Những kỷ niệm không thể nào quên (kỳ 1)

06:04, 25/04/2018

Hà Thị Quế

    Mùa hè năm 1943 tôi ở trong Ban cán sự Liên C gồm ba tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình. Một hôm anh Văn Tiến Dũng đến gặp tôi truyền đạt lệnh điều tôi lên công tác Trung ương. Không biết lên Trung ương sẽ làm công tác gì, song có lệnh điều động, theo nguyên tắc tổ chức, tôi phải thu xếp đi ngay. Tôi bàn giao công tác ở Thái Bình, về qua Ninh Bình, rồi hỏi đường lên Thái Nguyên. Đóng vai một cô gái nghèo khổ, tôi dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát và các con mắt của bọn mật vụ lảng vảng khắp nơi. Đến huyện Phú Bình, tôi bắt được liên lạc, người ta đưa tôi đến nhà anh Cao Nhật, cán bộ cơ sở. Anh Nhật dọn cơm dưới bếp mời tôi ăn. Ăn xong, anh đưa tôi lên nhà trên, bảo lên gặp thượng cấp.

    Nhìn thấy thượng cấp tôi hơi ngạc nhiên. Trước mắt tôi là một trí thức, mặt tròn, da trắng, dáng điệu nho nhã, chắc là con nhà gia thế, thế mà lại đi làm cách mạng, chịu đựng gian khổ, hy sinh. Đồng chí tự giới thiệu tên là Nhân phụ trách khu vực này. Sau khi hỏi chuyện, anh cho biết theo yêu cầu công tác, Trung ương điều tôi lên để cùng một số đồng chí xây dựng An toàn khu II, gồm ba huyện Phú Bình, Hiệp Hòa, Phổ Yên do anh Hoàng Quốc Việt phụ trách. Công việc đòi hỏi các đồng chí phải thông minh, tháo vát, chịu khó, chịu khổ, lao vào quần chúng, giáo dục, giác ngộ quần chúng, để quần chúng ủng hộ, bảo vệ An toàn khu. Dặn dò xong, một đồng chí đến đưa tôi đi đến nhà anh Bính ở khu Sơn Hạ. Hôm sau anh Hoàng Quốc Việt triệu tập tôi đến chùa Mai Sơn. Tại đây chúng tôi họp bầu ban phụ trách An toàn khu II gồm có anh Hoàng Quốc Việt, Vũ Nhất, chị Vỹ và tôi. An toàn khu II có nhiệm vụ: bố trí cơ quan cho Trung ương, Xứ ủy, cơ sở in ấn báo chí, tài liệu, tổ chức mạng lưới giao thông và bố trí các địa điểm hội nghị.

    Sau khi anh Hoàng Văn Thụ bị bắt, An toàn khu II chỉ còn có anh Hoàng Quốc Việt và anh Trường Chinh tức là anh Nhân. Thời gian này anh Trường Chinh thường lui tới động viên, cổ vũ chúng tôi cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Anh bảo: cán bộ là vốn quý của Đảng, nếu cán bộ bị bắt sẽ tổn thất lớn cho Đảng, cho phong trào, nên các đồng chí phải hết sức thận trọng, khôn khéo để bảo toàn bí mật cho Đảng và bảo vệ bản thân. Lúc ghi chép phải hết sức tóm tắt theo ký hiệu a, b, c, và đã đóng vai nào phải ra vai ấy, đừng để sơ hở cho địch phát hiện ra lai lịch của mình. Theo anh, dạo này phong trào lên mạnh, nên địch tăng cường khủng bố, đồng chí nào thoát khỏi bị bắt là đáng ngợi khen, vì đồng chí ấy đã khôn khéo, mưu trí, dũng cảm lọt được mạng lưới quân thù. Riêng tôi nhận xét: anh Trường Chinh rất thận trọng, vì anh phải đi lại nhiều nơi. Không bao giờ anh tới cơ sở vào buổi sáng hay buổi chiều. Anh thường đến vào buổi tối, hay buổi trưa để tránh sự dòm ngó, nghi ngờ. Thấy mặt và chân tay chị Vỹ trắng trẻo quá, làm đồng ruộng không hợp, sợ lộ, tập thể góp ý, chị phải sắm một tay nải, bỏ vào mấy tấm vải, đóng vai tiểu thương đi bán rong. Còn tôi, tôi phải dãi nắng cho da đen sạm để đóng vai một cô gái đi cấy thuê, làm cỏ, gánh phân. Có đôi lần tôi đã bị anh Trường Chinh phê bình. Số là một hôm tôi đi làm đồng về, trời nắng, nóng quá, về đến ngõ tôi trật nón, lấy nón quạt, anh Trường Chinh trông thấy bảo tôi đã sơ hở để lộ mặt, nếu có kẻ nhận diện thì sẽ gay go. Có lần anh nhận xét tôi xắn váy quai cồng không đúng kiểu xắn váy của chị em Phú Bình, chứng tỏ anh quan sát rất tinh. Anh luôn luôn chỉ vẽ, uốn nắn tỉ mỉ từng cách ăn nói, đi đứng cho các đồng chí cùng cộng tác với mình. Bao giờ trong cuộc họp anh cũng phân tích sâu sắc tình hình thế giới, trong nước, giúp các đồng chí nâng cao nhận thức cho sâu sắc và toàn diện hơn. Mỗi lần họp anh đều buộc các đồng chí phải báo cáo tình hình địa phương mình phụ trách, thái độ của các tầng lớp nông dân, tiểu thương, trí thức, thân sĩ, hương lý... để đề ra kế hoạch vận động cho phù hợp.

    Cuối năm 1943, năm hết, Tết đến, anh chị em thoát ly đều băn khoăn. Vì theo phong tục cổ truyền, dù nghèo mấy, tết nhất mọi người đều phải trở về sum họp với gia đình. Song những cán bộ chuyên nghiệp lại chẳng biết về đâu. Thông cảm nỗi băn khoăn của các đồng chí, anh Trường Chinh đề xuất sáng kiến: mấy ngày tết sẽ mở lớp huấn luyện tập hợp các đồng chí không nhà, vừa có nơi ẩn náu trong ba ngày Tết, vừa có chỗ đoàn tụ để trau dồi kiến thức, vừa có dịp trao đổi kinh nghiệm công tác, nên ai cũng hân hoan. Lớp huấn luyện có sáu người. Anh Trường Chinh làm giảng viên. Lớp huấn luyện mở tại nhà một ông bà già không có con. Nhà có ba gian bé nhỏ, nam giới thì trải ổ rơm nằm dưới đất, còn phụ nữ thì trải đệm rạ nằm trên giường. Nhà ông cụ nghèo quá không có gạo đãi khách, anh Trường Chinh phải tháo chiếc đồng hồ - tài sản duy nhất, nhờ một ông giáo cấp I ở xã đem đi bán, để có tiền mua gạo phiên chợ tất niên. Không ngờ sau khi ông cụ mua được bao gạo lớn vác về, giữa đương tên nhà giàu chủ nợ bắt gặp, nó giật lấy bao gạo để xiết nợ, ông cụ mếu máo trở về tay không. Không làm sao được, anh Hoàng Quốc Việt phải cởi cái áo the anh đang mặc và lột chiếc khăn xếp anh đang đội trên đầu đem bán, để cung cấp lương thực cho lớp huấn luyện sẽ khai mạc vào tối ba mươi. Mọi người trù tính số gạo ấy, phải ăn mỗi ngày một bữa cơm, một bữa cháo mới đủ đến hết ngày mùng bốn bế mạc lớp huấn luyện rồi mỗi người đi một nơi. Trong mấy ngày Tết, bà cụ chủ cứ sáng sáng lại ra đồng hái về một rổ rau lang đầy, luộc chấm muối cho mọi người đỡ đói lòng.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com