Đồng chí Trường Chinh với sự ra đời của ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học - Tiền thân của Ủy ban khoa học xã hội (kỳ 8)

06:02, 20/02/2020

Văn Tạo

(tiếp theo)

Những nhiệm vụ được Ban đặt ra kể trên, như đồng chí Trường Chinh khẳng định, nay vẫn là cần thiết, được các tổ chức khoa học mới ra đời (như Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1959), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng (năm 1962), Ủy ban Khoa học xã hội (năm 1965) nay là Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia) đảm nhiệm và phát triển.

Trên tinh thần đó, ngày 2-12-1983, nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày ra đời của Ban Văn Sử Địa, đồng chí Trường Chinh đã có kết luận là:

"Thực tế đã chứng minh rằng Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học Việt Nam là tiền thân, đồng thời là hạt nhân của Ủy ban Khoa học xã hội sau này của nước ta".

Đồng chí Trường Chinh trao Huân chương Sao Vàng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 28-12-1980.
Đồng chí Trường Chinh trao Huân chương Sao Vàng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 28-12-1980.

Ngoài các mối quan hệ chung kể trên, tôi xin viết một vài sự kiện nói lên ảnh hưởng của đồng chí Trường Chinh đối với tôi trong công tác học thuật:

Tình thương yêu và sự góp ý kiến thẳng thắn trên tình đồng chí.

Năm 1959, với tư cách là một trong những cán bộ đầu tiên của Ban Sử Địa Văn, tôi được đồng chí giao nhiệm vụ là đưa tất cả những tài liệu và những kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của Ban vào xây dựng ngành khoa học xã hội và nhân văn trong Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tôi được Đảng bộ bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Ủy ban Khoa học Nhà nước do đồng chí Chu Văn Biên làm Bí thư Đảng ủy... Cuối năm 1960 tôi được lãnh đạo ủy ban duyệt đề nghị của Viện Sử học Việt Nam cho sang Liên Xô làm luận án phó tiến sĩ sử học về đề tài "Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam".

Cuối năm 1961, tôi từ Liên Xô về nước lấy tài liệu, được đồng chí Trường Chinh vui vẻ cho gặp để xin ý kiến về một số vấn đề khoa học của luận án... Nhân đó đồng chí cũng bồi dưỡng cho tôi về tinh thần thận trọng trong khoa học...

Đồng chí nói: "Những công trình của các đồng chí xuất bản nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày Cách mạng Tháng Tám (năm 1960) là cố gắng, phục vụ tốt, nhưng có khuyết điểm đáng lưu tâm đấy. Đồng chí thử nhìn kỹ lại xem".

Tôi xin phép thuật lại tình hình cấp bách lúc đó để mong đồng chí thông cảm với khuyết điểm nếu có:

Đó là vào tháng 4-1959, đồng chí Phạm Văn Đồng xuống Viện Sử học gặp đồng chí Trần Huy Liệu và chúng tôi giao nhiệm vụ là năm 1960 phải có một số công trình sử học để kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám nhân ngày lễ lớn này của đất nước. Vì thời hạn chỉ còn một năm (tháng 5-1959 - tháng 5-1960) phải có bản thảo mới kịp đưa in để kỷ niệm, chúng tôi quyết định phải làm cho kỳ được hai công trình:

Một là, hợp tác với Ban Tuyên huấn các tỉnh miền Bắc và với các hội đồng hương các tỉnh phía Nam xây dựng công trình "Cách mạng Tháng Tám - Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương", đã xuất bản thành hai tập.

Hai là, một công trình chuyên khảo về Cách mạng Tháng Tám đã được in ra với tên đề là Lịch sử Cách mạng Tháng Tám.

Đồng chí hỏi, có phải đấy là công trình chuyên luận mà đồng chí nói không?

Tôi chột dạ, trả lời: "Vâng ạ".

Đồng chí nói tiếp: "Các cuốn sách của các đồng chí như hai tập: "Cách mạng Tháng Tám - Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương", cũng như các cuốn Tài liệu tham khảo: "Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương", "Cao trào Tiền khởi nghĩa", "Tổng khởi nghĩa Tháng Tám", xuất bản như vậy là tốt, công bố nhiều sự kiện, tư liệu... Còn cuốn "Lịch sử Cách mạng Tháng Tám" in bìa đỏ, với tên đề như vậy là khuyết điểm. Bởi vì đó chỉ là một cuốn chuyên luận đưa ra một số nhận thức lý luận về Cách mạng Tháng Tám, tuy không có gì sai, nhưng đó mới là chuyên luận sao lại in là "Lịch sử Cách mạng Tháng Tám" được? Cuộc cách mạng to lớn như vậy, một sự kiện lịch sử quan trọng như vậy phải có một công trình lịch sử đúng với tầm cỡ của nó chứ. Công trình như vậy mới được mang tên là "Lịch sử Cách mạng Tháng Tám".

Tôi thấy thật là đúng, đã cám ơn những ý kiến đóng góp đầy tình đồng chí, tình thương yêu cán bộ của đồng chí Trường Chinh và đã học tập được tinh thần thận trọng, tính nghiêm túc trong khoa học của đồng chí.

Năm 1979, theo ý kiến của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng về sự cần thiết phải nghiên cứu, làm rõ là có hay không có "Phương thức sản xuất châu Á" (PSA) trong lịch sử xã hội Việt Nam, Viện Sử học bước đầu đã tổ chức một Hội nghị nghiên cứu về "Công xã nông thôn ở Việt Nam" - một yếu tố quan trọng trong PSA. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Khánh Toàn - Viện trưởng Viện sử học chỉ đạo, đồng chí Văn Tạo - Viện phó cùng chuyên gia về PSA là Nguyễn Hồng Phong trực tiếp điều hành. Hội nghị đang tiến hành thì có điện thoại báo tối hôm đó đồng chí Nguyễn Khánh Toàn và đồng chí Văn Tạo lên gặp đồng chí Trường Chinh.

 (còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com