Nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu

05:03, 29/03/2019

Nam Định là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng Bắc Bộ, chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) gồm bão, lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Vì vậy để bảo vệ sản xuất vững chắc, an toàn cho người dân, tỉnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực ứng phó BĐKH.

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó BĐKH, gồm: Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 15-10-2013 triển khai Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 22-7-2013 của Tỉnh ủy Nam Định; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 31-8-2017 triển khai Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch và triển khai các dự án cải tạo, nâng cao năng lực tuyến đê biển, đê sông; cải tạo hệ thống sông, kênh mương; củng cố, nâng cấp công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất; tăng cường quản lý Nhà nước về sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên... Qua đó, giúp các sở, ban, ngành, địa phương xác định được phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong chương trình ứng phó BĐKH của đơn vị, địa phương, bảo đảm bám sát mục tiêu bao quát trên toàn tỉnh. Trước mùa lũ, bão hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai; chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tu bổ, sửa chữa những công trình phục vụ phòng, chống thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, địa phương cơ bản duy trì tốt chế độ thường trực phòng, chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến các hiện tượng, sự cố thiên tai, kịp thời ban hành các công điện ứng phó, giải pháp phòng chống, khắc phục nhanh hậu quả. Từ năm 2006 đến 30-6-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt 23 dự án đầu tư nâng cấp và xử lý cấp bách hệ thống đê biển với tổng mức đầu tư là 2.306 tỷ đồng; đến nay đã bố trí 1.598 tỷ đồng, hoàn thành đầu tư 16 dự án; đang thi công 6 dự án. Hiện toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 80 mỏ kè, nâng cấp được 64,7/76,6km đê trực diện với biển và cơ bản nâng cấp toàn bộ mặt đê; góp phần nâng cao năng lực phòng, chống bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Đối với 274km đê sông, từ năm 2010 đến 30-6-2018, tỉnh đã thực hiện 55 dự án nâng cấp và xử lý cấp bách hệ thống đê sông với tổng mức đầu tư là 5.199 tỷ đồng; góp phần nâng cấp bê tông hóa được 159km mặt đê: láng nhựa, bê tông nhựa 27km mặt đê, nâng cấp 97km kè và 14,616km tường kè, phần lớn đê còn lại đã được gia cố bằng đá cấp phối. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 3 dự án trồng rừng ven biển, gồm: Dự án trồng 36,1ha phục hồi tài nguyên, hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh Nam Định tại huyện Nghĩa Hưng với tổng vốn đầu tư 8 tỷ 721 triệu đồng; Dự án giảm sóng, ổn định bãi và trồng 70,71ha rừng ngập mặn bảo vệ Nam Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng với  tổng vốn đầu tư 21 tỷ 372 triệu đồng; Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020 đã trồng 141,07ha rừng tại 3 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy với tổng vốn đầu tư 49 tỷ 149 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020; tập trung chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị và hiệu quả kinh tế cao… Việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, thích ứng với các thay đổi do BĐKH, quan tâm bảo vệ môi trường và khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến công trình hạ tầng kỹ thật các vùng ven biển (Trong ảnh: Kiểm tra hiện trường để bàn phương án xử lý tình trạng sạt sập kè đê biển tại Thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng).
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến công trình hạ tầng kỹ thật các vùng ven biển (Trong ảnh: Kiểm tra hiện trường để bàn phương án xử lý tình trạng sạt sập kè đê biển tại Thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng).

Tuy nhiên, trong điều kiện BĐKH đang diễn ra nhanh và gây ảnh hưởng phức tạp hơn so với dự báo, công tác ứng phó BĐKH của tỉnh ta còn một số tồn tại, hạn chế cần được khẩn trương khắc phục. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về ứng phó BĐKH hầu hết là kiêm nhiệm hoặc chưa được bố trí nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc lồng ghép xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kế hoạch cập nhật ứng phó BĐKH mới được thực hiện ở các ngành liên quan trực tiếp đến phòng, chống thiên tai như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng. Sự phối hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu quan trắc giữa các cấp, ngành trong hành động ứng phó BĐKH chưa thường xuyên, chặt chẽ. Bên cạnh đó, hệ thống các trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn và BĐKH chỉ có 1 trạm đo mặn, so với quy hoạch còn thiếu 4 trạm đo mặn và 1 trạm giám sát BĐKH. Trong danh mục các chương trình, dự án phục vụ ứng phó BĐKH do UBND tỉnh phê duyệt đầu tư trong giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020, có 16 dự án ưu tiên thực hiện, tuy nhiên do thiếu tài chính nên đến nay còn nhiều dự án vẫn chưa thực hiện được. Toàn tỉnh hiện có 45/72km bờ biển đang bị xói lở; hệ thống đê biển mới được cải tạo, nâng cấp với khả năng chống bão cấp 10, mức triều tần suất 5%. Để ứng phó được với bão cấp 12 trở lên, hoặc là siêu bão thì cần phải tiếp tục nâng cấp với kinh phí rất lớn nhưng việc huy động vốn đầu tư còn nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả ứng phó BĐKH, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai phù hợp theo kịch bản ứng phó BĐKH của tỉnh; kết hợp chặt chẽ các giải pháp công trình và giải pháp phi công trình, kinh nghiệm truyền thống trong phòng chống thiên tai, chú trọng trồng tre chắn sóng ở tuyến đê sông và trồng rừng phòng hộ ở các tuyến đê biển; rà soát toàn bộ công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn để lập kế hoạch cải tạo, nâng cấp, bổ sung phù hợp với điều kiện ảnh hưởng của BĐKH; tiếp tục đề xuất sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương và có kế hoạch bố trí vốn kịp thời cho các dự án nâng cấp đê sông, đê biển theo chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là các dự án dở dang, ưu tiên sắp xếp đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng trong kế hoạch 5 năm và hàng năm cho các huyện ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của BĐKH. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH trong lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm và quy hoạch ngành, lĩnh vực; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nâng cao chất lượng thẩm định các dự án về quy hoạch và đầu tư đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và ứng phó BĐKH. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra việc chủ động ứng phó với BĐKH của các sở, ngành, địa phương; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các xã ven biển ứng dụng phần mềm bản đồ ngập lụt trong xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai xây dựng các trạm quan trắc về khí tượng thủy văn, trạm đo mặn và trạm giám sát BĐKH đảm bảo theo quy hoạch, trước mắt chỉ đạo Vườn quốc gia Xuân Thủy và Cảng Thịnh Long tiến hành xây dựng điểm quan trắc theo quy định của Chính phủ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về đê điều. UBND các huyện, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện BĐKH, trong đó có phương án phòng chống siêu bão; đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” với những giải pháp cụ thể, thiết thực./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com