Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ

08:03, 22/03/2019

Nắm bắt xu thế thị trường, những năm qua, một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất mà còn góp phần tích cực tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người nông dân về gắn sản xuất với bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Đây là một phương thức sản xuất trọng điểm trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được tỉnh tập trung chỉ đạo nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Đi đầu trong đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh phải kể đến Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) với chuỗi sản xuất gạo sạch Toản Xuân. Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty đã ký hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với các hợp tác xã và một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ chuỗi liên kết được thực hiện theo quy trình sản xuất, chế biến gạo sạch khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, canh tác, chế biến, bảo quản không dùng hóa chất theo tiêu chuẩn HACCP và chứng nhận ISO, đảm bảo chất lượng gạo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người tiêu dùng. Để xây dựng và phát triển được chuỗi sản xuất khi nông sản sạch, nông sản hữu cơ trên thị trường phải cạnh tranh quyết liệt với nông sản thông thường, ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty cũng đã hoàn thành xây dựng đề án sản xuất, kinh doanh gạo sạch. Sản phẩm của Công ty được đưa ra thị trường qua các nhà phân phối, đại diện cho Công ty ở các tỉnh, thành phố; chọn những đối tác có tiềm năng giữa các tỉnh, chuyển từ hệ thống phân phối nông sản cũ sang nông sản mới. Từ việc nhận thức nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, nông sản hữu cơ trên thị trường, Công ty tập trung thực hiện các biện pháp chứng minh cho người tiêu dùng nguồn gốc sản phẩm đó thế nào, tốt cho sức khỏe của họ ra sao? Trên bao bì gạo sạch Toản Xuân đều có tem điện tử giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc để “minh bạch hóa” sản phẩm. Hiện chuỗi sản xuất gạo sạch của Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân là một trong những chuỗi sản xuất nông sản đầu tiên trên toàn quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” và đang được thị trường trong nước đón nhận. Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh ở xã Trực Hùng (Trực Ninh) là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, với quy mô lên tới 10ha. Tất cả các sản phẩm rau mang thương hiệu Ngọc Anh đều đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận hữu cơ PGS (chứng nhận sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ). Hàng ngày, Công ty cung cấp khoảng 1 tấn rau, củ sạch cho hệ thống các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch tại Nam Định và Hà Nội. Để có những thành quả trên, Công ty luôn thực hiện tốt các quy trình sản xuất rau hữu cơ: lựa chọn vùng sản xuất; tạo vùng đệm cách ly; làm phân ủ nóng; chuẩn bị đất; trồng và chăm sóc, quản lý dịch hại; thu hoạch và sơ chế; truy xuất nguồn gốc… Hàng tháng Công ty gửi mẫu rau, củ tới cơ quan chuyên môn tại Hà Nội để kiểm tra chất lượng rau. Ông Lâm Văn Lưu, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty mong dự án sẽ mang lại những tác động xã hội tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đặc biệt là giảm các tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất phụ thuộc hóa chất tới môi trường.

Sản xuất rau hữu cơ tại Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Sản xuất rau hữu cơ tại Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Ngoài 2 mô hình kể trên, trong thời gian qua, một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đang được thực hiện theo công nghệ Nhật Bản, do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn và giám sát trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh ta và tỉnh Ibaraki (Nhật Bản). Các vùng sản xuất này hiện đang được kiểm soát chặt chẽ và phân tích chất lượng từ đất, nước, phân bón, mẫu rau theo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định) phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng Trung ương lựa chọn một số cây trồng và liên kết với các hợp tác xã trồng để cung cấp nguyên liệu cho Công ty thực hiện sản xuất, chế biến nông sản theo chuỗi các sản phẩm ngô nếp tươi sấy, khoai tây sấy, gạo lứt… có kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến quá trình chế biến áp dụng chương trình quản lý chất lượng HACCP. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiêu biểu là trang trại sản xuất theo chuỗi lợn sạch đạt tiêu chuẩn VietGAHP của bà Nguyễn Thị Thắm, xã Trực Thuận (Trực Ninh). Trang trại được đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, thực hiện chăn nuôi có kiểm soát từ khâu sản xuất con giống, nuôi lợn thương phẩm, sơ chế, vận chuyển đến nơi tiêu thụ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trang trại của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) và các trang trại của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên) thực hiện nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ thảo dược áp dụng tiêu chuẩn VietGAHP… Sản phẩm chăn nuôi của các trang trại này phần lớn được cung cấp cho các bếp ăn tập thể và các cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch. Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, từ năm 2017, tỉnh đã hỗ trợ hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch liên kết để thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Hiệp hội đã tích cực giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh sản xuất tạo khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Hợp tác, hỗ trợ nhau tổ chức lại phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới quy trình công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cuối năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ Hiệp hội hình thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch ở Thành phố Nam Định - tạo địa chỉ cung cấp nông sản, thực phẩm sạch, an toàn uy tín cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, mặc dù các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đã đạt được một số kết quả bước đầu về hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, nhưng trong quá trình vận hành còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mới chỉ được phân phối chủ yếu qua các siêu thị; trung tâm, cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch mà chưa được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. Sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ giá thành sản xuất cao nên giá bán cao hơn so với các sản phẩm nông nghiệp thông thường nên khó cạnh tranh; trong khi người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt được đâu là sản phẩm hữu cơ. Chính vì vậy dù nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vẫn khó bán. Rào cản lớn nhất trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh ta hiện nay là tình trạng quy mô sản xuất nông hộ tự phát, manh mún là chủ yếu nên tiềm lực khoa học, công nghệ như: nhân lực, nguồn vốn, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật… còn thấp. Ngoài những vấn đề trên thì tình trạng thiếu hiểu biết về quy định, trách nhiệm sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hướng tới bảo đảm cung cấp sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng của nông dân cũng đang là một trở ngại không nhỏ cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trong thời gian tới, tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư lớn vào sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án nông nghiệp, nhất là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục xây dựng và triển khai toàn diện các nội dung trong chương trình hợp tác song phương giữa tỉnh ta và các tỉnh Ibaraki, Miyazaki, Fukui (Nhật Bản). Phát triển nguồn nhân lực về khoa học kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao và khoa học quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và hướng tới xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com