Về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Vụ Bản

07:04, 27/04/2018

Trong khí thế phấn khởi mừng kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2018), chúng tôi về xã Liên Minh - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vụ Bản. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản kiên trung như: Nguyễn Phúc, Song Hào, Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Hoán…

Cán bộ xã Liên Minh bên Bia di tích lịch sử, cách mạng tại thôn Trung Nghĩa.
Cán bộ xã Liên Minh bên Bia di tích lịch sử, cách mạng tại thôn Trung Nghĩa.

Trò chuyện với các cán bộ lão thành cách mạng, chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh gian khổ và ý chí kiên cường bất khuất chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược của người dân nơi đây. Thôn Trung Nghĩa là nơi khởi nguồn phong trào cách mạng của địa phương. Đồng chí Nguyễn Phúc - người đảng viên Cộng sản đầu tiên của xã Liên Minh đã khởi xướng phong trào đọc sách báo, truyền bá tư tưởng yêu nước, giác ngộ cách mạng cho thanh, thiếu niên trong thôn. Đầu năm 1939, Tỉnh uỷ Nam Định có chủ trương phát triển tổ chức cơ sở Đảng ở những nơi có phong trào quần chúng hoạt động mạnh, đã quyết định thành lập thêm 7 chi bộ, trong đó có chi bộ Hào Kiệt, xã Liên Minh. Tháng 4-1939, chi bộ Đảng Hào Kiệt được thành lập tại Chùa Ru, thôn Trung Nghĩa. Trong số những thanh niên hoạt động tích cực của phong trào cách mạng, Tỉnh uỷ lựa chọn 5 đồng chí xuất sắc nhất để kết nạp gồm: Nguyễn Văn Khương (tức Song Hào), Phạm Văn Chư, Nguyễn Văn Sủng, Vũ Văn Giá, Nguyễn Văn Khúc. Trong không khí trang nghiêm giữa đêm khuya yên tĩnh, các đồng chí cảm động nghe thông báo quyết định kết nạp Đảng và thành lập chi bộ Đảng Hào Kiệt do đồng chí Nguyễn Văn Khương làm bí thư. Hiểu rõ trách nhiệm nặng nề được giao phó, các đảng viên xúc động hứa với Đảng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Vụ Bản - một tổ chức cơ sở Đảng hoạt động ngay sát Thành phố Nam Định và trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống liên lạc của Đảng. Sau khi thành lập, chi bộ chủ trương tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các phong trào sẵn có, đẩy mạnh việc giác ngộ những thanh niên tích cực, quần chúng tốt. Phong trào cách mạng ở Hào Kiệt ngày càng mạnh lên, liên hệ hoạt động sang các vùng của các xã lân cận như: Vân Cát, Bảo Ngũ, Trình Xuyên, Dương Lai, Quả Linh… Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, người dân Hào Kiệt đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tranh thủ điều kiện hợp pháp, chi bộ Đảng Hào Kiệt tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ phát động treo cờ, rải truyền đơn dọc đường 10 sang huyện Ý Yên và các xã khác của huyện Vụ Bản; phát hành rộng rãi tài liệu sách báo tuyên truyền đường lối của Đảng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng. Nhờ đó nhân dân hiểu thêm về Đảng, nâng cao giác ngộ cách mạng, khối liên minh công - nông được củng cố vững chắc, lực lượng chính trị được mở rộng, năng lực lãnh đạo của Đảng được trưởng thành về nhiều mặt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong điều kiện vừa phải xây dựng kinh tế vừa trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, nhân dân xã Liên Minh đã chi viện sức người, sức của để cho tiền tuyến lớn miền Nam. Thực hiện “Mỗi làng là một pháo đài, mỗi hợp tác xã là một đơn vị sản xuất và chiến đấu, mỗi người dân là một chiến sĩ kiên cường chống Mỹ cứu nước”, Đảng bộ xã Liên Minh đã có nhiều chủ trương cụ thể nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh làm nòng cốt trong sản xuất và chiến đấu. Trong 4 năm đầu chống Mỹ cứu nước (1965-1968), xã Liên Minh có hơn 700 gia đình có con em lên đường chiến đấu, trong đó có hơn 10 hộ có 2 người trong quân ngũ. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, lập công xuất sắc, nhanh chóng trưởng thành và trở thành các cán bộ trung cấp, cao cấp trong quân đội. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với những đóng góp cho cách mạng, Đảng bộ và nhân dân xã Liên Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới (1975-1990).

Đồng chí Hoàng Như Liên, Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh cho biết: Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy nội lực của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đa dạng hóa ngành nghề. Các ngành nghề thủ công truyền thống ở địa phương như: sơn mài, mộc mỹ nghệ được duy trì. Các ngành nghề khác như: may mặc, xây dựng, cơ khí, dịch vụ đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã chuyển đổi tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Ngoài cấy lúa, trồng cây màu vụ đông truyền thống, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa con giống đặc sản như: lợn rừng, nhím, ba ba, gà Đông Tảo… vào nuôi thương phẩm tại vùng đất chuyển đổi, cho hiệu quả kinh tế cao. Là xã về đích trong xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, đến nay, bộ mặt nông thôn xã Liên Minh đã thay đổi rõ rệt. Liên Minh đã tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước kết hợp với đóng góp của nhân dân xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng của 4 trường học từ mầm non đến THCS được xây dựng khang trang, kiên cố. Trạm y tế xã được xây dựng theo tiêu chí chuẩn quốc gia với 14 phòng khám, chữa bệnh. Hệ thống đường giao thông trục chính nối liền trung tâm xã đến các thôn, xóm được “cứng hóa”; Nghĩa trang liệt sĩ xã được nâng cấp; khu chứa rác thải sinh hoạt được xây dựng, với diện tích 10 nghìn m2. Xã đã xây dựng NVH trung tâm quy mô 370 chỗ ngồi kết hợp với bảo tàng, sân vận động, có diện tích 2.000m2. Ngoài ra, cả 15 NVH thôn, xóm trong xã đều được nâng cấp, mở rộng đạt chuẩn NTM. Đặc biệt thôn Trung Nghĩa, “điểm sáng” của phong trào cách mạng ở xã Liên Minh năm xưa nay mang vẻ đẹp của một làng quê giàu truyền thống văn hóa. Dấu tích của nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vụ Bản là Chùa Ru nay không còn nhưng vẫn còn đó những ký ức hào hùng, với những chiến công vang dội của nhân dân dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng Hào Kiệt. Thôn Trung Nghĩa có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 19 lão thành cách mạng, 38 liệt sĩ. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thôn Trung Nghĩa là một trong những thôn đầu tiên được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” năm 1996 và giữ vững 20 năm liên tục; toàn thôn có 89% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, nhiều gia đình có thu nhập khá, ổn định (chiếm 75% tổng số hộ). Các hộ dân trong thôn luôn ý thức được việc thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, văn minh. Từ mô hình điểm thôn Trung Nghĩa, đến nay, cả 15 thôn, xóm trong xã đều được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt trên 90%; cả 4 trường học, 1 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và đạt tiêu chuẩn “Đơn vị có nếp sống văn hoá”. 

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thời gian tới, Đảng uỷ xã Liên Minh sẽ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng quê hương Liên Minh ngày càng giàu mạnh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com