Sửa đổi quy định để khuyến khích sử dụng gạch không nung

05:09, 30/09/2017

Thực hiện chủ trương về sử dụng vật liệu xây không nung trong chủ trương xây dựng tăng trưởng xanh, gạch không nung đã từng bước được đưa vào sử dụng trong các công trình. Tuy nhiên tốc độ và tỷ trọng còn chậm, thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có hạn chế từ chính sách.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung (GKN) với sản phẩm chủ yếu là gạch xi măng cốt liệu với tổng công suất thiết kế là 145 triệu viên gạch tiêu chuẩn/năm. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp đang tiến hành thủ tục đầu tư sản xuất GKN, trong đó Cty CP Đóng tàu Phú Hưng (Ý Yên) đầu tư 1 dây chuyền sản xuất bê tông nhẹ với công suất thiết kế là 32 triệu viên/năm tại xã Yên Bằng; Cty TNHH Sông Giang (Hải Hậu) đầu tư 4 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu với tổng công suất thiết kế là 70 triệu viên/năm tại xã Hải Giang; Cty CP Xây lắp Hải Hậu, Cty CP Công nghiệp thương mại Giao Thủy, mỗi Cty đầu tư 1 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp với tổng công suất 120 nghìn m3/năm. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng GKN, yêu cầu đưa GKN vào thiết kế công trình theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28-11-2012 của Bộ Xây dựng. Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Thông tư 09, GKN đã dần được sử dụng trong hầu hết các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ tính đến cuối năm 2016, đã có 242 công trình sử dụng GKN là vật liệu xây dựng chính. Tiêu biểu như một số công trình trụ sở Thanh tra tỉnh Nam Định, Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Cồn (Hải Hậu), Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện Hải Hậu; Trụ sở làm việc các xã: Nam Thắng, Hồng Quang, Điền Xá, Trường Tiểu học Nam Đào - Thị trấn Nam Giang (Nam Trực),… Thực hiện theo đúng tinh thần Thông tư 09, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường rà soát, kiểm tra các dự án, công trình thuộc vốn ngân sách Nhà nước, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn sử dụng GKN trong các bản vẽ thiết kế, bản vẽ thi công công trình, thẩm định dự toán công trình. Yêu cầu các địa phương thực hiện theo đúng lộ trình tại các khu vực đô thị loại 3 trở lên từ sau năm 2015 phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Dự án toà nhà Viettel Nam Định tại Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) sử dụng vật liệu xây dựng là gạch xi măng cốt liệu.
Dự án toà nhà Viettel Nam Định tại Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) sử dụng vật liệu xây dựng là gạch xi măng cốt liệu.

Trên thực tế, ngoài các loại gạch xi măng cốt liệu theo tiêu chuẩn thì các loại gạch xây không nung có kích cỡ khác vẫn khó thâm nhập và ít được người tiêu dùng tin tưởng bởi khó khăn về kỹ thuật thi công, định mức xây dựng. Theo cơ quan chuyên môn, hiện tại hệ thống tiêu chuẩn, định mức đối với GKN chưa hoàn thiện. Đối với gạch xi măng cốt liệu, trước kia định mức tính theo khối xây bình thường (chỉ áp dụng đối với gạch theo kích thước tiêu chuẩn), còn đối với các loại gạch xây kích thước khác, thể tích gấp 5-8 lần hiện Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành định mức riêng. Các hướng dẫn thi công và nghiệm thu, tiêu chuẩn thiết kế đối với các loại gạch xi măng cốt liệu chưa được hoàn thiện. Đặc biệt, do chưa có hướng dẫn trong việc thi công lắp đặt hạ tầng kỹ thuật điện, nước đối với gạch xi măng cốt liệu nên người dân và thợ xây dựng còn “ngại” sử dụng các loại gạch trên. Hơn thế, hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, thiết kế và thi công đối với gạch bê tông nhẹ vẫn chưa được hoàn thiện. Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Mạnh Trường, Giám đốc Cty TNHH Hòa Phát tại CCN An Xá (TP Nam Định) cho biết, hiện tại, GKN đã từng bước được chủ đầu tư các công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước tích cực sử dụng nên sản lượng GKN của Cty tiêu thụ khá. Hiện tại, mỗi tháng Cty có thể sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với công suất hơn 5 triệu viên gạch bê tông xây theo TCVN 6477:2011, gạch terrazzo 2.000 m2/tháng và gạch đá nhân tạo 10 nghìn m2/tháng. Riêng gạch bê tông xây, ngoài hai dòng sản phẩm truyền thống là gạch đặc và gạch hai lỗ, Cty đã nghiên cứu phát triển 4 dòng sản phẩm gạch rỗng mới với thể tích lớn hơn từ 5 đến 8 lần so với gạch tiêu chuẩn truyền thống. Mỗi m2 tường sẽ sử dụng ít gạch hơn từ 30-40% so với xây dựng bằng gạch tiêu chuẩn (210x100x60mm) truyền thống. Hiện nay, gạch bê tông xây cao cấp của Cty đã được các chủ đầu tư tin tưởng sử dụng trong một số dự án lớn tại Thành phố Nam Định như dự án Khu đô thị Dệt may, kè hồ Hàng Nan, xây dựng xưởng tại Cty Giấy vở Hưng Thịnh, Cty CP Cửa Hòa Phát... Tuy nhiên, số lượng GKN với kích cỡ lớn chưa được nhiều chủ đầu tư và người dân tin tưởng đưa vào xây dựng chính trong các công trình. Hiện số lượng GKN của Cty tiêu thụ tại các công trình dân dụng chỉ chiếm khoảng 10%. Cơ chế hỗ trợ các chủ đầu tư, cơ sở sản xuất GKN vẫn chưa được ban hành cụ thể khiến cho vật liệu xây không nung vẫn chưa thể đứng vững trên thị trường, chủ đầu tư còn dè dặt trong chuyển từ gạch tuy-nen sang vật liệu mới này. Quy định thống kê báo cáo chưa cụ thể nên các cơ quan chức năng khó thống kê đầy đủ về tình hình sử dụng GKN đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

Như vậy để từng bước tháo gỡ khó khăn, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2012, trong đó trọng tâm là quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng theo từng vùng miền, đồng thời xem xét mở rộng quy định việc sử dụng vật liệu này đối với tất cả các công trình xây dựng, bao gồm cả công trình vốn Nhà nước cũng như công trình vốn ngoài ngân sách. Đồng thời, quy định chặt chẽ chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra cho cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương nhằm tăng cường tính khả thi trong công tác quản lý góp phần đưa vật liệu xây không nung tiếp cận tốt hơn với các công trình và người tiêu dùng. Thêm vào đó, từng bước xây dựng cơ chế hỗ trợ chung và riêng phù hợp với từng địa phương đối với vật liệu xây không nung để thúc đẩy phát triển hơn nữa loại vật liệu này. Tăng cường cử cán bộ, chuyên viên tham gia các hội nghị tập huấn, đào tạo về thiết kế và xây dựng các công trình sử dụng GKN, phổ biến kỹ thuật và công nghệ liên quan tạo thuận lợi cho việc đưa loại vật liệu này vào xây dựng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com