Qua những chặng đường (kỳ 3)

06:04, 12/04/2018

Nguyễn Thị Thập

 

(tiếp theo)

    Bấy giờ đã là tháng tám, đang giữa mùa mưa. Trận mưa đêm qua còn đọng nhiều vũng nước hai bên đường. Bầu trời quang quẻ, nắng vàng nhảy múa lao xao trên những vườn dừa, vườn chuối, trên những cánh đồng lúa xanh gió thổi rập rờn như sóng, vẫn là hình ảnh quen thuộc của quê hương tôi đó. Nhưng tôi nghe tim mình cứ nhoi nhói. Tất cả những vùng đông dân cư, trù phú nhất của Nam Bộ hầu như giặc đã chiếm cả rồi. Xa xa một cái đồn, lô cốt giặc nhan nhản dọc đường. Chợ Gạo, ngã ba Ông Văn, xóm sở Thùng... lính ngụy mặc quần soọc, đội mũ calô đen đeo súng đi nghễu nghện. Xe đã đến đầu lộ hàng me, sắp vào Mỹ Tho rồi. Vào thị xã, tôi sợ có thể gặp người quen, bị lộ. Tôi bảo xe dừng lại Chợ Cũ, chỗ đầu ngã tư. Tại đây, lui về Tân Thuận Bình, đi tới qua cầu quay ra ga xe lửa, rẽ trái thì xuống Bến Tắm, ngược qua sông Cái, lên cù lao Rồng, rẽ phải, vào Gò Cát, Bến Tranh. Địch dù có phát hiện ra chúng tôi xuống đây, cũng khó lần theo tôi đi về hướng nào. Chợ sáng đang nhóm, xe ngựa, xe lôi, lính tráng người lui tới, qua lại chỗ ngã tư cạnh chợ rất đông. Tôi bảo Hồng Châu thuê một chiếc xe ngựa vào Bến Tranh. Quang cảnh vẫn như năm sáu năm về trước, chỉ khác là có vài chiếc xe nhà binh chở lính Pháp, lính ngụy thỉnh thoảng vượt qua chúng tôi, chạy vào Bến Tranh, hò hét vỗ vào hông xe ầm ầm để trêu chọc đàn bà con gái đi chợ về. Còn cách Bến Tranh vài cây số, tôi bảo xe ngựa dừng lại. Vùng Lương Hòa Lạc, tôi đã lánh xuống đây ở gần một năm sau Khởi nghĩa Nam Kỳ bị đàn áp, quen biết cũng nhiều người. Không biết bây giờ họ ra sao? Ai tốt, ai xấu, ai phản động theo giặc? Không biết mình sẽ đối phó thế nào đây?

    Nhà dì Mười Một tôi vẫn còn đó, như ngày xưa, có điều là những cây xabôchê phía sau vườn đã vượt cao quá nóc nhà rồi. Tôi bảo Hồng Châu ngồi trên xe giữ hai "bao hàng" để tôi vào trước xem thử. Dì tôi đứng chỗ cửa - trời sắp đứng bóng - bà đưa tay lên che ánh nắng quáng lòa nhìn tôi từ sân bước vào, vẫn chưa kịp nhận ra tôi.

    Dì Một quên cháu rồi hả? Tôi đánh tiếng và dỡ nón xuống cho dì thấy mặt.

    Ôi trời! Mười! Sao bây giờ con lại lạc xuống đây? Tôi khoát tay ra hiệu bảo bà đừng nói to, rồi cầm lấy tay bà bảo khẽ:

    Cháu ở xa về. Còn một cô bạn ngồi ngoài xe ngựa, có hai bao đồ...

    Cả nhà như đoán biết đó là hai bao gì. Dì tôi, dượng tôi và anh em trong nhà chạy vội ra xe khiêng ngay hai bao càròn vào cất trong buồng và mời Hồng Châu cùng vào. Ai cũng mừng rối rít. Dì tôi cứ vuốt vuốt tay tôi, chép miệng:

    Cháu dạo này ốm quá, đen quá!

    Dượng Bún hơi ngượng, ông cười cười:

    Vậy mà hồi đó bay không nói thiệt. Làm tao cứ tưởng...

    Hương quan hồi trước, còn ở đây không dượng?

    Nó tản đi mất rồi!

    Dì tôi cứ nhìn tôi, mỉm cười.

    Xóm cũ ngày đó, giờ đã khác xưa. Từ khi giặc Pháp chiếm lại, một số người già tản cư, thanh niên lớp theo Vệ quốc đoàn, lớp theo du kích, bọn hội tề thì ra ở ngoài chợ Bến Tranh. Bà con không còn nhậu nhẹt, không còn cờ bạc như ngày trước.

    Dì, dượng tôi đều đã gần bảy mươi tuổi, vẫn ở đấy với các ông bà già cố cựu. Du kích ta cũng thường lui tới trong xóm. Tôi không sợ như ngày trước nữa.

    Cháu đi họp Quốc hội ngoài Bắc về đây! Làm thế nào liên lạc được với các anh ở Long Hưng? Tôi thú thật và hỏi ý kiến dì, dượng tôi.

    Dễ ợt, để sai thằng Lục rể tao nó đi cho! Dượng Bún mặt mày rạng rỡ: "Làm thế nào, bay ra ngoài rồi trở về được? Đi bằng gì?".

    Đi bộ, đi ghe... Quyết lòng đi thì đâu mà đi chẳng tới!

    Tây nó đóng bốt cùng hết mà?

    Vậy chớ đây không có bốt, không có Tây sao? Mà cháu vẫn tới đây, vẫn ở đây được?

    Giỏi quá! Bà ơi, con Mười nó giỏi quá! Bay cho dượng hỏi thiệt cái này chút. Nghe tụi làng nó nói: Cụ Hồ Chí Minh không phải thiệt tên, tên Cụ là Nguyễn Ái Quốc, một nhà đại cách mạng, cộng sản một trăm phần trăm. Đúng không?

    Đúng. Dượng sợ cộng sản à?

    Tao mà sợ? Dượng Bún cười lớn: Chỉ có Tây, có tụi làng, tụi chủ điền như Hương Quan Liêm mới sợ. Sợ cộng sản sao tao dám chứa du kích? Nuôi cơm anh em đằng mình? Sao bây giờ tao cứ ở đây? Cộng sản lãnh đạo đánh Tây, giành độc lập cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người mà!

    Dượng Bún ngồi hút thuốc, mặt đăm chiêu, bỗng quay lại hỏi tôi:

    Nghe nói ngoài Bắc lạnh lắm, phải không Mười?

    Dạ lạnh lắm. Năm ngoái cháu cũng có ra ngoài đó một lần rồi. Mới mùa thu, mà ban đêm cháu đã lạnh run...

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com