Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý các điểm tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật

07:01, 17/01/2013

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục và cải thiện môi trường, tỉnh ta được bố trí kinh phí thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn (Giao Thủy) với mức hỗ trợ 13,44 tỷ đồng và địa bàn thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) với mức hỗ trợ trên 11 tỷ đồng. Đây là những điểm tồn lưu hoá chất có mức độ ô nhiễm môi trường cao. Tại xã Hoành Sơn, diện tích vùng ô nhiễm trên 600m2, khối lượng đất ô nhiễm nặng là 1.600m3 và đất ô nhiễm nhẹ là 2.000m3. Điểm tồn lưu tại thôn Vạn Diệp, hàm lượng Lindan trong đất vượt từ 16,4-45,3 lần, hàm lượng DDT vượt từ 440,4-536,3 lần so với quy chuẩn Việt Nam. Với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nếu không khẩn trương xử lý, các điểm này sẽ ngày càng phát tán sâu rộng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân sinh sống trên địa bàn. Triển khai thực hiện dự án, các cấp, các ngành chức năng đã thống nhất xử lý theo phương án: đối với đất ô nhiễm nặng, xử lý cô lập bằng bêtông (dày 40cm) kết hợp xử lý hóa chất, đổ lớp bê tông mặt, phủ đất lên trên để trồng cỏ. Đối với đất ô nhiễm nhẹ, tiến hành xử lý hóa học kết hợp biện pháp chống thấm tại vùng tồn lưu hóa chất BVTV, sau đó lấy mẫu kiểm tra, đánh giá hiệu quả xử lý và hoàn trả mặt bằng.

Kiểm tra chất lượng thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường tại trạm xử lý nước thải CCN An Xá (TP Nam Định).
Kiểm tra chất lượng thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường tại trạm xử lý nước thải CCN An Xá (TP Nam Định).

Tuy nhiên, ngày 8-11-2012 khi đơn vị thi công khởi công dự án trên địa bàn xã Nam Phong (TP Nam Định) một số người dân địa phương đã có hành vi ngăn cản với lý do việc chọn khu nghĩa trang của thôn Ngô Xá, xã Nam Phong để xây dựng bể xử lý đất ô nhiễm nặng là không hợp lý. Bên cạnh đó, do chưa được UBND xã cung cấp thông tin về việc triển khai dự án trên khu đất địa phương nên nhiều người cho rằng nếu xây dựng bể xử lý đất ô nhiễm nặng tại đây sẽ gây nguy cơ ô nhiễm trên địa bàn. Trước tình trạng người dân cản trở thi công và viết đơn kiến nghị không cho triển khai dự án trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Nam Phong đã ký cam kết dừng thi công dự án. Trong triển khai dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn xã Nam Phong đã cho thấy nhiều điểm hạn chế, thiếu sót của chính quyền địa phương và của ngành chủ quản. UBND xã Nam Phong chưa làm tròn trách nhiệm thành viên dự án trong việc thông báo và triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về việc triển khai dự án. Mặt khác, việc Chủ tịch UBND xã đã tự ý ký cam kết dừng thi công dự án là trái với thẩm quyền do không phải là chủ đầu tư dự án. Sở TN và MT chưa thực hiện tốt vai trò quản lý dự án, hướng dẫn thành viên dự án. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ giá trị lâu dài của dự án cùng với khả năng bảo đảm an toàn, khắc phục triệt để ô nhiễm khi triển khai dự án chưa được ngành chức năng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án BVMT, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác BVMT, đồng thời hướng dẫn cụ thể trong các dự án, chương trình BVMT để nhân dân hiểu rõ vai trò, lợi ích và khả năng BVMT sau khi thực hiện dự án, từ đó tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Bản thân mỗi người dân cần hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ cùng chung sức thực hiện các hoạt động BVMT. Cùng với việc khắc phục các điểm ô nhiễm hoá chất BVTV nghiêm trọng, công tác phòng ngừa, ngăn chặn các điểm ô nhiễm mới cũng cần được các cấp, các ngành chức năng tập trung thực hiện./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com