Tư tưởng quân sự của đồng chí Trường Chinh trong kháng chiến chống Pháp (kỳ 2)

06:04, 24/04/2018

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

(tiếp theo)

    Về các giai đoạn của cuộc kháng chiến lâu dài, đồng chí còn nêu ra các giai đoạn chiến tranh. Đồng chí nêu ra ba giai đoạn là phù hợp để chỉ đạo chiến lược và chiến thuật cho phù hợp với từng giai đoạn: Mọi sự vật vận động đều có bước phát triển của nó, từ thấp đến cao, nhỏ đến lớn, từ xanh đến đỏ, đến chín. Ở đây biện chứng tự nhiên thống nhất với biện chứng xã hội. Có nhận thức được các bước phát triển của sự vật như thế mới chỉ đạo sự vật đi đúng đường hướng, đi đúng quy luật vận động của nó.

    Cuộc kháng chiến của ta lúc đầu ta nhỏ yếu nên không thể tổ chức phòng ngự chiến lược và chiến dịch được. Chỉ có phòng ngự chiến thuật và chiến đấu. Do đó phải tạm thời rút bỏ các thành phố đô thị để bảo toàn lực lượng, chuyển về nông thôn, về các vùng rừng núi để tiếp tục chiến đấu, xây dựng phát triển lực lượng. Ta tiến hành đánh du kích và du kích vận động chiến. Với tinh thần chiến đấu kiên cường và cách đánh du kích và du kích vận động chiến, địch không tiêu diệt ta được. Ta đánh tiêu diệt nhỏ và tiêu hao lớn quân địch. Lực lượng ta ngày càng phát triển.

    Theo phương pháp luận lãnh đạo chiến tranh của Hồ Chủ tịch và của Đảng ta, ta kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Khi ta đã tổ chức được các đơn vị chính quy rồi, các đơn vị lớn rồi thì có thể đánh lớn được, đánh tập trung được. Thế và lực của ta và địch là tương đương nhau.

    Địch tiến công ta. Ta cũng có thể tiến công lại địch, ở giai đoạn này là giai đoạn đối chọi chiến lược giữa ta và địch.

    Đến giai đoạn cuối của chiến tranh, ta đã mạnh hơn địch về tinh thần và lực lượng thì ta có thể phản công và tiến công. Đồng chí Trường Chinh đề ra ba giai đoạn là đúng.

    Phương pháp luận về ba giai đoạn là biện chứng. Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng do Hồ Chủ tịch trình bày cũng nêu ba giai đoạn. Đồng chí Trường Chinh đề ra ba giai đoạn là quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Ta nói biện chứng là theo quy luật vận động của sự vật, của chiến tranh. Lúc đầu yếu thì chưa thể tiến công được. Lực lượng ta đã phát triển, tương đương với địch, thì có phòng ngự, có tiến công.

    Đến khi hơn địch về tinh thần và lực lượng thì có thể tiến công, đặc biệt là hơn địch về tinh thần. Nhưng theo tư tưởng cách mạng thì trong giai đoạn đầu ta vẫn tiến công nhỏ để bảo toàn lực lượng và phát triển lực lượng ta và tiêu hao lực lượng địch, làm suy yếu địch từng bước.

    Lịch sử chiến tranh cũng đã chứng minh, khi ta có lực lượng, có sức mạnh tương đương địch, hoặc ít hơn địch một chút thì ta vẫn có thể phòng ngự được, không sợ địch tiêu diệt, để giữ vững những địa bàn trọng yếu.

    Lý Thường Kiệt đã phòng ngự - phòng ngự chiến lược để giữ vững tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) để bảo vệ Thủ đô Thăng Long. Phòng ngự thành công tạo điều kiện cho sau đó phản công tiêu diệt đạo quân Quách Quỳ giải phóng đất nước khỏi quân xâm lược.

    Phản đối phòng ngự cũng là không nắm được quy luật của chiến tranh. Có lúc không có phòng ngự. Nhưng có lúc có phòng ngự.

    Qua thực tiễn chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã cùng Bộ Chính trị căn cứ vào các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu ra các quan điểm chỉ đạo cuộc chiến tranh thành đường lối, phương châm, nguyên tắc, lý luận. Trong lý luận đó thể hiện tinh thần sáng tạo và quan điểm biện chứng sâu sắc, thể hiện được quy luật của cuộc chiến tranh chính nghĩa: ít địch nhiều, nhỏ đánh lớn. Có thế cuộc kháng chiến mới đi đúng đường hướng và giành được thắng lợi. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận về chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

    Khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam ngày càng được phát triển, sáng tạo và nâng lên một tầm cao mới.

    Học tập, kế thừa những tư tưởng về quan điểm, lý luận của đồng chí Trường Chinh, chúng ta vận dụng trong tình hình mới một cách sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com