Tham gia bảo hiểm nông nghiệp góp phần bù đắp thiệt hại cho nông dân

07:06, 17/06/2020

Trước những diễn biến dị thường của thời tiết do biến đổi khí hậu khiến sản xuất nông nghiệp ngày càng đối diện với nhiều rủi ro nên việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp bấp bênh, khó hấp dẫn. Để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho cây lúa theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cán bộ Sở NN và PTNT kiểm tra, rà soát tình hình sâu bệnh, dịch hại trên lúa để tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn vùng, địa bàn tham gia thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp.
Cán bộ Sở NN và PTNT kiểm tra, rà soát tình hình sâu bệnh, dịch hại trên lúa để tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn vùng, địa bàn tham gia thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

Chia sẻ khó khăn với nông dân

Những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến sản xuất nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng, bị ảnh hưởng về năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập. Trên cơ sở xem xét, phân tích và đánh giá thực tế các vùng sản xuất lúa tại địa phương, UBND tỉnh đã quyết định lựa chọn triển khai thực hiện chính sách BHNN tại huyện Trực Ninh bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12-2020. Mục tiêu của việc thực hiện chính sách BHNN trên cây lúa là nhằm hỗ trợ người sản xuất lúa chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về BHNN cho người nông dân, doanh nghiệp, từ đó từng bước tham gia BHNN để ổn định và phát triển sản xuất. Khi tham gia BHNN, nông dân ở những vùng bị thiên tai hoặc dịch bệnh sẽ giảm nguy cơ rủi ro, có vốn để tái sản xuất. Đối với cây lúa, có 2 nhóm rủi ro được bảo hiểm là thiên tai (gồm: bão, lũ, lụt, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, sóng thần) và dịch bệnh (gồm: rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen). Tiêu chuẩn bảo hiểm về năng suất: nếu năng suất lúa thực thu của vùng tham gia bảo hiểm thấp hơn 75% so với năng suất bình quân của 3 vụ liền kề trước đấy sẽ được hỗ trợ bảo hiểm. Trong quá trình tổ chức sản xuất, khi xảy ra các loại dịch bệnh thì ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương cũng như các hộ nông dân thực hiện biện pháp phòng trừ. Những chi phí về bảo vệ thực vật đối với cây lúa của vùng tham gia bảo hiểm khi xảy ra dịch bệnh, chi phí chữa bệnh cho lúa sẽ được hỗ trợ một phần với mức không quá 20% phí bảo hiểm… Mặt khác, triển khai bảo hiểm cây lúa cũng tạo cho người nông dân, các địa phương dần làm quen và chủ động với công tác bảo hiểm. Đây là giải pháp tốt mang tính lâu dài trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng cộng đồng trách nhiệm

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đối tượng thực hiện chính sách BHNN trong vụ mùa này tại địa bàn huyện Trực Ninh là Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân, các hộ trồng lúa trên địa bàn và các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm BHNN có đủ điều kiện. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để việc triển khai thực hiện chính sách BHNN đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác của tỉnh trực tiếp chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện BHNN đối với cây lúa trên địa bàn tỉnh. Huyện Trực Ninh thành lập tổ công tác cấp huyện và các xã, thị trấn ngay trong tháng 6-2020. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT, huyện Trực Ninh, các xã, thị trấn triển khai quán triệt sâu rộng nội dung Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 của Chính phủ về BHNN; Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của các Bộ Tài chính, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, nội dung, yêu cầu của BHNN đối với cây lúa; chỉ đạo tổ chức triển khai ký hợp đồng bảo hiểm đối với cây lúa tại các xã, thị trấn của huyện Trực Ninh và các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia bảo hiểm cho cây lúa. Tổ chức hướng dẫn và giám sát thực hiện hợp đồng bảo hiểm và sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm báo cáo UBND tỉnh; Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Việc thành lập và phân bổ dự toán quản lý và kế toán phí hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh lựa chọn, phê duyệt địa bàn hỗ trợ và doanh nghiệp bảo hiểm, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ NN và PTNT xây dựng quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách BHNN phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt; chủ trì tổ chức triển khai và tuyên truyền thực hiện chính sách BHNN trên cây lúa. Sở Tài chính phối hợp với Sở NN và PTNT trong việc lập dự toán phân bổ dự toán, quản lý và thanh toán kinh phí hỗ trợ thực hiện BHNN cấp kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương; đồng thời hướng dẫn huyện Trực Ninh các nghiệp vụ liên quan thực hiện BHNN. UBND huyện Trực Ninh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện BHNN; chỉ đạo Phòng NN và PTNT, UBND các xã, thị trấn tham gia bảo hiểm phối hợp cùng cơ quan liên quan và Công ty kinh doanh bảo hiểm nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh để xác định diện tích, mức độ thiệt hại, đồng thời rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ báo cáo UBND huyện thực hiện thẩm định, tổng hợp danh sách được hỗ trợ gửi Sở NN và PTNT. Hội Nông dân, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, Báo Nam Định chủ động phối hợp tuyên truyền về BHNN; hướng dẫn, vận động hội viên tuân thủ quy định pháp luật về thực hiện BHNN và các quy định pháp luật liên quan đến trồng trọt. Các bên liên quan phối hợp kiểm soát, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm và có trách nhiệm trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng BHNN. Các tổ chức, cá nhân tham gia BHNN bảo đảm quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm theo quy định pháp luật; có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Người nông dân thực hiện giao kết hợp đồng BHNN sau khi đã hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản biểu phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp giải thích. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất, giải quyết bồi thường. Thực hiện trách nhiệm khác theo thỏa thuận hợp đồng BHNN và quy định của pháp luật.

Việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm cho cây lúa cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với ngành Nông nghiệp và nông dân. Song để chính sách BHNN sớm được triển khai hiệu quả và thực chất thì rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến xã, thôn cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp bảo hiểm./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com