Chủ động kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa

08:03, 19/03/2019

Xác định vị trí, vai trò của chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) đối với công tác quản lý thị trường, sản xuất và tiêu dùng, tỉnh ta đã chủ động triển khai các hoạt động kiểm soát, quản lý, chấn chỉnh những sai phạm, ngăn chặn hậu quả thiệt hại đến tài sản, quyền lợi, uy tín của cơ sở, quốc gia do SPHH không bảo đảm chất lượng gây ra, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Kiểm định chất lượng công tơ điện tại Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ).
Kiểm định chất lượng công tơ điện tại Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ).

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng cho SPHH. Năm 2018, các sở quản lý chuyên ngành đã tổ chức 192 cuộc hội thảo, lớp tập huấn (tăng 48,5%) so với năm 2017; đăng tải 79 tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát 58 nghìn tờ rơi, treo 120 băng rôn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng SPHH. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã in và phát 58 nghìn tờ rơi các loại; treo 120 băng rôn, đăng 50 bản tin và phối hợp xây dựng 23 phóng sự tuyên truyền; tổ chức 148 hội thảo, tập huấn cho trên 15 nghìn lượt người về kiến thức an toàn thực phẩm, sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; quản lý vật tư nông nghiệp và phổ biến các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Những hình thức tuyên truyền cụ thể này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức mà còn giúp các chủ doanh nghiệp tự giác xây dựng, thúc đẩy các chương trình, phong trào bảo đảm chất lượng SPHH trong doanh nghiệp như: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; chứng nhận và công bố hợp chuẩn cho chất lượng SPHH; bảo hộ sở hữu trí tuệ… Công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng SPHH được các ngành chức năng tăng cường trên diện rộng đối với những nhóm hàng hóa thiết yếu và kịp thời xử lý mọi hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tạo được lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường. Trong năm 2018, các cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra gần 12 nghìn lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh; lấy 1.642 mẫu hàng hóa để kiểm nghiệm chất lượng; phát hiện 2.354 lượt cơ sở (chiếm 19,76% cơ sở được kiểm tra) vi phạm các quy định của Nhà nước về chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo và phạt tiền 7 tỷ 198 triệu đồng, tạm giữ và tiêu hủy nhiều loại SPHH không đảm bảo chất lượng. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 27 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 295 lượt cơ sở về việc chấp hành Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng SPHH, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đo lường; phát hiện 99 cơ sở vi phạm về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hoá và chưa lưu giữ hồ sơ chất lượng đầy đủ theo quy định tại nơi bán hàng; phạt cảnh cáo 14 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 42 triệu đồng. Tổ chức khảo sát, lấy 91 mẫu hàng hóa lưu thông và vàng trang sức trên thị trường; qua đó phát hiện 6/91 mẫu hàng hóa như có hàm lượng chất hóa học nguy hại vượt quá mức giới hạn cho phép như: phthalate trong đồ chơi trẻ em, ethanol trong rượu, lưu huỳnh trong măng khô... Sở Y tế tổ chức 11 đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 7.194 cơ sở, phát hiện 1.594 cơ sở có vi phạm chất lượng SPHH; xử phạt hành chính 231 cơ sở với số tiền 517,7 triệu đồng và tiêu hủy SPHH vi phạm tại 66 cơ sở, buộc tạm ngừng hoạt động 3 cơ sở vi phạm; tổ chức kiểm nghiệm 532 mẫu dược phẩm, mỹ phẩm gồm thuốc đơn và đa thành phần, thuốc đông dược, dược liệu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; qua đó đã phát hiện kịp thời và loại bỏ những sản phẩm không đạt chất lượng ra khỏi thị trường. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều hành vi gian lận về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình và nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật đảm bảo chất lượng SPHH và nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tiễn quản lý chất lượng SPHH trong thời gian qua cũng có nhiều khó khăn, bất cập như: thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, còn tồn tại nhiều SPHH không đảm bảo chất lượng và không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống, chế biến không rõ nguồn gốc xuất  xứ... Trong khi một số bộ, ngành quản lý chậm ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu; hoạt động tập huấn nghiệp vụ quản lý chất lượng SPHH, thanh tra, kiểm tra cho cán bộ quản lý chất lượng hàng hóa tại địa phương còn hạn chế. Năng lực các phòng kiểm nghiệm chất lượng SPHH chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Quản lý chất lượng SPHH là hoạt động thực thi pháp luật, bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước đối với chất lượng SPHH trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì thế, để công cụ quản lý quan trọng này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước và xu thế hội nhập quốc tế rất cần sự quan tâm, chú trọng hơn nữa của các cơ quan chức năng liên quan. Trong đó, các ngành chức năng, các huyện, thành phố cần phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tốt các văn bản pháp luật về hoạt động quản lý chất lượng SPHH. Ưu tiên tập huấn cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý chất lượng; đào tạo kiểm soát viên chất lượng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về chất lượng SPHH. Đầu tư tăng năng lực cho các phòng thử nghiệm để hình thành tổ chức đánh giá hợp chuẩn cho một số SPHH, phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sở quản lý chuyên ngành phối hợp xây dựng chương trình lấy mẫu thử nghiệm chất lượng các SPHH thiết yếu liên quan đến an toàn, sức khỏe lưu thông trên thị trường để phát hiện các mối nguy hại về an toàn thực phẩm và hàng hóa kém chất lượng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com