Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở nông thôn

08:03, 27/03/2019

Những năm qua, các huyện đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác các mô hình chợ hiện đại ở vùng nông thôn như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… với quy mô đầu tư hàng chục tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân nông thôn.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị Lan Chi Mart (Giao Thủy).
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị Lan Chi Mart (Giao Thủy).

Trong 3 năm gần đây, khoảng 30 điểm kinh doanh theo hình thức siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và siêu thị chuyên doanh được phát triển ở khu vực nông thôn, góp phần làm phong phú thêm các loại hình kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng, giúp người dân có thêm nhiều sự lựa chọn hàng hóa, tiếp cận với văn minh thương mại... Để thu hút người dân đến mua sắm, những điểm kinh doanh này đều được tích hợp thêm nhiều dịch vụ như: khu vui chơi giải trí cho trẻ nhỏ, dịch vụ ăn nhanh, giải khát, phù hợp với nhu cầu kết hợp giữa mua sắm và vui chơi, giải trí của người dân. Tại các điểm kinh doanh kiểu này, khách hàng trực tiếp lựa chọn hàng sau khi được nhân viên bán hàng tư vấn hoặc người mua tự tham khảo qua mạng, giá niêm yết công khai. Sản phẩm đa dạng từ các loại hàng công nghệ phẩm, thực phẩm khô, nước giải khát đến một số loại rau, củ, quả, thực phẩm đông lạnh, mỹ phẩm, đồ dùng cá nhân... sản xuất trong nước và nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hình thức kinh doanh này góp phần hiện đại hóa thương mại, bước đầu làm hài lòng người dân khu vực nông thôn với nhiều lý do: sản phẩm phong phú, bày trên kệ an toàn, gọn gàng, người tiêu dùng có thể tìm hiểu kỹ về sản phẩm, cân nhắc nhu cầu, tin tưởng về chất lượng cũng như giá cả hàng hóa, giao dịch an toàn (có hóa đơn bán hàng bảo đảm việc đổi trả hay khiếu nại, thắc mắc) khác hẳn với việc mua hàng hóa ở chợ truyền thống khó xác định được chất lượng. Tại một số siêu thị, cửa hàng, nhiều sản phẩm thậm chí còn có giá rẻ hơn so với ở chợ truyền thống do được nhập trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua trung gian nên giảm được chi phí. Thời gian mở cửa của các siêu thị, trung tâm mua sắm linh hoạt, cả ngày chứ không theo giờ, theo phiên như chợ truyền thống, khách hàng có thể mua được hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng tại một địa điểm thay vì di chuyển nhiều chợ, cửa hàng để mua các chủng loại hàng hóa khác nhau cũng là những yếu tố khiến người dân lựa chọn hình thức mua sắm này. Chị Trần Thị Hà, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cho biết: Những năm gần đây đời sống, thu nhập được cải thiện, người dân nông thôn không chỉ quan tâm tới giá cả hàng hóa như trước mà còn đặc biệt chú ý tới chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nên việc hình thành các siêu thị, trung tâm mua sắm tại vùng nông thôn với nhiều tiện ích được người dân rất hoan nghênh. Tại đây, mỗi loại hàng hóa lại có nhiều nhãn hàng của nhiều nhà sản xuất để lựa chọn. Ví như nước mắm, có không dưới 20 nhãn hàng khác nhau; hay hoa quả, nếu không có Siêu thị Country Mart, chúng tôi muốn mua hoa quả nhập ngoại thì phải lên thành phố hoặc đặt mua trên mạng, không yên tâm lắm vì không được trực tiếp chọn hàng. Ngoài ra, mua ở siêu thị người dân cũng có thể biết đến và thưởng thức đặc sản các vùng miền trên cả nước”. Trong dòng người hối hả mua sắm tại Siêu thị Lan Chi Mart (Giao Thủy) những ngày đầu năm Kỷ Hợi, bà Trần Thanh Trà, xã Giao Yến (Giao Thủy) cho biết: Tôi xa quê lâu năm, mọi khi mỗi lần về thăm nhà là “tay xách, nách mang” vì phải mua đồ ở thành phố mang về, nhưng từ khi Siêu thị Lan Chi đi vào hoạt động với hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, tôi rảnh rang hẳn. Về đây cần gì đến siêu thị là có, mang về quê, vừa tiện dụng, an toàn lại góp phần thúc đẩy kinh doanh thương mại ở quê nhà thêm sôi động. Với sự hưởng ứng của khách hàng, các siêu thị, trung tâm thương mại khu vực nông thôn đều có kết quả kinh doanh tốt. Tại Siêu thị Lan Chi Mart (Giao Thủy), Country Mart (Hải Hậu), hay trung tâm thương mại Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) đều báo cáo lượng hàng hóa tiêu thụ ổn định và tăng cao với doanh số bán hàng đạt hơn 1 tỷ đồng vào những ngày cao điểm cận Tết Kỷ Hợi vừa qua. Ngoài tiện ích cho người tiêu dùng, việc quản lý tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại, đưa hàng Việt về khu vực nông thôn của các cơ quan quản lý Nhà nước được thuận tiện hơn.

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và có cơ hội phát triển tốt nhưng việc đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích ở nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và các mục tiêu theo Quy hoạch phát triển Thương mại của tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010. Theo đó, mô hình siêu thị, trung tâm thương mại ở nông thôn cần được mở rộng ở tất cả các trung tâm huyện, thị trấn để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại khu vực nông thôn của tỉnh còn bộc lộ những hạn chế như chưa đảm bảo về số lượng, chưa đồng đều giữa các địa phương và mật độ trong cùng một địa bàn. Đa phần các siêu thị, cửa hàng tự chọn ở nông thôn mới đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn phát triển thương hiệu nên chưa khai thác hết lượng khách hàng, tính kết nối và tương tác chưa cao, nhất là đối với những người dân sinh sống ở quá xa thị trấn trung tâm. Hơn thế nữa, một số thói quen giao thương ở các chợ truyền thống như việc mặc cả cũng khiến nhiều người ngại vào siêu thị… Để thúc đẩy thương mại nông thôn theo hướng hiện đại, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các địa phương công bố quy hoạch phát triển thương mại, tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực xa trung tâm huyện,

thị trấn. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đã có cần tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, có hướng tiếp cận, phân khúc bán hàng phù hợp, nhất là đối với những khu vực phát triển ở vùng nông thôn, địa bàn tập trung nhiều công nhân, khu công nghiệp, bảo đảm cam kết bán hàng giá bình ổn, chất lượng hàng hóa cung ứng và có nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu mua sắm đối với người dân. Ưu tiên sử dụng lao động địa phương tham gia vào công tác tổ chức, quản lý vận hành các siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt chú ý kết hợp việc đưa nhóm hàng hóa nông sản, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương vào bày bán trong siêu thị, trung tâm thương mại để quảng bá giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com