Hiểm họa từ rác thải nhựa!

04:03, 22/03/2019

Các sản phẩm túi nilon và các bao bì bằng nhựa từ lâu đã trở thành vật dụng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen sử dụng của đa số người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon và chai nhựa được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Những sản phẩm này có giá khá rẻ, cốc nhựa chỉ khoảng 10 đến 20 nghìn đồng/túi 50 chiếc, ống hút 5 đến 10 nghìn đồng/túi 100 chiếc, túi nilon chỉ 50 nghìn đồng/kg... Phần lớn các sản phẩm nhựa dùng một lần này không có thông tin gì về chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn. Đặc biệt, đây cũng là món đồ không thể thiếu tại cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi party, picnic dã ngoại... Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam, người dân rất ưa thích sử dụng túi nilon vì tiện lợi và phù hợp thói quen mua bán nhỏ, lẻ. Điều đáng buồn là chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ khắp nơi. Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày, được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém. Đây thực sự trở thành gánh nặng cho môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và hệ sinh vật. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan - những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Để quản lý tốt hơn vấn đề chất thải nhựa và túi nilon, từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào chống rác thải nhựa nhằm huy động các bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về tiêu dùng và quản lý chất thải nhựa phát sinh cũng như thúc đẩy các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu phát sinh về thu gom, xử lý chất thải nhựa một cách hiệu quả. Tuy nhiên kết quả thu được chưa được như kỳ vọng. Thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần dường như ngày càng gia tăng trong khi đại đa số người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc để lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon với rác thải hữu cơ vẫn còn tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn. Trong khi công nghệ xử lý rác, tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Tại lễ phát động chương trình Ngày Trái Đất 2018 “Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa” mới đây, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa, việc đầu tiên là phải tuyên truyền cho người dân hạn chế sử dụng các loại vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, nilon như: Hạn chế dùng các loại nước đóng trong chai nhựa, hạn chế sử dụng các loại cốc, bát ăn, thìa dĩa, hộp xốp sử dụng một lần; hạn chế sử dụng túi nilon trong hoạt động hàng ngày, nhất là để đựng thực phẩm, đi chợ... Đối với mỗi gia đình, cần phân loại rác từ nguồn, phân loại riêng các loại chất thải tái chế như vỏ chai, hộp nhựa, vỏ lon bia, giấy cũ, kim loại... tránh bị lẫn vào các loại chất thải sinh hoạt khác. Điều này giúp công tác tái chế chất thải được dễ dàng hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề này, trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để duy trì, thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựa thành hoạt động thường xuyên, liên tục; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng; thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi nilon để thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy của người dân!

Để Việt Nam không còn là một trong những quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng, ngay từ bây giờ, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là bản thân mỗi người dân cần phải có sự thay đổi về nhận thức và hành động. Hãy nói không với việc sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, chai nhựa... để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta!

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com