Phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính tỉnh năm 2019

06:06, 09/06/2020

Ngày 9-6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và cải cách hành chính (CCHC) tỉnh năm 2019. Ðồng chí Phạm Ðình Nghị,  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Phùng Hoan, Trần Lê Ðoài; lãnh đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Theo báo cáo công bố, chỉ số PCI tỉnh năm 2019 đạt 65,09 điểm, đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tăng 2,08 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2018. Ðây là điểm số PCI cao nhất từ trước tới nay của tỉnh. Tuy nhiên, PCI năm 2019 của tỉnh vẫn thấp hơn mức trung vị của cả nước 0,04 điểm (điểm trung vị cả nước năm 2019 là 65,13 điểm, cao hơn 1,9 điểm so với điểm trung vị năm 2018 là 63,23 điểm), xếp hạng ở nhóm khá của cả nước. Ðiểm số của 10 chỉ số thành phần PCI năm 2019 tương đối đồng đều, đều đạt trên 5 điểm (chỉ số Chi phí không chính thức đạt 5,8 điểm, thấp nhất trong 10 chỉ số); 2 chỉ số có xu hướng giảm điểm và thứ hạng năm 2018 đã có sự cải thiện tăng điểm và thứ hạng năm 2019 là chỉ số Gia nhập thị trường (tăng 1,74 điểm, 58 bậc) và chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,02 điểm, 16 bậc). Trong đó, chỉ số Gia nhập thị trường đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, xếp hạng 3/63, chỉ sau tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Yên. Chỉ số Tính minh bạch tiếp tục có sự cải thiện tích cực về điểm số và thứ hạng trong năm 2019 (tăng 1,13 điểm và 17 bậc). Số lượng chỉ tiêu đứng ở nhóm cuối bảng xếp hạng (vị trí 51-63) giảm từ 28 chỉ tiêu năm 2018 xuống còn 22 chỉ tiêu năm 2019 (giảm 6 chỉ tiêu). Trong đó, số lượng chỉ tiêu ở vị trí 61-63 giảm từ 9 chỉ tiêu năm 2018 xuống còn 6 chỉ tiêu năm 2019 (giảm 3 chỉ tiêu). 

Về chỉ số CCHC năm 2019 của tỉnh đạt 80,7 điểm, đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố; so với năm 2018 tăng 4 điểm, tăng 1 bậc. Trong đó: Ðiểm tự đánh giá của tỉnh là 54,92/65 điểm, đạt 82,95%, xếp thứ 25/63 tỉnh, tăng 18 bậc so với năm 2018. Ðiều tra sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (Sipas) đạt 7,57/10 điểm (75,7%), xếp thứ 60/63. Ðiểm khảo sát lãnh đạo quản lý đạt 18,21/23,5 điểm (77,5%), xếp thứ 31/63. Bộ chỉ số CCHC 2019 có nhiều sự thay đổi với nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần mới. Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước do tồn tại cũ để lại và chưa có quy định cụ thể về số lượng cán bộ, công chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý so với cán bộ công chức không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Thủ tục hành chính liên thông cùng cấp và giữa các cấp chính quyền chưa nhiều, triển khai còn gặp khó khăn. Dịch vụ bưu chính công ích mặc dù rất phát triển nhưng do khoảng cách địa lý trong tỉnh khá gần nên người dân không có nhiều nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công rộng, khối lượng công việc lớn nên cần nhiều thời gian và nhân lực để tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới cho phù hợp.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ðình Nghị yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, nâng cao chỉ số PCI của đơn vị mình; căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu, phân tích nguyên nhân làm giảm chỉ số CCHC, PCI của tỉnh trong lĩnh vực có liên quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục triệt để. Trong công tác CCHC, các sở, ngành, địa phương phải chủ động đăng ký điểm từng chỉ số thành phần và tổng điểm CCHC với Sở Nội vụ để đặt mục tiêu thực hiện năm 2020 và làm căn cứ chấm điểm, xếp loại; phấn đấu năm 2020 các huyện đạt trên 80 điểm; các sở, ban, ngành phấn đấu đạt trên 85 điểm. Ðẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công cấp độ 3, 4; Chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm khi trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp; coi đây là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoàn thành công việc. Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra chất lượng hoạt động của trung tâm “một cửa”; việc thực hiện các thủ tục hành chính; các nhiệm vụ đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh giao. Ðối với chỉ số PCI, các sở, ban, ngành chủ động nghiên cứu, đăng ký chương trình, chỉ số phải tập trung cải thiện, nâng cao của đơn vị mình. Giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các chế độ, chính sách hỗ trợ mà tỉnh đang áp dụng đối với người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính; vận động để người dân nắm rõ, thực hiện hiệu quả công tác đánh giá, chấm điểm theo phương án nghiêm túc, khách quan, chính quyền, ngành chức năng làm được đến đâu thì đánh giá đến đó, không tùy tiện đánh giá theo cảm hứng gây ảnh hưởng đến kết quả các chỉ số, giảm sút năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh./.

Tin, ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com