Quyết liệt các biện pháp xử lý vi phạm xả nước thải gây ô nhiễm môi trường

08:10, 03/10/2017

Thời gian qua, hàng loạt các giải pháp nhằm kiểm soát, quản lý nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít các tổ chức doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường bị người dân tố giác hoặc bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Nhân viên Trạm xử lý nước thải CCN An Xá kiểm tra chất lượng nước đã qua xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường.
Nhân viên Trạm xử lý nước thải CCN An Xá kiểm tra chất lượng nước đã qua xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường.

Tại xã Mỹ Xá (TP Nam Định) và xã Đại An (Vụ Bản) là các địa phương nằm liền kề CCN An Xá (TP Nam Định) đã rất nhiều lần người dân bức xúc kiến nghị phát hiện xả nước thải có màu đen, nặng mùi nghi còn tồn dư hóa chất, chưa được xử lý từ CCN xả ra cống thoát chung của thành phố. Theo đồng chí Đặng Đình Kiên, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN Thành phố Nam Định cho biết: Phản ánh của người dân là có căn nguyên, dù không thường xuyên nhưng đôi khi tại CCN vẫn xảy ra tình trạng nước thải chưa đảm bảo quy chuẩn chảy ra ngoài môi trường. Các nguyên nhân dẫn đến bất cập trên gồm: Theo hiện trạng xây dựng CCN An Xá được đầu tư nhiều đường thoát nước bảo đảm đạt chuẩn nhưng sau khi xây dựng Quốc lộ 10 thì tất cả các hướng thoát nước ra phía cầu vượt S2 đã bị chặn lại, từ đó CCN chỉ còn duy nhất một hướng thoát nước xả qua 2km kênh canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã Mỹ Xá (TP Nam Định) và xã Đại An (Vụ Bản). Hệ thống cống thu gom nước thải và cống thu gom nước mưa của CCN được đầu tư làm nhiều giai đoạn, không đồng bộ, hiện đã xuống cấp; đặc biệt khả năng tiêu thoát nước mưa của CCN rất kém, chỉ cần mưa từ 3-5mm liên tục trong 30 phút là đã bị lụt. Vì vậy, trong những thời điểm mưa lụt, nước từ cống thoát nước mưa có thể dễ dàng tràn sang hồ chứa nước thải làm tràn nguồn nước thải trong CCN, dẫn đến tình trạng nước có mùi. Bên cạnh đó, do hầu hết các doanh nghiệp trong CCN ở quy mô nhỏ và vừa, ý thức của chủ doanh nghiệp còn hạn chế nên có tư tưởng cắt giảm tối đa chi phí, không chịu đầu tư hạ tầng, thiết bị, áp dụng đầy đủ các quy định về xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường; còn nhiều doanh nghiệp không xả vào nguồn nước thải tập trung của CCN để xử lý (để không mất phí) mà lợi dụng trời mưa tiến hành xả trộm, phi tang vào nguồn nước mưa; nhiều doanh nghiệp không bảo đảm quy chuẩn xử lý nước đạt cột B theo quy chuẩn Việt Nam trước khi xả vào nguồn xả chung để CCN tiến hành xử lý trước khi xả ra môi trường. Trong khi đó, việc kiểm soát hành vi doanh nghiệp xả trộm giữa hai nguồn nước và xả nguồn nước thải xử lý sơ bộ chưa đạt chuẩn vào nguồn xả chung còn rất khó khăn do nguồn kinh phí thu từ xả nước thải của CCN rất thấp 6.500 đồng/m3, chỉ bảo đảm chi trả các hoạt động tối thiểu trong quản lý, xử lý nước thải, không đủ để có thể bố trí tăng thêm nguồn nhân lực giám sát. Bản thân Ban quản lý CCN cũng không đủ thẩm quyền, không có chức năng cũng như hệ thống thiết bị, máy móc phân tích chỉ số thành phần của nguồn nước. Nếu muốn xử lý thì ngay khi phát hiện sai phạm, CCN phải mời cơ quan chức năng như Cảnh sát môi trường và đại diện doanh nghiệp cùng có mặt, lập biên bản, gửi mẫu nước xả thải nghi chưa bảo đảm đạt quy chuẩn cho phép đi giám định. Trong khi chờ kết quả giám định để có hướng xử lý thì có khi nguồn nước xả thải nghi chưa đạt chuẩn đã chảy hết. Số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cho thấy, tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh, Phòng đã xử lý 17 vụ, bao gồm 13 tổ chức, 4 cá nhân có hành vi xả nước thải không đạt quy chuẩn ra ngoài môi trường với tổng số tiền phạt là 476 triệu đồng. Trong đó, riêng Bệnh viện Phụ sản Nam Định có mức xử phạt là 132 triệu đồng. Theo đánh giá của cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường thì hầu hết các vi phạm xả nước thải không đạt chuẩn tại khối doanh nghiệp đều nằm trong nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất và cung ứng sản phẩm tại thị trường trong nước, có nguồn vốn đầu tư thấp. Bên cạnh đó, hầu hết các vi phạm xả nước thải trên địa bàn tỉnh ta xuất phát từ việc các tổ chức, cá nhân còn lấn cấn giữa việc dành vốn cho sản xuất mà chưa quan tâm đầu tư xử lý môi trường.

Được biết UBND Thành phố Nam Định đã quyết định đầu tư kinh phí bảo dưỡng toàn bộ hệ thống Trạm xử lý nước thải của CCN An Xá, nạo vét bùn các hồ chứa nước thải; lắp đặt trạm quan trắc nước tự động kiểm soát các thông số nước đầu ra kết nối thông tin về Sở TN và MT. Hiện Trung tâm phát triển CCN Thành phố Nam Định đã tiến hành đầu tư lắp đặt trạm quan trắc; dự kiến trong tháng 10-2017 sẽ hoàn tất, đưa vào sử dụng, bảo đảm giúp CCN An Xá kịp thời phát hiện và khắc phục các đợt nước thải không đạt quy chuẩn trước khi xả ra ngoài môi trường. Nhằm giảm thiểu tình trạng nước ứ đọng gây ô nhiễm môi trường nước, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh, Bộ NN và PTNT về giải pháp để thay tháo nước trong hệ thống kênh mương vùng phía bắc tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác ngăn ngừa xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi; vận động nhân dân tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT, bảo vệ công trình thủy lợi; tăng cường kiểm tra, thống kê và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi. Đặc biệt đối với các khu vực thường xuyên có tình trạng đổ rác thải, phế thải ra kênh mương (khu vực chợ, KCN, CCN, khu dân cư đông đúc...), bố trí lực lượng thường trực để theo dõi, phát hiện các đối tượng vi phạm và xử phạt theo đúng quy định. Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại, báo cáo ngay các vi phạm mới phát sinh theo quy định và đề xuất kế hoạch, biện pháp xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các điểm xả nước thải vào hệ thống kênh, mương trên địa bàn. Sở TN và MT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, định kỳ kiểm tra chất lượng nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, nguồn nước của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với Sở NN và PTNT tham mưu với UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, kiểm tra việc cấp phép, thực hiện nội dung cấp phép xả nước thải và các hoạt động phải có phép đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có liên quan đến hệ thống công trình thủy lợi, nguồn nước và các hoạt động quy định phải được cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định hiện hành./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com