Quyết liệt đấu tranh chống gian lận thương mại

08:04, 02/04/2019

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) trong tình hình mới”, công tác chống buôn lậu, GLTM trên địa bàn tỉnh ta đã đạt kết quả tích cực; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội, góp phần lành mạnh hóa thị trường, chống thất thu ngân sách, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên.

Xác định rõ vai trò quan trọng của việc chống buôn lậu, GLTM trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 27-7-2015 triển khai thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ về “Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trong tình hình mới”; quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; tổ chức hội nghị quán triệt, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, GLTM sát với thực tiễn và nhiệm vụ, chức năng quản lý của mỗi ngành, địa phương. Triển khai Nghị quyết 41/NQ-CP, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, GLTM và hàng giả tỉnh (BCĐ 389/ĐP) đã yêu cầu các ngành thành viên, các địa phương thực hiện nghiêm 3 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống GLTM như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng về chống GLTM; làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, các địa phương và kiên quyết xử lý vi phạm… Trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương đồng loạt triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, phân tích và dự báo diễn biến xu hướng các mặt hàng dễ bị vi phạm trong từng giai đoạn để kịp thời ngăn chặn hành vi GLTM trên các tuyến, các địa bàn, đặc biệt là khu vực chợ đầu mối, trạm trung chuyển hàng hóa và khu vực nông thôn. Chú trọng làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, các địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ trong việc trao đổi, xử lý thông tin, phối hợp đấu tranh, bắt giữ, xác minh và kịp thời xử lý sai phạm, góp phần triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có trị giá tương đối lớn, diễn biến phức tạp. Công tác truyền thông được đẩy mạnh thông qua hình thức tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật; thông tin cảnh báo tiêu dùng cũng như những nguy hại của hoạt động buôn lậu, GLTM đối với an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội và công khai địa chỉ cơ sở có hành vi GLTM… từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đấu tranh chống GLTM. Bên cạnh đó, các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP đã phối hợp tổ chức kiểm soát hàng hóa theo chuyên đề, tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống và sức khỏe của người dân. Công tác phối hợp lực lượng kiểm soát thị trường theo chuyên đề tập trung vào những nhóm hàng hóa thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tiêu dùng và sản xuất của nhân dân như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, vật tư nông nghiệp… được các ngành chức năng triển khai bài bản. Chẳng hạn đối với mặt hàng xăng dầu, để chống thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh này, năm 2017, các ngành: Thuế, Công an tỉnh, Công thương, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đã phối hợp xây dựng kế hoạch, triển khai niêm phong đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, cơ quan chức năng đã kiểm soát được sản lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên toàn tỉnh và thu được hàng chục tỷ đồng thuế phát sinh từ xăng dầu mỗi quý nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP, các cơ quan thành viên BCĐ 389/ĐP đã kiểm tra, xử lý 9.712 vụ việc, 9.975 đối tượng buôn lậu, GLTM. Trong đó, GLTM 8.544 vụ việc; buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 715 vụ việc; hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ 453 vụ việc. Phạt vi phạm hành chính hàng chục tỷ đồng; trị giá hàng hóa thu giữ 6 tỷ 739 triệu đồng; hoàn thiện hồ sơ chuyển xử lý xử hình sự 10 vụ việc GLTM. Tại huyện Giao Thủy trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phối hợp điều tra, phát hiện và xử lý hình sự hai vụ việc buôn bán mì chính, hạt nêm giả các nhãn hiệu: Ajinomoto, Miwon và Knorr với hai đối tượng Bùi Thị Dậu, trú tại xã Giao Nhân và Lưu Quang Tuấn, xã Giao Thanh với tội danh "Buôn bán hàng giả" là phụ gia thực phẩm theo khoản 1, Điều 193 Bộ luật Hình sự; thu giữ gần 3.000kg mì chính, hạt nêm giả và thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất hàng giả. Nhiều vụ việc khác có mức độ nghiêm trọng như: kinh doanh đệm giả nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Cổ phần May Sông Hồng tại xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); sản xuất, kinh doanh băng vệ sinh giả các nhãn hiệu Diana, Kotex, Dạ Lan của đối tượng Vũ Văn Đan, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc)... do tính chất vi phạm nghiêm trọng đều được lực lượng chức năng hoàn tất hồ sơ chuyển xử lý hình sự. Việc xử lý vi phạm kiên quyết, đúng người, đúng tội đã phát huy tính giáo dục, răn đe, góp phần làm lành mạnh hoá thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công tác chống GLTM trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như: một số ít lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện đấu tranh chống buôn lậu chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ nên việc nắm tình hình, phát hiện đấu tranh, xử lý vi phạm còn hạn chế; lực lượng đấu tranh chống GLTM trên biển còn mỏng, khả năng xây dựng lực lượng mật theo dõi hoạt động buôn lậu ở các địa bàn trọng điểm còn khó khăn; một số quy định của pháp luật về chống xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống GLTM còn chồng chéo; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật, phòng chống buôn lậu, GLTM và hàng giả chưa được thực hiện thường xuyên… Trong khi đó, hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh có diễn biến khó lường, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó trưởng BCĐ 389/ĐP cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm thường sử dụng là xé lẻ hàng hóa, ngụy trang cất giấu lẫn trong các loại hàng hóa khác và dùng xe tải, ô tô khách, xe thư báo, tàu hỏa để vận chuyển; làm giả hồ sơ hoặc sử dụng hóa đơn quay vòng để đối phó với cơ quan chức năng; nạn GLTM, gian lận thuế thông qua phương thức vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa vẫn còn diễn ra. Riêng trên tuyến biển, các hành vi GLTM thường có yếu tố người nước ngoài, hành vi vi phạm chính vẫn là vận chuyển hàng hóa không hóa đơn, chứng từ các mặt hàng vi phạm như phân bón, đường, xăng dầu, dăm gỗ… Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của nhiều doanh nghiệp, cá nhân người dùng còn tùy tiện, không tìm hiểu rõ thông tin về hàng hóa trước khi giao dịch cũng là cơ hội để tình trạng GLTM có cơ hội phát triển.

Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống GLTM, trong thời gian tới, BCĐ 389/ĐP sẽ tăng cường chỉ đạo các thành viên tiếp tục thực hiện tốt sự chỉ đạo của BCĐ 389 quốc gia, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Trong đó, tập trung củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng bám sát thị trường, xử lý vi phạm; quản lý tốt đội ngũ cán bộ làm công tác chống buôn lậu, GLTM, phòng ngừa ngăn chặn tham nhũng, bao che các vụ vi phạm. Chủ động thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường bộ, biên giới biển, các tuyến vận tải từ các tỉnh lân cận vào địa bàn qua các vị trí trọng điểm như: chợ đầu mối, trung tâm thương mại, bến bãi, kho tàng tập kết hàng hóa... Tiếp tục duy trì thường xuyên công tác phối hợp giữa các lực lượng, phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp trên từng địa bàn, tuyến trọng điểm, đặc biệt là Thành phố Nam Định, khu vực tiếp nối giữa tỉnh Nam Định với các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình và tỉnh Hà Nam. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, địa phương và lực lượng chức năng để nắm chắc địa bàn, đối tượng; phương thức, thủ đoạn buôn lậu, GLTM và sản xuất, kinh doanh hàng giả. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm, dung túng, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để tình trạng buôn lậu, GLTM, hàng giả kéo dài do thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm. Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, công tác chống GLTM cần sự hỗ trợ của BCĐ 389 quốc gia, các bộ, ngành Trung ương bổ sung kinh phí, trang thiết bị và tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và GLTM trong tình hình mới.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, các bộ, ngành, UBND tỉnh, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, GLTM trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh hơn 3 năm qua đã góp phần giữ ổn định thị trường, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM. Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, GLTM, hàng giả của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com