Tiếp tục thực hiện các biện pháp đưa lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn

05:01, 19/01/2013

Theo cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, từ năm 2004 đến nay, có khoảng 70 nghìn lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại nước này. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đến nay nhiều lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước đúng thời hạn. Tỉnh ta có khoảng 1.000 lao động làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 458 lao động đã hết hạn hợp đồng đang cư trú bất hợp pháp ở nước bạn. Cụ thể, huyện Xuân Trường 82 người, Thành phố Nam Định 64 người, huyện Hải Hậu 62 người, huyện Nam Trực 52 người, huyện Giao Thủy 48 người, huyện Vụ Bản 36 người, huyện Nghĩa Hưng 36 người, huyện Ý Yên 30 người, huyện Trực Ninh 28 người, huyện Mỹ Lộc 20 người. Dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2013, tỉnh ta có thêm 309 lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động hết hạn hợp đồng nhưng không muốn về nước do: mức thu nhập của lao động đi theo chương trình xuất khẩu đạt 900-1.200 USD/tháng, trong khi thu nhập của lao động tự do tại nước này đạt hơn 2.000 USD/tháng, nên nhiều lao động phá hợp đồng với chủ sử dụng lao động để ra ngoài làm việc; một số lao động khi hết hạn hợp đồng không về nước, tiếp tục tìm việc làm khác. Anh Phạm Văn Mạnh, quê Ý Yên là lao động xuất khẩu Hàn Quốc về nước cuối năm 2011 cho biết: Nhiều lao động khi về nước, không tìm được việc làm ổn định, nhất là những việc có thể phát huy kiến thức, kỹ năng mà họ đã tích luỹ trong quá trình làm việc ở nước ngoài nên nhiều người không muốn về nước.

Trưởng thôn Liên Xương, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) tuyên truyền cho gia đình ông Đỗ Thiện Khoái (bên phải) vận động con trai đã hết hạn hợp đồng xuất khẩu tại Hàn Quốc về nước.
Trưởng thôn Liên Xương, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) tuyên truyền cho gia đình ông Đỗ Thiện Khoái (bên phải) vận động con trai đã hết hạn hợp đồng xuất khẩu tại Hàn Quốc về nước.

Tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia mà còn tác động xấu đến sự hợp tác lao động giữa 2 nước. Hiện tại, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã thông báo tạm dừng việc ký gia hạn Bản thỏa thuận về việc đưa người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc. Việc tạm dừng ký gia hạn dẫn tới việc hằng năm sẽ có hàng chục nghìn lao động Việt Nam mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc, nhất là những đối tượng đã đạt yêu cầu sẽ không được giới thiệu để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Tỉnh ta có 472 lao động đủ điều kiện xuất khẩu lao động có nguy cơ không được đi xuất khẩu. Trước tình trạng trên, cuối tháng 10-2012, Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ban, ngành, các huyện, thành phố và đề nghị Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gia đình có người thân đang cư trú bất hợp pháp và người lao động sắp hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp để đưa lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Huyện Xuân Trường có 82 lao động hiện đang cư trú bất hợp pháp và 55 lao động sắp hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2013, đông nhất trong tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng LĐ-TB và XH huyện đã cung cấp danh sách các lao động hiện cư trú bất hợp pháp và các lao động sắp hết hạn hợp đồng của 18 xã, thị trấn để chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động các gia đình. Tại các xã: Xuân Bắc, Xuân Phú, Xuân Tiến, Xuân Trung… có đông người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, chính quyền xã đã tuyên tuyền trên hệ thống loa truyền thanh, đồng thời yêu cầu các gia đình vận động người thân đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Huyện Vụ Bản có 36 lao động hết hạn hợp đồng trong năm 2012 và 34 lao động hết hạn trong 6 tháng đầu năm 2013 đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các gia đình và dừng tiếp nhận hồ sơ lao động sang Hàn với các địa phương có đông người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. UBND huyện tăng cường kiểm tra việc thực hiện của các xã, thị trấn, nhất là các xã có đông lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc như Kim Thái, Hợp Hưng. Đến giữa tháng 1-2013, các xã, thị trấn phải báo cáo với phòng LĐ-TB và XH kết quả việc rà soát các đối tượng hiện cư trú bất hợp pháp, số người đã về nước để UBND huyện tiếp tục có hướng giải quyết.

Sau 1 tháng triển khai các biện pháp, toàn tỉnh hiện có gần 10 lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc về nước đúng thời hạn hợp đồng. Nhiều lao động về nước đúng thời hạn được tạo nhiều quyền lợi: được kiểm tra tiếng Hàn, có thể trở lại Hàn Quốc trong vòng 6 tháng kể từ ngày về nước; những lao động có thời gian làm việc từ 4 năm 10 tháng trở lên (không chuyển đổi nơi làm việc) sau khi hết hạn hợp đồng được phép tái nhập cảnh Hàn Quốc trong 3 tháng mà không cần kiểm tra tiếng Hàn; được nhận khoản tiền bảo hiểm, được hỗ trợ tiền nếu gặp rủi ro phải về nước trước thời hạn; hằng năm có thể nghỉ phép về thăm nhà; khi hết hạn hợp đồng, về nước được tư vấn và giới thiệu trong các Cty của Hàn Quốc tại Việt Nam… Tuy nhiên, nếu người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ không được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ; nếu họ bị bắt sẽ bị xử phạt và trục xuất về nước; không có cơ hội quay lại Hàn Quốc, không được hưởng các chế độ bảo hiểm... Đây chính là cơ sở để các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tiếp tục vận động các gia đình có con em hết hạn hợp đồng lao động, đang cư trú bất hợp pháp và lao động sắp hết hợp đồng về nước đúng thời hạn, bảo đảm hiệu quả, mục tiêu công tác xuất khẩu lao động Hàn Quốc nói riêng, xuất khẩu lao động nói chung đối với nhiệm vụ công tác giải quyết việc làm của tỉnh./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com