Đồng chí Trường Chinh với sự ra đời của ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học - Tiền thân của Ủy ban khoa học xã hội (kỳ 9)

06:02, 27/02/2020

Văn Tạo

(tiếp theo)

Trong buổi gặp, sau khi hàn huyên, đồng chí Trường Chinh đã đi ngay vào vấn đề chỉ đạo khoa học. Đồng chí nói:

"Hiện nay Trung Quốc đang rút kinh nghiệm về hình thức tổ chức "Công xã nhân dân". Hội nghị của các đồng chí nghe nói là ca ngợi quá nhiều mặt tích cực của công xã nông thôn Việt Nam. Cụ thể khi bàn về cái đình làng, chỉ ca ngợi đó là trung tâm văn hóa mang cả tính nghệ thuật kiến trúc, cả văn hóa đình làng cả tính cộng đồng sinh hoạt của cư dân nông thôn... Trong khi đó không làm rõ, đó chính là nơi bọn hào lý chia nhau ngôi thứ, ăn trên ngồi trốc, là nơi mỗi cột đình trói mấy nông dân để đánh đập kìm kẹp truy sưu, nã thuế...".

Đồng chí Trường Chinh trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, ngày 19-8-1980.
Đồng chí Trường Chinh trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, ngày 19-8-1980.

Chúng tôi trình bày Hội nghị có chú ý nêu cả những mặt tiêu cực của tàn dư công xã nông thôn còn tồn tại đến hiện nay như chế độ công điền, tính trì trệ, bảo thủ của làng xã, sự kìm hãm phát triển kinh tế hàng hóa tiền tệ và hoạt động công thương, ...

Đồng chí thân mật nhắc nhở là nghiên cứu khoa học thì phải thận trọng, sâu sắc, toàn diện, tránh chủ quan phiến diện...

Coi trọng kinh nghiệm tổ chức và lãnh đạo khoa học, suy nghĩ tìm đường đổi mới.

Ngày 30-9-1983, tôi hân hạnh được đồng chí Trường Chinh gọi lên gặp để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày ra đời của Ban Văn Sử Địa. Đúng 9 giờ 15 sáng tôi đến gặp đồng chí ở nhà số 3 Nguyễn Cảnh Chân.

Sau khi nghe tôi trình bày các tư liệu đã lưu giữ được để xin đồng chí phát biểu trong lễ kỷ niệm đó và dự kiến về tổ chức lễ kỷ niệm, đồng chí cho ý kiến cụ thể và còn giao cho tôi tổng kết cả những thành tựu mà ngành khoa học xã hội và nhân văn đạt được từ năm 1959 đến năm 1983. Tôi không dám nhận vì không có cương vị mà chỉ xin cung cấp những tư liệu cần thiết.

Từ 10 giờ trở đi, đồng chí dành thời gian bàn về Lịch sử Việt Nam.

Trước hết đồng chí nói về cuộc thảo luận: "Có hay không có chế độ chiếm hữu nô lệ trong lịch sử Việt Nam?" trước đây. Đồng chí cho biết, chuyến đi khảo sát ở Tây Nguyên vừa qua, đồng chí thu được nguồn tài liệu đáng chú ý:

Đó là lời tường thuật của một số già làng cho biết xưa kia, trong những cuộc giao tranh giữa các tộc Gia Rai, Ê Đê, Ba Na... bên nọ bắt được tù binh của bên kia, có khi tới hàng trăm người. Họ đã không giết đi mà dùng làm nô lệ để sản xuất ở các nương rẫy hay đi săn bắt muông thú cho chủ, ... Như vậy là không chỉ có gia nô làm việc trong nhà mà còn có nô lệ dùng trong sản xuất.

Thứ hai, trong một bản trường ca, có chỗ nói đến một người con trai bị bắt làm tù binh, đã van xin kẻ chiến thắng, nếu không dùng làm nô lệ thì bán sang Atôpơ bên Lào, xin đừng giết...

Như vậy là có sự mua bán nô lệ làm sức sản xuất... Phải chăng ở Việt Nam có chế độ chiếm hữu nô lệ, nhưng sớm bị giải thể ở vùng người Kinh. Còn ở vùng các dân tộc ít người, thì vẫn còn tồn tại?

Đồng chí bàn sang vấn đề về cơ sở kinh tế - xã hội, nhắc đến sự phát triển kinh tế hàng hóa, tiền tệ thế kỷ XVII - XVIII và nói, nhà nghiên cứu Xôviết Acnhêtốp đi vào tìm hiểu mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa thời Tây Sơn là hay đấy.

Tôi thấy như đồng chí say sưa tìm tòi suy nghĩ, nhìn từ lịch sử dân tộc tìm ra con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của nước ta đã xảy ra từ năm 1978. Khi ấm chè hết nước, đồng chí đứng lên lấy phích nước rót mời tôi uống. Tôi xin đồng chí cho phép tôi tự đi lấy. Đồng chí thân mật nói: "Anh là khách". Rồi bàn tiếp về cải cách kinh tế của Hồ Quý Ly.

Đã đến 11 giờ 15 phút, đồng chí cần vụ nhắc, xin đồng chí nghỉ.

Đồng chí Trường Chinh ân cần hẹn gặp lại nhiều lần nữa, rồi tiễn tôi ra đến ngoài hiên và còn hỏi thêm: "Bác Hồ có lần nói là Hồ Quý Ly còn phê phán cái tiêu cực của Nho giáo. Có đúng không? Đồng chí về tìm gửi tài liệu đó cho tôi nhé".

Khi về, tôi đã thực hiện các yêu cầu của đồng chí Trường Chinh, với những suy nghĩ khâm phục về phong cách làm việc khoa học, về tình đồng chí, về sự tìm tòi suy nghĩ cho đất nước, cho đổi mới, cho cách mạng... Nghĩ không phải ngẫu nhiên mà vài năm sau (1985 - 1986) đồng chí đã góp phần to lớn vào nội dung Đổi mới của Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Vừa qua, khi góp ý kiến với Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IX của Đảng, tôi đã kiến nghị 5 vấn đề, trong đó vấn đề đầu tiên là:

"Đảng cần coi trọng việc nâng cao công tác lý luận kết hợp chặt chẽ với hoạt động thực tiễn để tạo ra những lãnh tụ ở bước ngoặt lịch sử".

Trong đó tôi trình bày rõ là:

"Ở thế kỷ XX, nhờ chăm lo công tác học tập, nghiên cứu lý luận kết hợp với thực tiễn đấu tranh mà các lãnh tụ lý luận ở bước ngoặt lịch sử lúc đó đã xuất hiện, như các học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch là Trường Chinh, Lê Duẩn.

Ngày nay, chúng ta cũng cần noi theo bước đường mà các đồng chí đó đã đi qua, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng khoa học, lý luận, đưa lý luận kết hợp với thực tiễn để những lãnh tụ ở bước ngoặt lịch sử mới hiện nay có thể xuất hiện. Vì không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng, mà tập thể không thể thay thế được lãnh tụ ở bước ngoặt lịch sử".

Trong lĩnh vực này đồng chí Trường Chinh đã là một điển hình, cho chúng ta một tấm gương sáng để chúng ta noi theo./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com