Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

07:06, 16/06/2020

I- Có cải thiện nhưng chưa tích cực

Theo báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh tăng 2 bậc, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố với tổng số 65,09 điểm (cao hơn năm trước 2,08 điểm). Đây là điểm số PCI cao nhất từ trước tới nay của tỉnh. So với năm 2018, có 3 trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2019 của tỉnh tăng điểm và thứ hạng. Tăng cao nhất là chỉ số Gia nhập thị trường đạt 8,23 điểm, tăng 1,74 điểm, tăng 58 bậc, chỉ xếp sau hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Yên; Chỉ số Tính minh bạch đạt 6,55 điểm, tăng 1,13 điểm, tăng 17 bậc, xếp hạng 45/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,25 điểm, tăng 0,02 điểm, tăng 16 bậc, xếp hạng 31/63.

 Mặc dù đã vươn lên vào nhóm khá của cả nước nhưng chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh vẫn thấp hơn mức trung vị của cả nước 0,04 điểm. Trong đó, so với năm 2018 có 3/10 chỉ số thành phần dù tăng điểm nhưng lại hạ thứ hạng, gồm: Chỉ số Đào tạo lao động đạt 6,87 điểm, tăng 0,24 điểm nhưng thứ hạng lại hạ 6 bậc, xếp thứ 22/63; Chỉ số Thể chế pháp luật đạt 6,71 điểm, tăng 0,07 điểm nhưng thứ hạng lại hạ 14 bậc, xếp thứ 26/63; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đạt 6,24 điểm, tăng 0,90 điểm nhưng thứ hạng lại hạ 1 bậc. Đáng bàn, so với năm 2018 có 4/10 chỉ số thành phần giảm cả điểm và thứ hạng gồm:

Chỉ số Tiếp cận đất đai đạt 6,28 điểm, giảm 0,67 điểm và hạ 34 bậc, là chỉ số có vị trí xếp hạng thấp nhất từ năm 2006 đến nay khi xếp thứ 55/63; Chỉ số Chi phí thời gian đạt 6,4 điểm, xếp thứ 51/63, giảm 0,64 điểm và hạ 28 bậc; Chỉ số Tính năng động đạt 6,05 điểm, xếp thứ 42/63, giảm 0,46 điểm và hạ 36 bậc; Chỉ số Chi phí không chính thức đạt 5,8 điểm, xếp thứ 46/63, giảm 1,17 điểm và hạ 37 bậc, là chỉ số có biến động giảm điểm và giảm thứ hạng nhiều nhất trong các chỉ số thành phần.

Cán bộ Trung tâm Giao dịch hành chính một cửa thành phố Nam Định giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai với người dân.
Cán bộ Trung tâm Giao dịch hành chính một cửa thành phố Nam Định giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai với người dân.

Theo đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp điểm trung vị PCI đạt trên 60 và là điểm số cao nhất từ trước đến nay (tăng 1,9 điểm so với điểm trung vị năm 2018), cho thấy sự cạnh tranh giữa các địa phương trên đường đua PCI ngày càng quyết liệt. Bên cạnh đó, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trên cả nước giữ vững xu hướng cải thiện tích cực so với các năm trước. Mức độ cải thiện chỉ số PCI của tỉnh ta cho thấy còn chưa mạnh như các địa phương khác. Công tác cải cách hành chính (CCHC) mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chỉ số Par Index năm 2019 của tỉnh tuy tăng cả về điểm số và thứ hạng so với năm 2018 nhưng kết quả cải thiện chưa rõ rệt. Một số lĩnh vực của chỉ số Par Index còn xếp thứ hạng thấp như chỉ số Cải cách tài chính công (xếp hạng 54/63), chỉ số Hiện đại hóa hành chính (xếp hạng 46/63). Kết quả CCHC năm 2019 ở một số ngành, địa phương còn thấp dưới 80% như: huyện Ý Yên 70%, huyện Xuân Trường 75%, huyện Vụ Bản 77%. Năng lực công tác, thái độ, đạo đức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức chưa làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp (Chỉ tiêu Cán bộ giải quyết công việc hiệu quả xếp hạng 58/63; Cán bộ thân thiện xếp hạng 59/63). Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ chưa đạt yêu cầu; việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý vi phạm chưa kịp thời và triệt để; vẫn còn xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt”, gây phiền hà doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai (xếp hạng 57/63). Doanh nghiệp chưa tin tưởng hệ thống pháp luật có cơ chế giúp họ tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ. Còn nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các thông tin, văn bản pháp luật cần thiết cho hoạt động đầu tư kinh doanh, nhất là tài liệu về pháp lý, quy hoạch, đất đai. Công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, chưa đảm bảo, thiếu tính đồng bộ giữa các quy hoạch nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xúc tiến và thu hút đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch còn gặp khó khăn. Vi phạm đất đai còn diễn biến phức tạp, công tác xử lý các vi phạm tại một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất còn chậm so với các năm trước; thủ tục chuyển đổi, cấp mới về đất đai cho doanh nghiệp cũng chậm. Chất lượng giáo dục dạy nghề của tỉnh chưa bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do vậy chất lượng lao động tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp phải chi phí ngày càng nhiều cho công tác đào tạo lao động.

 II- Cần quyết liệt hành động

Với quyết tâm phấn đấu nâng chỉ số xếp hạng PCI năm 2020 tăng so với năm 2019, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu, phân tích nguyên nhân làm giảm điểm, thứ hạng các chỉ số thành phần, từ đó đề ra giải pháp khắc phục triệt để; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao chỉ số PCI. Các sở, ban, ngành, các địa phương phải bám sát các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phản ánh tình trạng thiếu trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là hành vi “tham nhũng vặt”. Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Tổ kiểm tra công vụ của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tiếp nhận và phản hồi trong quá trình giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, góp phần tạo sự minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thực hiện rà soát, xử lý triệt để tình trạng chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tăng cường cơ chế giám sát và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, đòi hỏi các khoản chi phí không chính thức từ doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực thanh, kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, thuế... Tạo sự công bằng trong thực hiện TTHC, tiếp cận đất đai, giải quyết khó khăn đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để Hiệp hội tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các TTHC để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi gia nhập thị trường và thực hiện các quy định của Nhà nước. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, phù hợp với tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước; đẩy mạnh xây dựng và đưa vào vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com