Qua những chặng đường (kỳ 2)

06:04, 10/04/2018

Nguyễn Thị Thập

(tiếp theo)

    Khi chúng tôi từ Hà Nội về, có lệnh Trung ương cho Nam Bộ nửa triệu đồng, số tiền này được chuyển từ ủy ban kháng chiến Nam phần. Tôi vào Uỷ ban tỉnh đóng trong thành cổ Quảng Ngãi để xin đổi một số tiền lẻ. Chủ tịch Uỷ ban tỉnh là đồng chí Võ Tùng, khoảng hơn 50 tuổi, người mảnh khảnh mặc âu phục niềm nở tiếp tôi:

    Chào đồng chí, đồng chí vô gặp tôi có việc gì?

    Tôi nói:

    Chúng tôi từ trong Nam ra Bắc họp Quốc hội... trở về đến đây thì tắc đường. Tôi đến gặp đồng chí, xin đổi một số tiền lẻ phòng khi cần đến để giải quyết những trường hợp khó khăn...

    Đổi xong, đồng chí nói giọng xúc động:

    Nghe điện gọi, tôi tưởng các huyện, địa phương trong tỉnh đề nghị đổi tiền. Không ngờ là các đồng chí... Đi như thế này, có khi tới, có khi hy sinh giữa đường! Việc này đáng lẽ nam giới chúng tôi làm. Nhưng chị đã ra đây, Đảng phân công thì cũng đã cân nhắc và tin chị hoàn thành nhiệm vụ, mới giao cho chị trách nhiệm khó khăn thế này. Xin chúc chị và anh em lên đường may mắn!

    Đường biển từ Vũng Tàu ra Tuy Hòa, Quảng Ngãi đã bị giặc Pháp kiểm soát. Chúng đóng bốt ở các cửa sông trên mỏm núi, thường xuyên có tàu tuần ven chạy dọc bờ biển và thỉnh thoảng còn có máy bay trinh sát bay tuần tra. Vì thế thuyền chúng tôi phải đi ngoài xa, cách bờ ít nhất là 10km.

    Mấy tháng trước, tôi xuống thuyền ra Bắc từ Mũi Né. Giờ Mũi Né giặc đã chiếm rồi. Súng giặc từ Mũi Né bắn ra dữ dội, nhưng ông lái thuyền bảo: "Mặc cha nó để nó bắn cho tốn đạn. Ta cứ đi, dại gì ghé vào cho nó bắt!". Rồi ông cho thuyền hướng ra khơi.

    Nhiều lúc sóng to, gió to, giữa biển mênh mông thuyền chẳng khác nào một chiếc vỏ trứng mong manh trồi lên, hụp xuống. Anh em bị say sóng, bị nôn... ngày thì nắng nóng như hun, đêm gió lạnh phát run nhưng dẫu sao thì cũng còn có chỗ nằm ngồi thoải mái hơn trên chiếc thuyền quá ư bé bỏng của lần đi ra bận trước. Mười tám ngày đêm ròng rã, vật lộn với sóng gió, chúng tôi mới về đến cửa Vàm Láng của tỉnh Gò Công.

    Trời chưa sáng, nhưng đã trông thấy bốt gác chồm chỗm hiện ra lờ mờ trong sương mù và khói sóng, nhấp nháy ánh đèn dọc dài theo bến. Đây là một trạm gác biển, nhưng địch cũng sợ ta bất thần từ biển ập vào cướp trạm. Chúng thấy thuyền rẽ vào, bắn đùng một phát súng chỉ thiên. Ông chủ thuyền lập tức hạ buồm, đốt hai cây đèn chai giơ lên. Biết là thuyền buôn, thuyền của dân làm ăn, chúng cho thuyền cặp bến. Tôi lấy ra 300 đồng trao cho ông chủ ghe. Ông chủ ghe nhảy lên bờ cầm "patăng" (sách ghe đã đóng thuế, chứng nhận quyền sở hữu) bước vào trình, trong có kẹp 300 đồng tôi vừa đưa. Chúng nó giở "patăng" lấy ngay tiền đút túi, liếc qua loa vài dòng rồi cho tất cả người dưới thuyền lên bờ, không xét hỏi gì.

    Ông lái thuyền và chủ thuyền kín đáo cười chào tạm biệt. Chúng tôi lên bờ, mặc ai nấy đi, coi như không biết gì nhau. Như đã bàn trước, anh Hoàng Minh Châu và anh Nguyễn Văn Huệ sẽ về Chợ Lớn - Sài Gòn, tôi sẽ về Mỹ Tho. Tiền dự phòng bất trắc để lo lót cho lính, cho mật thám ngụy thì đã chia ra, mỗi người giữ riêng trong mình. Còn số tiền nửa triệu Trung ương cho thì cũng đã chia đôi, một phần của Khu VIII và miền Tây tôi giữ, một phần cho miền Đông thì anh Huệ giữ mang về miền Đông.

    Tôi và Hồng Châu thuê xe ngựa về thị xã Gò Công, chở theo hai ba càròn "hàng hóa" của mình. Hai chiếc bao xông ra sặc mùi cá khô. Thị xã Gò Công giặc chiếm cùng một lúc với Mỹ Tho. Lính Âu Phi đội calô đỏ, đội nón vải rộng vành đi đầy đường. Để tránh mắt bọn mật thám và đồn bốt, tôi bảo anh đánh xe ngựa chạy thẳng ra bến ôtô chứ không ghé vào chợ. Đến bến ôtô vào lúc 7 giờ sáng, hành khách tấp nập. Một chiếc xe chạy đường Gò Công - Mỹ Tho đang rồ máy. Các anh lơ xe đường Cần Giuộc, Chợ Lớn, Mỹ Tho chạy tới chạy lui, tranh khách. Xe ngựa của chúng tôi vừa đỗ, hai ba anh lơ xe chạy tới săn đón:

    Thưa bà, thưa cô! Bà với cô về đâu?

    Mỹ Tho!

    Vậy thì mời bà, mời cô lên xe tôi. Xe tôi chạy liền, chạy thẳng một mạch - Xe máy mới, chạy không thấy cây mà!

    Họ trèo lên xe ngựa kéo càròn xuống. Sợ bị lộ, tôi bảo họ phải nhẹ tay cẩn thận, rồi chúng tôi tự chuyển hai "bao hàng" lên mui xe cho họ đỡ, và dặn họ lấy dây buộc thật kỹ, thật chặt kẻo đổ hết cá khô ngon của chúng tôi.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com