm. Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định tại Khu công nghiệp Hòa Xá (Thành phố Nam Định) chuyên sản xuất sợi xuất khẩu với công nghệ hiện đại quy mô 3,12 vạn cọc sợi, công suất 7.000 tấn/năm. Sau một thời gian chạy thử nghiệm, đến nay, khi đi vào khai thác thương mại, 95% sản phẩm sợi của Nhà máy được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha… Công ty Cổ phần May Nam Tiệp và Công ty Cổ phần May Nam Hà đã đầu tư hệ thống dây chuyền treo thông minh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tiến độ đối với các đơn hàng xuất khẩu. Trong quý I-2019, giá trị xuất khẩu của các đơn vị này đã tăng trưởng vượt bậc, bằng gần 40% tổng kế hoạch xuất khẩu cả năm 2019. Công ty Cổ phần May Sông Hồng là đơn vị tạo được bước đột phá trong việc chuyển đổi từ việc gia công hàng xuất khẩu sang nhập nguyên liệu, xuất thành phẩm, đồng thời chủ động tìm kiếm phát triển thị trường mới đã giúp Công ty có bước tăng trưởng khá, trở thành 1 trong 10 đơn vị xuất khẩu đứng đầu toàn quốc trong lĩnh vực may mặc. Năm 2018, tỷ trọng hàng hóa sản xuất theo hình thức nhập nguyên liệu, xuất thành phẩm liên tục tăng, chiếm 72% trong cơ cấu hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Nhiều nhãn hiệu của Công ty như Doraemon, Elegance, Hello Kitty đã được xuất sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Công ty đang phấn đấu đến năm 2022, tỷ trọng nhóm hàng nhập nguyên liệu, xuất thành phẩm chiếm khoảng 80% tổng cơ cấu hàng xuất khẩu; tiếp tục đầu tư thêm cơ sở sản xuất theo "tiêu chuẩn xanh" để phát triển sản xuất hướng tới nhóm khách hàng quốc tế có yêu cầu cao về sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào thân thiện, bảo vệ môi trường. Khối các doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cũng gia tăng tỷ lệ sản phẩm tự thiết kế, chào hàng thành công nên giá trị gia tăng cao, vừa tăng lợi nhuận vừa chủ động được kế hoạch sản xuất, nguyên liệu, kỹ thuật và thu hút được nhiều bạn hàng ở các thị trường khác tìm hiểu, hợp tác.

Giá trị hàng xuất khẩu tăng ngay từ quý I có thể xem là tín hiệu vui trong việc phục hồi sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 1,7 tỷ USD trở lên cũng như khẳng định việc vận hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của UBND tỉnh đã có hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai tích cực Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 25-12-2018 của UBND tỉnh về thực hiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện các quy hoạch liên quan đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phát triển và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, xây dựng lại cơ cấu thị trường, mặt hàng xuất khẩu, chuyển dịch sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tăng sản phẩm chế biến và chế biến sâu, xuất khẩu trực tiếp; mở rộng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực hiện tại, đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới như nông, thủy sản, sản phẩm cơ khí... Từng bước phát triển thị trường, đưa mặt hàng nông sản thực phẩm chế biến, nhất là thịt lợn và ngao thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu theo hướng không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Đặc biệt là theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng, những biến động của thị trường thế giới để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là về vốn… góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động biện pháp ứng phó trước xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước ở nhiều thị trường lớn trên thế giới thông qua việc đặt ra các hàng rào kỹ thuật thương mại, thậm chí cả biện pháp cạnh tranh không lành mạnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com