Giải pháp hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

08:04, 01/04/2019

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 được tỉnh triển khai thực hiện với các mục tiêu: Xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2020 đạt bình quân khoảng 4,6%/năm; trong đó, trồng trọt khoảng 2,1-2,3%, chăn nuôi khoảng 7,5-8,0%, thủy sản khoảng 6,3-6,5%; cơ cấu giá trị trồng trọt: chăn nuôi: thuỷ sản tương ứng là 38,8%:36,4%:18,6%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46-49 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,0%. Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thực hiện khá hiệu quả nhiều nội dung tái cơ cấu nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, kinh tế hợp tác có bước phát triển với 324 hợp tác xã đã chuyển đổi và từng bước hoạt động hiệu quả. Tỷ trọng nông sản hàng hóa đạt trên 70%, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, thực phẩm hàng hóa được cải thiện đáng kể. Giai đoạn 2015-2017, mặc dù gặp nhiều thiên tai, sâu bệnh nhưng giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác vẫn tăng từ 101,97 triệu đồng/ha năm 2015 lên trên 103 triệu đồng/ha năm 2016 và năm 2017; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1,5%/năm. Năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh đạt trên 19 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2017, đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Đã kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm chủ lực có nhãn hiệu hàng hóa, có vị trí trên thị trường trong và ngoài nước như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân xây dựng thương hiệu gạo sạch gắn với xây dựng và mở rộng chuỗi liên kết; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đang liên kết với doanh nghiệp Nhật khảo nghiệm, trình diễn, mở rộng diện tích gieo cấy và tiến hành thủ tục công nhận, mua bản quyền giống lúa Nhật để xây dựng các chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ. Đã hỗ trợ 11 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, HACCP; hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa QR code cho 130 mặt hàng nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho một số nông sản, thực phẩm nổi tiếng của tỉnh như: ngao sạch Lenger, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ… Tuy nhiên, theo lộ trình kết thúc vào năm 2020 thì đến nay kết quả thực hiện Đề án chưa cao so với mục tiêu đề ra.

Việc thành lập Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định đã góp phần tiêu thụ, quảng bá các nông sản, thực phẩm có chất lượng cao của tỉnh.
Việc thành lập Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định đã góp phần tiêu thụ, quảng bá các nông sản, thực phẩm có chất lượng cao của tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tính chủ động, tích cực thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 đến nay của các địa phương và các ngành chưa cao, còn coi tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ chế, chính sách hiện hành chưa thực sự tạo động lực thu hút nên số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế. Mặc dù cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có bước chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra thường xuyên; thị trường nông sản trong và ngoài nước có nhiều biến động nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp...

Để khắc phục bất cập trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách mới về khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã; hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện nghị định của các bộ, ngành Trung ương, vì vậy ngay khi có hướng dẫn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan sớm tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện. Để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Đề án đặt ra vào năm 2020, UBND tỉnh xác định năm 2019 là năm quyết liệt triển khai có chiều sâu các giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tăng cường giám sát, kiểm đếm; tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy để đánh giá kết quả thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực hiện của các địa phương. Các ngành, các địa phương nghiên cứu chính sách của Nhà nước, điều kiện thực tế của tỉnh để tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách góp phần tạo động lực cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và bền vững; xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và công nghiệp chế biến nông sản… Trọng tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nông nghiệp của tỉnh và thu hút các doanh nghiệp làm chủ thể chính của các chuỗi liên kết; tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để hợp tác xã là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Coi trọng việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp thuê gom, tập trung ruộng đất, liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi và thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu nhanh, gây nhiều tác động tiêu cực hiện nay. Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung chương trình hợp tác nông nghiệp với tỉnh Miyazaki và Ibaraki (Nhật Bản). Rà soát nghiên cứu, lập kế hoạch xây dựng và phát triển các vùng chuyển đổi cây trồng, thủy sản trên đất lúa theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Yêu cầu việc chuyển đổi phải hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tuân thủ các quy định của Luật Đất đai và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh; loại cây trồng, thủy sản trong vùng chuyển đổi phải được lựa chọn theo nhu cầu thị trường, phát huy được tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, tập quán và kỹ thuật canh tác của nông dân; sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, ổn định; việc tổ chức thực hiện phải có bước đi phù hợp từ làm điểm, đánh giá đến nhân rộng một cách chắc chắn, thận trọng. Lựa chọn ngành hàng, sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương để lập quy hoạch phát triển ngành hàng và tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); triển khai toàn diện các biện pháp quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tham gia các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại nông sản; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định để sản xuất, phân phối và quảng bá các nông sản, thực phẩm có chất lượng cao của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com