Bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh

09:01, 15/01/2013

Bảo trì công trình xây dựng là công tác thiết yếu góp phần giảm chi phí đầu tư, đồng thời kéo dài tuổi thọ công trình, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn trong quá trình khai thác và sử dụng. Theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện tại công tác bảo trì hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức.

Trung tâm Điện ảnh sinh viên (TP Nam Định) sửa chữa bảo trì công trình, đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Trung tâm Điện ảnh sinh viên (TP Nam Định) sửa chữa bảo trì công trình, đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Đồng chí Nguyễn Tất Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định cho biết: “Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh, sở đã 2 lần gửi công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, các ngành, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh yêu cầu rà soát báo cáo thực trạng các công trình cấp II trở lên để Sở Xây dựng tổng hợp, lập kế hoạch bảo trì công trình. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị mới nộp báo cáo 35 công trình cấp II, gồm: 5 công trình công nghiệp, 2 công trình thủy lợi, 28 công trình dân dụng. Hiện còn 27 ban, ngành, 6 trường, 4 Cty chưa nộp báo cáo, như: Trường Đại học dân lập Lương Thế Vinh, Cty Thương mại và Du lịch Nam Cường, Cty KTCTTL Xuân Thuỷ, Cty KTCTTL Nghĩa Hưng…”. Theo Nghị định 114/2010/NĐ-CP về bảo trì công trình xây dựng, trách nhiệm lập quy trình bảo trì thuộc về các đơn vị tư vấn thiết kế. Trên thực tế, trong hồ sơ dự thầu các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế thường không quan tâm đúng mức đến vấn đề này, hầu hết các công trình xây dựng mới hiện nay đều không có quy trình bảo trì bởi Bộ Xây dựng trước đó chưa có thông tư hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn lập quy trình bảo trì. Mới đây nhất, Bộ Xây dựng mới có Thông tư số 11/2012/TT-BXD ngày 25-12-2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng từ cấp II trở lên. Thông thường, chi phí bảo dưỡng, bảo trì công trình được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, do nguồn vốn từ ngân sách địa phương hạn hẹp nên các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình thường không quan tâm đúng mức về công tác bảo trì công trình xây dựng. Ngoài ra, công tác kiểm tra định kỳ, đánh giá chất lượng công trình thường xuyên cũng bị các chủ sở hữu “quên” do thiếu nguồn vốn. Trên thực tế, công tác bảo trì các công trình chỉ thực sự được quan tâm khi công trình có dấu hiệu bị xuống cấp hoặc có hư hỏng. Một bất cập nữa là các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân loại, phân cấp công trình giữa các lĩnh vực như giao thông, hệ thống đê điều chưa rõ ràng, gây khó khăn cho công tác tổng hợp thống kê. Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng có 170 công trình cấp II trên địa bàn tỉnh nhưng mới có 35 báo cáo về công trình cấp II. Rõ ràng vẫn chưa có sự thống nhất về quy chuẩn, tiêu chuẩn giữa các ban, ngành về hệ thống phân cấp, phân loại các công trình. Bộ Xây dựng vừa có Thông tư số 12/2012/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa cập nhật hệ thống văn bản trên. Ngoài ra, Bộ Xây dựng vẫn chưa có văn bản, thông tư hướng dẫn cụ thể về nội dung quy trình bảo trì gồm: cách thức bảo trì, cách lập báo cáo danh sách, tập trung bảo trì các hạng mục công trình. Để bảo trì công trình xây dựng phải có hồ sơ thiết kế, bản vẽ kết cấu công trình và phải kiểm tra chất lượng công trình nhưng đối với các công trình đã sử dụng lâu năm như nhà chung cư hay cơ quan hành chính nhà nước, các công trình công cộng, hồ sơ thiết kế bản vẽ ban đầu thường bị “thất lạc” nên các chủ sở hữu khó xác định tuổi thọ của công trình để đề xuất quy trình bảo dưỡng, bảo trì đối với các công trình đã hết tuổi thọ thiết kế, hay xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng, không đảm bảo an toàn khai thác sử dụng.

Thời gian tới, để công tác bảo trì công trình xây dựng thực hiện có hiệu quả hơn, đồng bộ thống nhất giữa các ban, ngành, đảm bảo chất lượng công trình trong quá trình khai thác và sử dụng, Bộ Xây dựng cần tiếp tục hướng dẫn, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn, nội dung quy trình bảo trì công trình. Đồng thời, có chế tài xử phạt đối với các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế và chủ sở hữu công trình thiếu trách nhiệm đối với công tác bảo dưỡng bảo trì công trình định kỳ. Sở Xây dựng, các địa phương tập trung rà soát, tăng cường lồng ghép các nội dung quy trình bảo trì công trình trong các buổi tập huấn cho các đối tượng tư vấn thiết kế, các doanh nghiệp tư vấn thiết kế trên địa bàn. Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tổ chức tập huấn cho hơn 150 lượt người về Nghị định 114/2010/NĐ-CP về bảo trì công trình xây dựng, Nghị định 72/2012/NĐ-CP về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, Nghị định 64 về cấp phép xây dựng, tổ chức hướng dẫn cho hơn 50 doanh nghiệp, cá nhân sử dụng phần mềm KCW chuyên tính toán kết cấu công trình. Với việc triển khai đồng bộ tích cực các biện pháp, tin tưởng trong thời gian tới công tác bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh sẽ được tăng cường, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com