Đẩy nhanh tiến độ công bố hợp quy đối với sản phẩm dệt may

08:03, 26/03/2019

Ngày 23-10-2017, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (QCVN 01:2017/BCT) trước khi đưa ra lưu thông tại thị trường Việt Nam. Tuy Thông tư 21 có hiệu lực kể từ ngày 1-5-2018 nhưng do những khó khăn trong việc triển khai, đặc biệt là đối với các sản phẩm dệt may đã lưu thông trên thị trường trước khi Thông tư có hiệu lực, ngày 26-4-2018 Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BCT lùi thời hạn thực hiện Thông tư 21 đến ngày 1-1-2019 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện việc công bố hợp quy đối với tất cả các sản phẩm dệt may của mình.

Theo quy định của Thông tư 21, sản phẩm dệt may trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy theo quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT; gắn dấu hợp quy (CR) theo các quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31-3-2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đối với các sản phẩm như vải sợi, vải dệt, vải không dệt, sản phẩm sản xuất từ vải như quần áo, khăn, giầy vải, chăn, ga, gối nệm, hàng phụ kiện may mặc, khăn và tã lót cho trẻ em… được phép gắn dấu CR lên nhãn mác của các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường thì phải trải qua các quá trình đánh giá, chứng nhận, kiểm nghiệm, phân tích sản phẩm và công bố hợp quy tại Sở Công thương. Thông tư nêu rõ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm dệt may (vải, sợi, quần áo, chăn, ga, gối, đệm...) phải đảm bảo giới hạn hàm lượng formaldehyt dưới 30mg/kg với sản phẩm dệt may cho trẻ em dưới 3 tuổi; 75mg/kg đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp da và 300mg/kg đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp da; hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không được vượt quá 30mg/kg. Theo Sở Công thương, công bố hợp quy đối với sản phẩm dệt may trước khi lưu thông ra thị trường nội địa là chủ trương tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thực hiện quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới theo hướng chuyển phương thức quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, công bố hợp quy đối với các sản phẩm dệt may là quy định pháp luật bắt buộc, phải tuân thủ đối với các doanh nghiệp nếu muốn đủ điều kiện lưu thông sản phẩm tại thị trường nội địa. Để triển khai thực hiện Thông tư, tạo thuận lợi cho ngành dệt may của địa phương trong năm 2018 Sở Công thương đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh thực hiện việc công bố hợp quy các sản phẩm dệt may theo quy định, đồng thời giải đáp, hướng dẫn cho doanh nghiệp về cơ chế hỗ trợ trong quá trình thực hiện các quy định tại Thông tư 21. Theo đó, để công bố hợp quy đối với các sản phẩm dệt may, doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương thức là: tự công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất) hoặc công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận do Bộ Công thương chỉ định (bên thứ ba) rồi gửi kết quả để Sở Công thương công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở. Ngoài ra, Sở Công thương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh về cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện việc công bố hợp quy theo Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND ngày 10-7-2017 của HĐND tỉnh; công khai quy trình, các bước thực hiện việc công bố hợp quy sản phẩm dệt may trên Cổng thông tin điện tử của Sở để các doanh nghiệp tiện tra cứu và thực hiện.

Thực hiện Thông tư số 21 của Bộ Công thương, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đã công bố hợp quy đối với nhóm 15 sản phẩm vải dệt thoi tẩy trắng, nhuộm màu.
Thực hiện Thông tư số 21 của Bộ Công thương, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đã công bố hợp quy đối với nhóm 15 sản phẩm vải dệt thoi tẩy trắng, nhuộm màu.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Công thương, tính đến giữa tháng 3-2019, toàn tỉnh mới có 7 doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Sở Công thương thực hiện việc công bố hợp quy theo Thông tư 21 gồm: Công ty Cổ phần May Sông Hồng; Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Won Young Vina; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tâm Kỳ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dệt may Phương Lan; Công ty Cổ phần May Nam Định; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến. Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đã công bố hợp quy đối với nhóm 15 sản phẩm vải dệt thoi tẩy trắng, nhuộm màu. Công ty Cổ phần May Sông Hồng đã công bố hợp quy 9 nhóm sản phẩm chăn, ga, đệm. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dệt may Phương Lan đã công bố 33 sản phẩm hợp quy thuộc nhóm 2 gồm các loại quần jean, áo phông; quần âu, áo sơ mi... Theo đánh giá của Sở Công thương, tiến độ và số lượng doanh nghiệp thực hiện công bố hợp quy của tỉnh còn quá chậm và ít. Nguyên nhân chủ yếu là do trên 250 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở dệt may lớn nhỏ đang hoạt động phân tán ở các địa phương, làng nghề trên địa bàn tỉnh nên công tác tuyên truyền, phổ biến đồng loạt về Thông tư 21 rất khó khăn. Rất nhiều cơ sở dệt may trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ từ 10-20 lao động; hoạt động theo phương thức nhập các loại vải không rõ nguồn gốc xuất xứ về gia công sản phẩm cắt may để bán (hàng chợ) mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào của cơ quan chức năng. Vì vậy, việc yêu cầu các cơ sở dạng này thực hiện việc công bố hợp quy theo quy định là rất khó khăn. Một số đơn vị, doanh nghiệp có quy mô lớn chưa thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư 21 cũng có nhiều hạn chế do ý thức của chủ doanh nghiệp không muốn thực hiện để giảm chi phí và các sản phẩm của doanh nghiệp chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn theo Thông tư 21.

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các doanh nghiệp vi phạm quy định về việc công bố hợp quy sẽ phải chịu mức phạt được quy định chi tiết tại Điều 19, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1-11-2017 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2017). Theo đó mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng sẽ bị phạt tiền các mức theo giá trị hàng hóa vi phạm; thấp nhất từ 1 triệu đồng đến mức cao nhất 300 triệu đồng. Phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không lập và lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy theo quy định; không duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ theo quy định. Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền; không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường; không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp với công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; không thực hiện việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy; sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa; không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực; không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 2-3 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy từ 1 đến 3 tháng đối các hành vi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; bị buộc thu hồi, tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường...

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy định công bố hợp quy đối với các sản phẩm dệt may theo Thông tư 21, thời gian tới Sở Công thương sẽ triển khai thực hiện đồng bộ một số biện pháp: tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định pháp luật về công bố hợp quy đối với sản phẩm dệt may; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp dệt may thực hiện công bố hợp quy sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố và lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com