Toàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dồn điền đổi thửa

05:01, 19/01/2013

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trong sản xuất nông nghiệp, năm 2011, tỉnh ta chọn 87 xã làm điểm thực hiện DĐĐT; riêng huyện Hải Hậu có 100% số xã, thị trấn triển khai thực hiện DĐĐT. Ngay trong năm 2011, các xã triển khai thực hiện DĐĐT đã cơ bản hoàn thành.

Từ kết quả đạt được, UBND tỉnh đã tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm công tác DĐĐT để nhân rộng những kinh nghiệm, chỉ ra những khuyết điểm, thiếu sót trong việc DĐĐT, đồng thời đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2012 có 70% số thôn, đội và xã, thị trấn hoàn thành DĐĐT; năm 2013 tất cả các huyện, xã, thị trấn trong tỉnh giao ruộng đất tại thực địa cho các hộ. Do những đặc thù riêng của địa phương, các xã, phường của Thành phố Nam Định và 4 xã, thị trấn, gồm: Thị trấn Rạng Đông, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), xã Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) không DĐĐT. Ngoài Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) chưa DĐĐT, đến nay 199/200 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai DĐĐT. Do tính chất phức tạp nên việc triển khai thực hiện DĐĐT ở các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Đồng Ngọc Cường, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: "Có xóm phải tổ chức đến 15 cuộc họp với nhân dân, thậm chí có cuộc họp kéo dài đến 11-12 giờ đêm. Có địa phương, BCĐ DĐĐT, cán bộ chủ chốt huyện phải nhiều lần xuống để nghe, góp ý kiến và cùng với xã tuyên truyền, vận động nhân dân. Các đồng chí bí thư Đảng uỷ và chủ tịch UBND các xã phải vào cuộc và lăn lộn với công việc DĐĐT…". Còn ở xã Giao Nhân (Giao Thủy) do gặp nhiều khó khăn trong công tác DĐĐT, Huyện ủy Giao Thủy đã tập trung chỉ đạo và cử cán bộ lãnh đạo cùng với BCĐ DĐĐT của xã tuyên truyền, vận động, thuyết phục và chỉ đạo các quy trình thực hiện. Đến ngày 3-1-2013 xã Giao Nhân đã tiến hành giao ruộng ngoài thực địa cho các hộ dân.

Giao ruộng tại thực địa cho nông dân ở xã Giao Hà (Giao Thuỷ).
Giao ruộng tại thực địa cho nông dân ở xã Giao Hà (Giao Thuỷ).

Với việc triển khai đồng bộ, tích cực; lấy tuyên truyền giáo dục, thuyết phục… làm chính và nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nên tiến độ DĐĐT được đẩy mạnh. Đến ngày 11-1-2013 toàn tỉnh đã có 186 xã, thị trấn, bằng 93,47% với 2.344 thôn đội, bằng 78,19% đã giao đất ngoài thực địa cho các hộ dân canh tác. Như vậy hiện tại 186 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã giao xong đất thực địa cho các hộ, vượt 23,47%, so với kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Điều mừng là cả 4 mục tiêu đặt ra trong nhiệm vụ DĐĐT các địa phương đều đạt cao. Đó là các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng chuyên canh đều được hoạch định cụ thể; toàn bộ quỹ đất công được dồn về theo vùng quy hoạch phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển ngành nghề theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình DĐĐT, nông dân đã góp được gần 3.000ha đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; đồng thời tự nguyện đóng góp 150-200 nghìn đồng/sào để đầu tư thi công đường ra đồng củng cố kênh mương. Đến nay ở các địa phương đã thực hiện việc DĐĐT, trung bình mỗi hộ chỉ canh tác 1,5 thửa, nhiều xã có 75-80% số hộ canh tác trên 1 thửa ruộng. Từ việc DĐĐT trong năm 2012, đã thúc đẩy công tác làm thủy lợi nội đồng đạt cao nhất từ trước tới nay. Đến ngày 8-1-2013, toàn tỉnh đã đào đắp được 7.694.060m3, đạt 144,34% kế hoạch; trong đó các huyện, thành phố đào đắp được 6.013.797m3, đạt 150,91% kế hoạch; xây 27.530m3 gạch, đá, đổ 11.306m3 bê tông… Tổng kinh phí đạt 254 tỷ 227 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 115 tỷ 238 triệu đồng. Làm thủy lợi nội đồng kết hợp với làm giao thông nông thôn, giao thông đồng ruộng, đến nay toàn tỉnh đã đắp được 12 tuyến đường có mặt rộng từ 7m trở lên, với độ dài 14.967m; 148 tuyến đường có mặt rộng từ 5 đến dưới 7m, tổng chiều dài 112.336m; 3.871 tuyến đường có mặt rộng từ 3 đến dưới 5m, tổng chiều dài 1.593.629m… Qua DĐĐT, toàn tỉnh đã xây dựng 45 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 2.282ha trong 2 vụ xuân, mùa năm 2012 và hàng chục cánh đồng mẫu lớn gieo trồng cây vụ đông. Tại các cánh đồng mẫu lớn gieo cấy lúa giá trị thu nhập bình quân tăng 3-4 triệu đồng/ha/vụ so với cấy lúa truyền thống. Dự kiến năm 2013 toàn tỉnh sẽ có trên 200 cánh đồng mẫu lớn mỗi vụ, gấp gần chục lần so với năm 2012, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

DĐĐT là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM của tỉnh. Năm 2012 là năm đột phá trong DĐĐT với tất cả các chỉ tiêu được vượt cao so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn trong công tác DĐĐT ở một vài địa phương cần được tập trung tháo gỡ để hoàn thành dứt điểm công tác DĐĐT trong năm 2013 như mục tiêu đã đề ra./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com