Đồng chí Trường Chinh với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định (kỳ 1)

05:03, 26/03/2020

Đoàn Hồng Phong

Đồng chí Trường Chinh sinh ra trong một gia đình truyền thống khoa bảng, yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng,  huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Từ rất sớm, đồng chí Trường Chinh đã giác ngộ cách mạng và tham gia các phong trào yêu nước. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã từng bước trưởng thành và là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta, nhà lý luận, nhà văn hóa lớn. Suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, dù rất bận lo công việc chung của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trường Chinh vẫn hết sức quan tâm, dành thời gian về thăm quê hương và chăm lo tới đời sống và sự phát triển của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định.

Đồng chí Trường Chinh với Đoàn đại biểu Hà Nam Ninh dự Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986.
Đồng chí Trường Chinh với Đoàn đại biểu Hà Nam Ninh dự Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986.

Từ năm 1960 đến năm 1988, đồng chí Trường Chinh đã có 8 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định. Trong những lần về thăm và làm việc tại tỉnh, đồng chí dành nhiều thời gian về cơ sở, tranh thủ gặp gỡ, tiếp xúc với bà con hàng xóm, họ hàng thân quen, cán bộ, xã viên hợp tác xã, lắng nghe ý kiến mọi người về việc thực hiện những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Đồng chí ân cần thăm hỏi sức khỏe từng người, động viên sự phát triển đi lên của địa phương, khen ngợi thành tích học tập của các cháu học sinh bằng tất cả tình cảm yêu thương của người con đi xa lâu ngày trở về. Đồng chí nói: "Tôi không năng về quê vì bận lo công việc chung của cả nước. Tuy vậy tôi vẫn luôn theo dõi từng bước tiến của quê hương".

Mỗi lần đồng chí về thăm quê hương là một lần Đảng bộ và nhân dân tinh Nam Định lại được nhận thêm những tình cảm nồng hậu, tiếp thêm sức mạnh mới đế hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí luôn kịp thời đề cập tới những vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động của địa phương.

Trong các dịp về dự đại hội và làm việc với Đảng bộ tỉnh, đồng chí Trường Chinh đặc biệt chú ý đến công tác xây dựng Đảng và công tác vận động quần chúng.

Về công tác xây dựng Đảng, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh vào tháng 2-1972 và tháng 11-1976, đồng chí nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta, Đảng là hạt nhân cách mạng. Hạt nhân phải trong sạch, vững mạnh thì lãnh đạo mới tốt được. Do đó, mọi đảng viên phải nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghiệp vụ, trau dồi đạo đức cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" để phát huy tính tiền phong gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ: "Tỉnh ủy phải nắm chắc công tác tuyên huấn và công tác tổ chức để một mặt tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, mặt khác xây dựng và phát triển Đảng một cách thận trọng, chắc chắn, củng cố tốt chính quyền, đấu tranh khắc phục tư tưởng ỷ lại, bị động, nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám làm, tích cực chủ động của các cấp ủy Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời củng cố chi bộ, tổ chức cơ sở đảng, đấu tranh bảo vệ và thực hiện các nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Khắc phục thói quen, nếp nghĩ của người sản xuất nhỏ và các vấn đề tham ô, lãng phí, làm dối, làm ẩu...".

Về công tác vận động quần chúng, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ II (2-1972), đồng chí chỉ rõ cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng định ra đường lối thì các cấp phải tuyên truyền để mọi người hiểu rõ và tự giác thực hiện. Đảng phải luôn chú ý quan tâm vận động, thuyết phục quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, khắc phục bệnh quan liêu, mệnh lệnh, thiếu dân chủ, không tôn trọng người dân.

Với nhãn quan chính trị sắc bén, sự sâu sát thực tế của một nhà lãnh đạo cách mạng, trong những lần về thăm, làm việc với tỉnh, đồng chí luôn nhắc nhở Đảng bộ Nam Định chú ý phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, phấn đấu đưa Nam Định trở thành tỉnh giàu mạnh của đất nước. Tuy nhiên, với đặc điểm của tỉnh sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đồng chí lưu ý Đảng bộ cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp.

Trong ba ngày về thăm quê hương Xuân Trường, tháng 11-1960, khi nói chuyện với chi bộ Đảng của xã Xuân Hồng về xây dựng tổ đổi công, thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, kết quả sản xuất vụ mùa, đời sống nhân dân... của địa phương, đồng chí đã chỉ đạo, gợi mở cho địa phương những định hướng phát triển kinh tế: "Đối với xã nhà, cần củng cố phát triển hợp tác xã thủ công dệt truyền thống quê hương và phát triển ngành nghề thủ công khác vì quê ta đất chật, người đông, cần thiết vận động nhân dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới như vùng ven biển, miền núi phía Bắc". Trong buổi nói chuyện với cán bộ chủ chốt của huyện Xuân Trường, đồng chí lưu ý: "... Huyện ta là huyện đất chật người đông cần phải quan tâm tới lãnh đạo chặt chẽ tập trung công tác này; trong đó hết sức chú ý tới kế hoạch phát triển ngành nghề, đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới".

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com