Qua những chặng đường (kỳ 4)

07:04, 17/04/2018

Nguyễn Thị Thập

(tiếp theo)

    Tội quá! Ông chép miệng than và lắc đầu. Hồi lâu, không biết nghĩ ngợi gì, bỗng nhiên trở lại nhanh nhẹn hoạt bát, ông cười vui:

    Tao có toa thuốc rượu rắn gia truyền, quý lắm. Từ đời ông cố tao để lại. Người già, có tuổi mỗi tối uống một chung, thì đau xương nhức mỏi tiêu tan, ăn được, ngủ được, bách bệnh tiêu trừ. Trời lạnh cũng thấy trong người ấm... Nhờ toa thuốc đó mà ông bà mình ngày xưa mới dầm sương dãi nắng, khai phá nên mảnh đất này. Để tao ngâm sẵn, khi nào bay có đi thì ghé đây cho tao gởi vài lít biếu Cụ. Gởi cái toa cũng được, mà e ngoài Bắc không đủ các thứ rắn ấy. Phải tới bảy loại khác nhau... Rồi ông chép miệng: "Tao bây giờ chỉ ao ước sống tới ngày thấy nước nhà độc lập và trông thấy Cụ Hồ... Thế nào Cụ cũng vào đây!".

    Dì tôi cười:

    Sao ông biết?

    Bà hỏi mới lạ chưa? Bà con mình ở đâu là Cụ đi tới đó. Trước thăm đồng bào, sau thăm mồ mả tổ tiên. Nghe nói ông thân Cụ ngày xưa cũng là bậc yêu nước tài giỏi lắm, thằng Tây sợ không dám để ở ngoài đó, đầy "ngài" vô đây. Ngài tạ thế bên Sa Đéc, mộ còn tại Cao Lãnh mà!

    Lúc nào rảnh rỗi là dượng Bún lại hỏi thăm tôi về chuyện ngoài Bắc, để đi khoe với các ông bạn già. Tôi ở tại nhà dì dượng được vài ba hôm, thì có cậu Lạc từ Long Hưng bơi xuồng xuống rước. Tất cả cá khô tôi đều bỏ ra, tiền bạc và tài liệu cho vào hai chiếc giỏ xách chung quanh xếp mận, trên xếp trầu cau. Xuồng len lách theo sông rạch, cứ bơi đi giữa ban ngày.

    Gặp anh Ba Tiếp và các đồng chí ở Tỉnh ủy Mỹ Tho, anh em đều rất mừng. Tôi báo cáo lại tình hình của chuyến đi vừa rồi, đặc biệt sự quan tâm của Bác Hồ, Đảng đối với miền Nam thế nào, và những lời dặn dò của Bác, của Trung ương đối với các đồng chí đảng viên. Và tôi nói: "Mình phải có khí thế đấu tranh mạnh để làm áp lực tại Hội nghị Phôngtennơblô. Đó là nhiệm vụ ngay trước mắt mà cũng là giữ vững kháng chiến lâu dài". Các anh nghe vừa phấn khởi vừa xúc động, rơm rớm nước mắt. Rồi các anh kể cho tôi nghe tình hình các xã dọc dài lộ Đông Dương, từ dạo tôi đi.

    Khi Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè bị Tây chiếm rồi, cán bộ ta chạy vào Đồng Tháp Mười, tan tác mỗi người mỗi nơi. Ăn cướp một đêm đánh bốn năm nhà. Cờ bạc nổi như ong. Các đồng chí ta về củng cố lại cơ sở tổ chức bộ đội trừ gian. Đồng bào thấy ta về, mừng lắm. Nhất là anh em nông dân.

    Tây gọi hội tề cũ ra, phát cho mỗi tên năm mét vải để may quần áo mặc đi làm việc. Ta đưa người ra làm. Tề cũ chịu quyền sai khiến của mình, họ nộp lại vải cho mình, mình lấy cho anh em du kích. Anh em rách hết, đâu còn có áo quần gì. Uy tín của Mặt trận lên rất nhanh. Bây giờ thì các ủy ban huyện, xã đã củng cố. Chủ tịch, công an, Việt Minh "bộ ba" phối hợp quyết định các công việc... Cấp tỉnh thì anh Nguyễn Văn Tiếp làm Chủ tịch ủy ban kháng chiến, anh Nguyễn Văn Kỉnh làm ủy viên quân sự, anh Nguyễn Văn Trung làm Trưởng Ty công an, anh Dân Tôn Tử làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh... nói chung các đoàn thể quần chúng đều đã có phân công người phụ trách, đang xúc tiến việc củng cố và phát triển tốt đẹp, mặc dù đi đâu, chỗ nào cũng thấy có đồn bốt địch. Hai hôm sau, Tỉnh ủy cho người bơi xuồng đưa tôi lên Tân Hòa.

    Ở nhà các anh đã chuẩn bị cơ sở, phong trào du kích các nơi đã lên mạnh, hoạt động đều.

    Trong công tác thực hiện Nghị quyết Trung ương, Trung ương đã chỉ định anh Ba (Lê Duẩn) nhưng anh đang còn củng cố lãnh đạo tại miền Trung chưa về, còn các anh Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm... Ở đây đã phân công công tác cả, anh Hoàng Minh Châu thì về miền Đông không xuống họp, vì tình hình rất khó khăn. Tây, Cao Đài, Hòa Hảo đóng khắp nơi nên Thường vụ Xứ ủy phân công tôi lo công tác này ở bảy tỉnh miền Trung Nam Bộ. Đầu tiên, tôi cùng đi với anh Vịnh, có anh em vũ trang chèo tam bản đưa đi.

    Các đồng chí mình ở Mỹ Tho, chị thấy thế nào? Anh Vịnh hỏi tôi.

    Anh em đều rất hăng hái, nhiệt thành, trung thành với Đảng, với Trung ương...

    Chúng tôi xuống họp tất cả anh em Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho.

    "Muốn có sức mạnh đánh Pháp, trước hết phải có sức mạnh trong Đảng. Các đảng viên phải siết chặt hàng ngũ, đoàn kết nội bộ các đảng bộ, phải thương yêu nhau, cùng hợp sức chung lo chống Pháp trở lại...". Đó là nội dung mấy buổi trao đổi, sau khi các đồng chí nghe tôi đọc bức thư của Thường vụ Trung ương gửi vào để quyết nghị thi hành củng cố từ Thường vụ Tỉnh ủy xuống đến các huyện ủy. Các anh nghe bức thư, đều xúc động. Mỗi người nói lại về mình trong tình thế đã qua, từ khi đánh Pháp trở lại, khó khăn thiếu thốn của tỉnh thế nào, Đệ tam sư đoàn khuấy rối trở mặt ra sao... tự mình thấy mình có những ưu khuyết điểm gì trong công tác và đối với anh em đồng chí; nghe thư kêu gọi của Đảng có người càng thấy rõ mình có tội với Đảng với đồng bào, xin tự nguyện chịu khiển trách, kỷ luật của Đảng.

    Lời lẽ kêu gọi tình thương yêu giai cấp, yêu thương đồng chí của anh Trường Chinh, thay mặt Trung ương Đảng nhắc nhở chúng tôi hãy nhớ lại trách nhiệm đảng viên của mình, giữa lúc kẻ thù đang bao vây ta bốn phía, sao mà thiết tha, đầy tình đầy lý, độ lượng bao dung.

    Nói chung ở Mỹ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên, Bến Tre... tôi đã đọc bức thư Trung ương bằng tất cả tấm lòng và tình cảm, và mỗi lần đọc thư xong tôi đều kể lại Trung ương và đồng bào miền Bắc đối với Nam Bộ đang đứng mũi chịu sào trong này như thế nào... Từ những chuyện như sáng nào miền Bắc cũng mặc niệm hướng về Nam, nắm gạo miền Nam anh em hàng buổi để dành... tôi nói tình cảm rất xúc động, anh em đồng chí ngồi nghe đều khóc, đều hối hận, nhận ra khuyết điểm./.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com