Hải Lý chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

07:09, 28/09/2017

Xã Hải Lý (Hải Hậu) nằm trong vùng biển tiến, bãi thoái, hằng năm chịu sự tác động trực tiếp của nhiều cơn bão lớn, triều cường, ngập lụt gây xâm nhập mặn trên diện rộng và ô nhiễm môi trường do rác thải dồn về. Ngoài ra, xã còn chịu sự tác động của khí hậu gió mùa, rét hại, sương muối, nắng nóng kéo dài… Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, khó dự đoán. Biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống vật chất, tinh thần cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân trong xã.

Người dân xã Hải Lý đầu tư kiên cố cơ sở hạ tầng sản xuất ứng phó với thiên tai.
Người dân xã Hải Lý đầu tư kiên cố cơ sở hạ tầng sản xuất ứng phó với thiên tai.

Hiện các công trình dân sinh, nhất là nhà ở của người dân xã Hải Lý bị xuống cấp không an toàn, đặc biệt là vùng nguy cơ cao thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của các loại hình thiên tai. Ngành nghề sinh kế chính của người dân địa phương chủ yếu là trồng lúa, làm muối, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cũng chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và BĐKH. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh như hệ thống đường dây tải điện, giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống cảnh báo sớm của địa phương thiếu, xuống cấp nghiêm trọng đã hạn chế công tác tuyên truyền, thông tin về dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ cho người dân. Trong khi đó nhận thức và kỹ năng ứng phó của người dân đối với rủi ro thiên tai, nhất là những hiện tượng thời tiết cực đoan còn hạn chế… Đồng chí Vũ Viết Văn, Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết: Trước tình hình trên, Đảng ủy, UBND xã xác định phòng chống thiên tai (PCTT) là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành. Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đã xây dựng phương án lồng ghép các nội dung hoạt động của tổ chức mình để vận động đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện công tác PCTT. Các trường học đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh về PCTT, đặc biệt là các rủi ro thiên tai có thể xảy ra trong bão, lụt, rét hại như: chết người, bị thương, ô nhiễm môi trường… Để bảo đảm sinh kế cho người dân ứng phó với BĐKH, xã đã xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực sản xuất. Một số hộ đã chủ động học tập, nghiên cứu lựa chọn giống cây, con có sức chống chịu cao phù hợp với sự thay đổi của thời tiết và đặc điểm thổ nhưỡng chua mặn ven biển hoặc chuyển đổi diện tích, ngành nghề sản xuất kém hiệu quả sang ngành nghề có hiệu quả cao hơn… Nhiều hộ đã chủ động đầu tư nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng như đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở sản xuất chăn nuôi hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, thích ứng với BĐKH, đưa lại thu nhập cao. Trong lĩnh vực kinh tế biển, xã có 52 tàu có công suất từ 110-420CV đánh bắt xa bờ nâng cao hiệu quả khai thác; nhiều gia đình đã đầu tư cải tạo, nâng cấp bờ ao đầm, cơ sở chế biến hải sản phù hợp, đáp ứng yêu cầu ứng phó trước diễn biến phức tạp của thiên tai và BĐKH. Hằng năm, xã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng và hiệu quả” nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra; công tác chỉ huy sát thực tế, đã dự phòng được nguồn nhân lực, vật lực để ứng phó khi thiên tai xảy ra như: biên chế 100 lao động gồm những thanh niên khỏe và lực lượng xung kích thường trực tại nhà trực chiến tại điểm đầu tỉnh lộ 488C và nhà văn hóa xóm 3; 250 lao động khỏe thường trực tại trường mầm non khu B Xương Điền sẵn sàng huy động khi có bão. Xã hợp đồng với 7 chủ xe ô tô vận tải để chở vật tư, đất, đá hộ đê và 6 xe ô tô khách để chở nhân dân đi sơ tán; 5 tàu thuyền công suất lớn và 5 mủng tham gia vào TKCN. Chuẩn bị 5.000 cọc tre, 500 bó độn, 3.700 bao tải, 460m3 đất được tập kết tại nơi quy định; đồng thời dự trữ 2 tấn gạo, 3.000 gói mỳ tôm, 100 lít nước mắm và 150kg cá khô bảo đảm hậu cần sẵn sàng cho công tác ứng phó với thiên tai. Hằng năm, xã đều kiểm tra, rà soát, bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho công tác PCTT như: áo phao, máy phát điện, loa cầm tay, dụng cụ sơ cấp cứu… bằng nguồn lực sẵn có của địa phương và trong nhân dân. Trong công tác PCTT, xã thường xuyên kiểm tra, kịp thời tu bổ, áp trúc những đoạn mái đê phía trong đồng bị xói lở, báo cáo phản ánh tình hình về các cấp.

Là xã ven biển, có hơn 3km đê biển, vị trí địa hình thấp thường gây ngập lụt, trong khi đó địa phương chưa có nơi tránh trú bão tập trung nên trong kế hoạch PCTT hằng năm xã đều chú trọng xây dựng phương án và địa điểm sơ tán, bảo vệ người, tài sản khi có bão đổ bộ. Theo đó gần 2.400 nhân khẩu sống trong vùng nguy cơ cao được sơ tán vào vị trí tránh trú của địa phương như: trường học, trụ sở UBND, nhà thờ, nhà văn hóa xóm… Đặc biệt là khi có bão lớn và có nguy cơ vỡ đê sẽ tổ chức sơ tán nhân dân tới Thị trấn Cồn. Đồng thời giao cho Công an xã bố trí lực lượng công an viên cắm chốt, hướng dẫn người dân tại các vị trí xung yếu, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, xã cũng xây dựng phương án ứng phó cụ thể với một số dạng thiên tai cực đoan. Đối với bão, lụt có nguy cơ vỡ đê thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà cửa, công sở, trạm y tế, trường học, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng trên địa bàn xã; chủ động các phương án bảo vệ sản xuất; kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình PCTT, công trình trọng yếu kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên đê và tuyến đường bị ngập, khu vực nguy hiểm khác. Đối với rét hại, sương muối, nắng nóng, triển khai các biện pháp chống cho người và gia súc, gia cầm; bảo vệ cây trồng phù hợp, hướng dẫn nhân dân che chắn cho cây rau màu, chuồng trại chăn nuôi, giữ nước ở khu vực nuôi trồng thủy sản.

Với việc chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, xã Hải Lý đang thực hiện hiệu quả công tác PCTT và thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân ổn định và phát triển kinh tế, góp phần xây dựng NTM bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com