Phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

07:04, 07/04/2019

Liên kết tiêu thụ nông sản là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã hình thành được  20 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, thực tế vận hành các liên kết này đã phát sinh nhiều khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ để đảm bảo sự bền vững, đặc biệt là việc phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên).
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên).

Với diện tích tự nhiên hơn 165 nghìn ha, trong đó có 78 nghìn ha đất lúa, gần 16 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, tỉnh ta có lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa. Thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản; xây dựng 151 cánh đồng lớn với diện tích hơn 6.500ha để sản xuất nông sản hàng hóa tập trung và hình thành khoảng 20 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa. Một số chuỗi điển hình như: chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (Trực Ninh); chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy hải sản Hùng Vương (Giao Thủy); chuỗi liên kết sản xuất, chế biến ngao sạch xuất khẩu của Công ty Thủy sản Lenger; chuỗi sản xuất, chế biến nông sản sấy khô của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương đều ở Thành phố Nam Ðịnh... Bên cạnh kết quả tích cực về tổ chức sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân, các chuỗi liên kết sản xuất này tồn tại nhiều hạn chế, khó mở rộng và thiếu tính bền vững. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là các nút thắt, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và nông dân như: doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật; thu mua nông sản với giá thấp, chưa theo giá thị trường, chậm thanh toán tiền thu mua nông sản; nhiều hộ nông dân chưa tuân thủ quy tắc sản xuất theo hợp đồng, chưa thực hành đúng quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, còn tình trạng trà trộn hàng hóa, khi nhập cho doanh nghiệp hoặc bán hàng tốt ra bên ngoài để tăng thêm lợi nhuận. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được xác định là do chưa đảm bảo hài hòa lợi ích trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các tổ chức đại diện hoặc chính nông dân, phân chia lợi nhuận chưa thực sự tương xứng với vai trò đóng góp của các bên tham gia trong chuỗi liên kết. Người nông dân luôn ở thế bị động, phụ thuộc vào doanh nghiệp ở cả khâu giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật chăm bón và đầu ra sản phẩm dẫn đến một số hộ dân vì lợi nhuận trước mắt mà phá vỡ hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cả chuỗi. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để thống nhất giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Tại Hội nghị kết nối cung cầu nông sản năm 2018 do các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức, ngoài các giải pháp về cung ứng vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư hạ tầng vùng sản xuất, hầu hết các đại biểu đều tán thành giải pháp chung là phát huy vai trò của chính quyền địa phương, tổ chức đại diện cho người nông dân làm trung gian cho các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản; định hướng tổ chức sản xuất tại địa phương, hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất; hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu nông sản và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia vào các chuỗi liên kết; vai trò trung gian điều phối tổ chức sản xuất, đại diện bảo vệ quyền lợi cho nông dân khi giao dịch với doanh nghiệp. Chẳng hạn ở mô hình liên kết tiêu thụ nông sản của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên). Từ chỗ người dân sản xuất manh mún, sản phẩm rau màu tiêu thụ tự do trên thị trường, hiệu quả kinh tế thấp, khi thực hiện Ðề án sản xuất nông nghiệp hàng hóa, UBND xã định hướng mô hình sản xuất, tạo điều kiện về cơ chế, liên hệ với các sở, ngành chức năng để tìm kiếm nguồn đầu tư từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có trách nhiệm tập hợp nông dân, tập trung ruộng đất, thống nhất phương án sản xuất, phân chia lợi nhuận. Hợp tác xã đại diện cho nông dân khi giao dịch với doanh nghiệp để đảm bảo thống nhất đầu mối, thương thảo điều kiện theo quyền lợi của người sản xuất giúp người dân yên tâm góp công, góp của tạo vùng sản xuất lớn. Với cách làm này, các hộ dân thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã liên kết thành công với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rau quả Ðồng Giao (Ninh Bình) trong việc sản xuất, tiêu thụ cải bó xôi và hành hoa Nhật Bản trên diện tích 7ha theo phương thức người nông dân sản xuất theo kỹ thuật, giống, vật tư nông nghiệp và giá thu mua của doanh nghiệp. Do chuẩn bị tốt về tâm lý người lao động, điều kiện sản xuất và hợp đồng rõ ràng cơ chế giao dịch nên chất lượng sản phẩm rau của hợp tác xã được đảm bảo, giá thành thu mua cao, phương thức chi trả hợp lý, người dân có lợi nên hợp đồng sản xuất được duy trì liên tục. Bên cạnh đó, ngoài mùa vụ trồng rau màu xuất khẩu, cũng trên diện tích đất đó, hợp tác xã tổ chức cho nông dân trồng các loại cây rau màu khác theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn mác sản phẩm và ký kết cung ứng sản phẩm ra thị trường. Hiện tại, sản phẩm rau màu của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh với giá cạnh tranh cao. Ðồng chí Nguyễn Văn Chiển, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chuỗi liên kết sản xuất được xây dựng và duy trì trên quan điểm lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại là trung tâm, là động lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa; nông dân góp vốn, trực tiếp sản xuất và được hưởng lợi ích theo kết quả lao động, tỷ lệ đóng góp vốn nên đã hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định được vai trò đại diện cho nông dân dẫn dắt, điều tiết sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp. Tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), vai trò của chính quyền địa phương được thể hiện rõ qua việc đảm bảo quyền lợi cho người dân khi hợp đồng kinh tế bị vi phạm. Từ năm 2015, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Hoa Thiên Phú phối hợp với xã triển khai thực hiện dự án phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Dự án đã thu hút trên 300 hộ dân tham gia với tổng diện tích gần 20ha. Tham gia dự án, ngoài những chính sách hợp tác và hỗ trợ giúp nông dân đảm bảo đầu ra với giá ổn định, Công ty còn cung cấp giống, vật tư có chất lượng, kỹ thuật canh tác, sơ chế và đầu tư cơ sở chế biến dược liệu tại địa phương… Thu nhập của người dân tăng cao hơn từ 3-5 lần so với sản xuất các cây trồng trước đây. Năm 2017, do thị trường biến động, Công ty gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc trả tiền cho người dân không đúng hợp đồng trong một thời gian dài khiến người dân bức xúc. Trước sự việc này, UBND xã đã tìm hiểu thực tế tình hình doanh nghiệp; những khúc mắc giữa doanh nghiệp và người dân để làm công tác tư tưởng với người dân, ngăn chặn phát sinh mâu thuẫn gây hệ lụy xấu cho liên kết, vừa làm việc với doanh nghiệp gia hạn thanh toán theo phương châm ưu tiên giải quyết hợp đồng với nông dân. Với sự vào cuộc tích cực, có lý, có tình của chính quyền địa phương, các hộ dân tham gia mô hình liên kết yên tâm cho doanh nghiệp kéo dài thời gian trả nợ và tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp cho những mùa vụ sau.

Phát huy vai trò của chính quyền địa phương là yêu cầu thiết yếu trong mỗi chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, bởi chính quyền cơ sở là cấp gần dân nhất, mọi vấn đề trong đời sống, sinh hoạt, tư tưởng của nhân dân đều được phản ánh và giải quyết đầu tiên tại đây. Ðể tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, chính quyền địa phương cần quan tâm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ khâu tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu; tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân về sản xuất theo hợp đồng, tăng cường hợp tác làm việc theo tổ, nhóm để thuận lợi điều hành, quản lý và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện hợp đồng, thẩm định hợp đồng tốt, hạn chế tối đa xảy ra vi phạm hợp đồng, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người sản xuất trong các trường hợp phát sinh tranh chấp./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com