Từ sự thiếu hụt về văn hóa

08:03, 15/03/2019

Nghe con trai nói sắp tới sẽ đăng ký nguyện vọng thi vào khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bà Vân giận lắm nhưng vẫn giữ được bình tĩnh, nhẹ nhàng khuyên nhủ:

- Con lớn rồi, phải thức thời, đừng đam mê, mơ tưởng vớ vẩn về những ngành nghề vô bổ, không kiếm ra tiền. Con học giỏi, sao không thi vào các trường kinh tế như Tài chính, Ngân hàng, Ngoại thương… để sau này có cơ làm giàu chứ học thứ đó sau này ra trường, sao kiếm được miếng ăn?

Con trai bà cự lại:

- Nhưng môn Văn là niềm đam mê của con. Vả lại môn học này con đã ôn kỹ rồi!

Biết không thể thuyết phục được con, bà Vân buồn lắm (!). Gia đình bà trước kia vốn nghèo. Nhà trong con ngõ nhỏ, chồng là giáo viên dạy Văn, bà làm công nhân; đồng lương eo hẹp, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn đủ bề, chẳng biết bao giờ mới khá lên được. Nhưng rồi “Quý nhân đãi kẻ khù khờ”, đùng một cái, thành phố mở rộng con đường chạy qua khu dân cư. Căn nhà trong ngõ nhỏ của bà thành nhà mặt đường. Bà nghỉ làm công nhân, mở cửa hàng buôn bán quần áo tại nhà. Kinh tế gia đình được vực dậy từ đó. Xưa nay, con cái bao giờ cũng là niềm tự hào của bố mẹ. Hai đứa con của bà đều học giỏi, đứa lớn đã tốt nghiệp đại học đi làm, còn đứa bé thì… Bố nó dạy Văn, lương “ba cọc, ba đồng”; bà biết, học trò bây giờ nhanh nhạy lắm, toàn học các môn tự nhiên để thi vào các trường kinh tế chứ môn Văn thì có đứa nào đăng ký học thêm đâu. Giờ con trai lại muốn đi học Văn như bố nó, bà không buồn bực sao được. Chồng con bà chẳng thức thời chút nào (!). Cả dãy phố này nhà nhà, người người mải mê làm ăn, kiếm tiền bằng đủ mọi cách có thể để hưởng thụ, thỏa mãn những đòi hỏi vật chất mà trước đây không có. Bà muốn con chọn học các trường kinh tế để sau này có cuộc sống dư dả vì đã quá thấu cái nghèo, cái đói trước đây…

Mong ước của bà Vân cũng là ước muốn của nhiều phụ huynh học sinh trước mùa tuyển sinh năm 2019 đang cận kề. Tuy nhiên, dẫu suy nghĩ về việc chọn những nghề có liên quan đến tiền bạc để tạo dựng tương lai sau này cho con là chính đáng nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn không nhận được sự đồng tình hưởng ứng của con (?). Phải chăng việc bắt con phải thực hiện ước mơ, khát vọng của mình mà không cảm nhận được cảm xúc, lý tưởng sống, không đồng hành, chia sẻ với đam mê của con trước ngưỡng cửa vào đời chính là sự ích kỷ, là hành động tạo nên lối sống thực dụng cho thế hệ hôm nay của các bậc cha mẹ. Nguyên nhân sâu xa, suy cho cùng bắt nguồn từ sự thiếu hụt về văn hóa (!)./.

Đức Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com