Khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

05:02, 28/02/2020

Những năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có nhiều đóng góp đáng kể vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, không chỉ tạo ra khối lượng sản phẩm và dịch vụ lớn mà đã tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, nâng cao năng lực công nghệ, năng lực quản lý cho đội ngũ lao động. Tuy nhiên, phần lớn lực lượng lao động trong nước chưa thực sự nắm bắt được cơ hội do FDI tạo ra, chưa đủ năng lực để nắm bắt công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến của thế giới. Cùng đó, lực lượng lao động phổ thông khá dồi dào nhưng lại thiếu hụt lao động có kỹ năng, có tay nghề. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện KHLĐXH, hiện năng suất lao động ở Việt Nam, 2/3 người lao động đang thiếu hụt kỹ năng về lao động và kỹ thuật, 55% số doanh nghiệp cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Điều này càng được thể hiện rõ qua vụ dịch COVID-19 đang diễn ra. Dịch không chỉ ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khi không ít doanh nghiệp hiện nay đang thiếu chuyên gia, lao động kỹ thuật cao là người Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa thể sang Việt Nam làm việc. Một doanh nghiệp ở tỉnh Hà Nam có 9 chuyên gia người Trung Quốc thì có đến 6 người về quê đón Tết và giờ vẫn chưa thể sang làm việc. Có 3 chuyên gia đã sang lại phải cách ly 14 ngày. 14 ngày qua là khoảng thời gian hàng trăm công nhân doanh nghiệp này phải tạm dừng hoạt động để đợi chuyên gia. Sau khi sản xuất trở lại vẫn thiếu chuyên gia nên các khâu kiểm tra, đứng máy, nghiệm thu sản phẩm buộc phải làm nhỏ giọt. Các khâu lắp ráp thủ công khác cũng theo đó mà phải hoạt động cầm chừng. Thiếu chuyên gia kỹ thuật cao, hiện nay tại doanh nghiệp này, công suất đã giảm chỉ còn 1/3 so với trước. Tại các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam, có 44 doanh nghiệp sử dụng gần 300 lao động người Trung Quốc. Đa phần các lao động này đều có kỹ thuật chuyên môn cao nên trong thời gian ngắn khó mà có thể đào tạo hay tìm lao động khác thay thế. Điều này vô hình đã tạo ra sự thiếu hụt một lượng lớn lao động kỹ thuật cao trong các doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh.

Hiện có trên 90% số doanh nghiệp Việt Nam chưa có hệ thống đào tạo nội bộ của riêng mình trong khi chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng chưa cao, lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trên thị trường lao động, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Bên cạnh đó  sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động; chưa đưa ra được các dự báo trung và ngắn hạn về thị trường lao động và tính hiệu quả chưa cao của hoạt động dịch vụ việc làm đã góp phần làm gia tăng xu hướng này.

Do vậy cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là yếu tố sống còn của nền kinh tế. Cùng với việc cải cách hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo rất cần có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao. Nếu không khẩn trương khắc phục thì không những không tận dụng được những cơ hội tốt để thu hút vốn và công nghệ thông qua FDI mà còn có nguy cơ các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam sẽ chuyển sang các nước khác, hoặc các nhà đầu tư mới cũng dè dặt khi quyết định đầu tư tại Việt Nam gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com