Đảm bảo an toàn thực phẩm thủy sản sau Tết

08:02, 23/02/2018

Sau những ngày Tết Nguyên đán nhu cầu thị trường về các sản phẩm thủy sản tươi sống thường tăng cao dẫn đến nguy cơ mất VSATTP trong nhóm hàng hóa này khi người bán sử dụng các biện pháp bị cấm để bảo quản thủy hải sản. Chính vì vậy Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tham mưu và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo ATVSTP hàng hóa thủy sản sau Tết, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Cơ sở sản xuất nước mắm của ông Lại Văn Quang, làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Cơ sở sản xuất nước mắm của ông Lại Văn Quang, làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).

Thường thì khoảng mùng 3 Tết âm lịch, các cửa hàng bán thủy sản đã mở cửa hoạt động. Dạo qua các khu chợ trên địa bàn Thành phố Nam Định, những sạp hàng, cửa hàng bán thủy sản tấp nập khách mua hàng, từ tôm, cua, các loại cá biển hay các loại cá nước ngọt truyền thống. Chị Tống Thị Thắng, một người chuyên bán cá đồng cho biết: “Nắm được nhu cầu thị trường nên năm nào cũng khoảng mùng 3 Tết là tôi đã mở hàng. Để bảo đảm ATVSTP ngay từ trước Tết, tôi đã đặt trước với các cơ sở nuôi cá uy tín để ra Tết có sản phẩm an toàn bán luôn. Những ngày này, nhu cầu ăn cá của người dân cao hơn bình thường. Một mình luôn chân luôn tay làm cá cho khách tuy mệt nhưng phấn khởi lắm, có những khi tôi còn không có đủ cá để bán”. Trước thực tế nhu cầu cao của người tiêu dùng về hàng hóa thủy sản sau Tết, Sở NN và PTNT tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo ATVSTP. Hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn. Tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều như tôm, cá và các sản phẩm từ thủy sản ăn liền, thủy sản khô, nước mắm, mắm tôm… kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức tiếp nhận, xử lý và thông tin kịp thời các sự cố mất ATVSTP xảy ra trên địa bàn. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và sản phẩm thủy sản không đảm bảo an toàn. Sở chỉ đạo các Chi cục: Thủy sản, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chăn nuôi - thú y tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVSTP, đặc biệt là việc sử dụng chất cấm, kháng sinh, bơm tạp chất vào tôm, yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thanh tra Sở NN và PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, thu thập thông tin, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP. Phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các đợt truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở nuôi tôm, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản kinh doanh tôm thực hiện nghiêm túc những quy định của Nhà nước về đảm bảo chất lượng, ATVSTP thủy sản. Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản còn tập trung giám sát các cơ sở cung ứng thực phẩm chính cho các bếp ăn tập thể ở KCN, trường học và các vùng đăng ký sản xuất thủy sản an toàn. Bên cạnh sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn, vì sức khỏe của bản thân cũng như của cả xã hội. Người nuôi thủy sản nâng cao ý thức trách nhiệm đảm bảo về chất lượng ATVSTP trong tất cả các khâu sản xuất giống nuôi thương phẩm, thu hoạch. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thủy sản thực hiện nghiêm túc quá trình chế biến, đóng gói, bảo quản hàng hóa.

Không chỉ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán mà các cơ sở nuôi trồng, thu mua, chế biến… luôn phải đề cao trách nhiệm đảm bảo ATVSTP thủy sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng cũng nâng cao nhận thức, tiêu dùng thông minh để những sản phẩm không đảm bảo chất lượng không có chỗ đứng trên thị trường. Có như thế, các sản phẩm thủy sản của tỉnh nói riêng và ngành thủy sản của tỉnh nói chung mới phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com