Không lợi dụng tình hình dịch để tăng giá, trục lợi

05:03, 13/03/2020

Những ngày qua, khi số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn cả nước có chiều hướng tăng lên, nhất là trong ngày 7-3, khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm đầu tiên là một phụ nữ 26 tuổi vừa trở về từ một số nước châu Âu, nhiều người dân đã tỏ ra lo ngại, đổ xô đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm để tích trữ khiến nhiều cửa hàng, siêu thị trở nên quá tải. Giá các loại thực phẩm như gạo, thịt, dầu ăn, mỳ tôm, giấy vệ sinh…đã tăng giá chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn. Mặc dù ngay sau đó, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có những động thái tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường lượng hàng hóa bán ra thị trường nhằm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhu yếu phẩm và trên thực tế không phải do không đủ hàng cung cấp ra thị trường song do tâm lý một bộ phận người dân lo lắng thái quá cộng với tâm lý đám đông đã đổ xô đi mua hàng vào cùng một thời điểm khiến thị trường tạo ra cơn sốt ảo. Bên cạnh đó một số tiểu thương đã lợi dụng tình hình đẩy giá lên cao, hầu hết các mặt hàng đều bị đẩy giá lên 20 đến 30% mà vẫn đắt như tôm tươi (!)

Lời khuyên từ các chuyên gia, người dân cần bình tĩnh trong mọi tình huống, không nên tập trung đi mua hàng vào cùng một thời điểm sẽ dễ tạo ra sự khan hiếm hàng hóa cục bộ, giá bị đẩy giá lên cao. Hơn nữa trong giai đoạn hiện nay, việc tập trung đông người tại các cửa hàng cũng là một nguyên nhân khiến cho dịch bệnh lây lan. Trước tình trạng đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng đã có công văn gửi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

và Cục Nghiệp vụ QLTT yêu cầu tăng cường việc phòng, chống dịch bệnh do virus Corona (nCoV) và tăng cường công tác QLTT, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch do nCoV để trục lợi. Chính phủ và các bộ, ngành đã cam kết không có tình trạng thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, thậm chí có thể điều chuyển hàng hóa giữa các địa phương nhằm cân đối cung cầu. Vì vậy người dân không nên vì quá lo lắng mà tích trữ hàng hóa thực phẩm không cần thiết vừa gây lãng phí, vừa dễ bị các tiểu thương lợi dụng bán hàng kém chất lượng hay đắt hơn so với bình thường. Không nên chạy theo tâm lý đám đông, những tin đồn, thông tin không chính xác về dịch bệnh.

Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng lợi dụng dịch bệnh nâng giá lên gấp nhiều lần nhằm trục lợi cũng là một thứ virus gây nguy hại cho môi trường kinh doanh cần phải xử lý nghiêm. Hành vi như trên không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức kinh doanh, nếu không xử lý nghiêm, kịp thời có thể sẽ lây lan từ đối tượng này sang đối tượng khác. Hơn ai hết mỗi người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, trở thành những người tiêu dùng thông thái, không trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ “đục nước béo cò”./.

Phương Mai


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com