Năm Tuất tản mạn về con chó

08:02, 15/02/2018

Đối với con người, không riêng ở Việt Nam, con chó là loài vật nuôi đặc biệt thân thiết. Theo lịch của người Việt chó là 1 trong 12 con giáp. Những đức tính của chó được tôn vinh như trung thành, thông minh, can đảm, dũng mãnh… được ví như người bạn gần gũi của con người. Vì thế, không khó để nhận thấy hình tượng con chó xuất hiện hầu hết trong mọi lĩnh vực đời sống người Việt xưa. Từ tín ngưỡng văn hóa dân gian, ca dao, thành ngữ, điêu khắc hội họa, mỹ thuật, ẩm thực... Chó luôn được con người trân trọng bởi trong quan niệm dân gian của người Việt xưa thì chó là con vật đem đến những điều may mắn, thuận lợi, là điềm báo “cát tường” (“Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”)...

Tín ngưỡng dân gian phải kể đến tục thờ chó đá canh cổng nhà, cổng làng, đình, chùa… của người Việt xưa. Ở nhiều vùng quê người Việt thường chôn chó đá trước cổng, ngõ như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ. Hình tượng con chó đi vào văn học nghệ thuật từ dân gian đến hiện đại. Từ “Con chó đá” trong truyện cổ tích dạy con người bài học về lòng tham hay sự chăm chỉ, khiêm nhường… đến hình ảnh cảm động đầy nghĩa tình của “cậu” Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Đó còn là hình ảnh con vật điển hình không thể thiếu trong bức tranh đời sống thôn quê trong bài thơ Đến chơi nhà bác Đặng của Nguyễn Khuyến: “Trâu già gốc bụi phì hơi nắng - Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người”. Chó có mặt trong rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ của Việt Nam: Như chó với mèo (Chỉ sự xung khắc), Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa (dự báo thời tiết); Chó 3 khoanh mới nằm, gà 3 lần vỗ cánh mới gáy (Khuyên người ta trước khi làm việc gì, nói điều gì phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng); Chó giữ nhà, gà gáy trống canh (Mỗi người một phận sự, ai có việc nấy, không nên suy bì); Chó giống cha, gà giống mẹ (Một nhận xét về quy luật di truyền ở súc vật)... Nhắc đến con chó - những hình tượng nổi tiếng trong văn học nghệ thuật thế giới không mấy ai không biết đến chú chó Bấc trong tiểu thuyết “Tiếng gọi nơi hoang dã” của nhà văn Giắc Lơn-đơn; chú chó thám tử Rex hay Hachiko trong bộ phim cùng tên về chú chó trung thành nổi tiếng của Nhật Bản… Ở một góc độ khác, nhiều câu tục ngữ, thành ngữ dân gian Việt Nam cũng lấy hình tượng con chó để chỉ những người xấu, những cử chỉ không đẹp. Như vậy để thấy rằng con chó có vị trí, ảnh hưởng quan trọng thế nào trong đời sống con người.

CLB nuôi chó Rottweiler Nam Định cùng chú chó Pepsy đoạt giải Nhì Vô địch Rottweiler miền Bắc lần thứ IV tổ chức tại Thành phố Thái Bình.
CLB nuôi chó Rottweiler Nam Định cùng chú chó Pepsy đoạt giải Nhì Vô địch Rottweiler miền Bắc lần thứ IV tổ chức tại Thành phố Thái Bình.

Cuộc sống hiện đại bị bủa vây bởi công nghệ thông tin, ti vi, điện thoại thông minh và vô số áp lực khác, con người ngày càng có xu hướng sống khép kín cảm xúc và ít giao tiếp với nhau hơn. Nhiều người lựa chọn nuôi thú cưng để đáp ứng nhu cầu chia sẻ, xả stress theo cách “an toàn, thoải mái” nhất; trong đó con chó là loại thú cưng phổ biến, được ưa chuộng nhất. Những chú chó luôn sẵn sàng nghe lời tâm sự, đi bất cứ nơi nào và bày tỏ sự vui mừng, hồ hởi khi thấy chủ về, cũng như quyến luyến mỗi khi rời xa nên luôn được người nuôi lựa chọn làm bầu bạn.

Trước đây, khi Việt Nam hội nhập quốc tế chưa sâu rộng thì chó được nuôi chủ yếu là các giống chó trong nước thuần chủng hoặc chó béc-giê; chó Nhật, chó Bắc Kinh, số ít tìm đến các giống chó địa phương nổi tiếng ở các vùng miền núi, hải đảo xa xôi như chó H’Mông cộc, chó Phú Quốc. Bây giờ các giống chó đẹp trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam. Giờ đây, người đam mê chó đã có thể tìm hiểu cặn kẽ tên tuổi, gốc gác, sở thích, cách chăm sóc từng giống chó trên thế giới qua các trang web chuyên về chó để có được một “người bạn” ưng ý. Có mặt tại Công viên Giàn leo (TP Nam Định) vào chiều chủ nhật hằng tuần, có thể thấy phong trào chơi chó cảnh đã phát triển nở rộ như thế nào trong cuộc sống hiện đại. “Nuôi chó cảnh vừa là một đam mê giải trí lành mạnh vừa giúp người chơi “học tập” rèn luyện được nhiều đức tính tốt từ vật nuôi, tránh được các tệ nạn xã hội, hướng thiện cho người chơi” - Anh Đoàn Minh Việt ở số nhà 33 đường Vũ Hữu Lợi bộc bạch suy nghĩ như vậy khi khoe với chúng tôi về giống chó American Bully thuộc dòng Pitbull nổi tiếng thế giới mà anh chọn. Từ số lượng thành viên ít ỏi chỉ hơn chục người ban đầu, sân chơi chó cảnh tại tỉnh ta đã phát triển sâu rộng và đa dạng hơn nhiều về chủng loại trong những năm qua. Hiện tại, số lượng thành viên của Hội yêu chó cảnh Nam Định đã vượt mốc hơn 8.000 thành viên mọi lứa tuổi ở khắp các địa phương trong tỉnh. Phổ biến nhất vẫn là các dòng chó dạng “bỏ túi” xuất xứ từ nước ngoài như Phốc hươu, Phốc sóc, Poodle, Chihuahua, Corgi, Collie… Đây đều là các giống chó có vẻ bề ngoài hiền lành và khá đáng yêu, năng động, thông minh, tầm vóc nhỏ nhắn phù hợp với điều kiện nuôi ở các nhà đô thị. Bên cạnh đó, còn các dòng chó lớn khác như Rottweiler, Husky, Alaska, Becgie, Great Dane, Smoyed, Doberman với vóc dáng khỏe khoắn, hấp dẫn bởi bộ lông dày mượt và đẹp. Giá các loại chó cảnh cũng đã dần trở về với “giá trị thực” chứ không “sốt ảo” như trước đây nhờ sự trợ giúp các phương tiện truyền thông và chia sẻ thông tin kinh nghiệm qua mạng xã hội. Hiện tại, giá chó cảnh với các dòng cún bé như Phốc, Chihuahua từ 2-3 triệu đồng/con; hay các loại chó lớn như Husky từ 6-10 triệu đồng/con; Alaska dao động từ 10-14 triệu đồng/con… Giá cả mỗi con chó còn tùy thuộc vào việc con vật có hay không giấy tờ xác minh nguồn gốc. Đối với các con chó giống nhập ngoại chuẩn sẽ có giấy tờ phả hệ, chứng nhận thuần chủng và gắn chip điện tử để nhận dạng, có giấy chứng nhận của Hiệp hội chó giống tại Việt Nam (VKA).

Gặp hai anh bạn cũ trong chiều mưa phùn ở một giải vô địch chó Rottweiler (một trong “Tứ đại quốc khuyển” của nước Đức) miền Bắc lần thứ IV tổ chức tại Thành phố Thái Bình, qua trò chuyện mới thấy ngày nay nghề nuôi chó cảnh cũng lắm “công phu”. Chăm sóc, nuôi dưỡng, thuần phục thú cưng cũng đòi hỏi người chủ phải có tâm, yêu thương và đam mê với vật nuôi. Anh Đào Hưng, chủ trại chó giống Rottweiler Nguyên Bảo tại thôn Thượng Trang, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) cho biết: “Để nuôi được chó cảnh nhập ngoại, người chơi phải am hiểu tường tận đặc điểm, tập tính, môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc của mỗi loại chó. Giống chó này rất trung thành và tình cảm, nếu được huấn luyện tốt, chúng có thể làm được rất nhiều việc có ích cho con người chứ không chỉ đơn thuần nhiệm vụ coi nhà như chó ta. Giống như mọi giống chó khác, Rottweiler cũng thân thiết với con người như bạn bè vậy”. Hiện tại, trại chó giống của anh Hưng có 10 chú chó giống thuần chủng, giúp người chơi địa phương có thể dễ dàng hơn để lựa chọn và sở hữu giống chó này. Anh cũng cho biết giống chó Đức này khá phù hợp để nuôi ở đô thị. Ngoài khẩu phần ăn theo quy định, giống chó này còn được bồi bổ các loại thức ăn mặn như rau củ, thịt tươi, cám chuyên dụng Fitmin, Ganador… nhằm bổ sung canxi và kích thích mọc lông tùy theo từng giai đoạn trưởng thành. Tùy điều kiện kinh tế, người chơi có thể tự “chế biến” ra khẩu phần ăn riêng để thú nuôi của mình khỏe mạnh và dẻo dai.

Tất nhiên khi sở hữu trong tay một con chó yêu thích, có giá trị cao thì việc đầu tư chăm sóc nó cũng được người chủ quan tâm hơn so với chó thông thường. Sự phổ biến của phong trào chơi chó cảnh kéo theo sự phát triển của các dịch vụ đi kèm, tạo việc làm và thu nhập cho không ít người. Từ huấn luyện nhằm đào tạo chú chó tinh khôn; các cửa hàng cung cấp các vật dụng cần thiết; dịch vụ thú y, “bệnh viện” chăm sóc sức khỏe cho thú “cưng” với các phương thức chữa bệnh hiện đại như siêu âm, xét nghiệm, chụp X.quang… như Phòng khám thú cưng Gia Hưng (đường Phù Nghĩa), Phòng khám thú y Quang Huy (đường Trần Thái Tông); Pet Mart (đường Hưng Yên). Đủ loại dịch vụ như: tắm, làm móng, cắt tỉa lông, vệ sinh tai, răng miệng... để phục vụ tốt nhất các nhu cầu chăm sóc, điều trị và thẩm mỹ cho thú cưng như: cắt đuôi, cắt tai, bó bột, mổ sinh sản và cả các can thiệp ngoại khoa.

Chó làm bạn, làm đồng minh với nhân loại từ cả vạn năm nay, khắp nơi trên mặt đất. Thời tiền sử chó giúp con người săn bắt, canh chừng cho chủ nhân. Các nhà nghiên cứu văn hóa - xã hội đánh giá chó là kết quả, thành phần và tác nhân của các nền văn minh, văn hóa, văn hiến. Vì thế, chó ngày càng trở nên gần gũi với vai trò người bạn thân thiết, tri kỷ với con người, bổ khuyết cho sự thiếu hụt về nhu cầu giao tiếp trong xã hội hiện đại. Xuân Mậu Tuất 2018 đang đến thật gần, đôi điều tản mạn về vị thế con chó trong đời sống loài người xưa và nay để hiểu thêm về một loài vật được mọi người quý trọng và ngày càng hữu ích trong đời sống hiện đại./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com