Đồng chí Trường Chinh - Một lãnh tụ mẫu mực, một tấm gương trong sáng (Kỳ 1)

05:08, 22/08/2017

[links()]

Đại tướng NGUYỄN QUYẾT
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước

    Đồng chí Trường Chinh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ lãnh đạo có công lớn đối với cách mạng Việt Nam.

    Từ năm 1941, khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn quyết liệt, thực dân Pháp câu kết với phát xít Nhật tiến hành khủng bố trắng, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng nước ta. Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tám đề ra đường lối giải phóng dân tộc, chuẩn bị lực lượng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

    Sau hội nghị, đồng chí đã cùng Trung ương tiến hành củng cố, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng, xây dựng cơ sở, tổ chức Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, xây dựng An toàn khu sát nách thủ đô Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo phong trào.

    Cũng trong năm 1941, trước tình hình địch khủng bố gắt gao, hầu hết cơ sở bị tan vỡ, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt bớ, tù đày, một số đồng chí hoang mang dao động, đồng chí đã nhận định và ra chỉ thị vạch rõ: "Địch khủng bố nhưng không phải do địch mạnh mà là do sai lầm của ta". Từ đó, Đảng tiến hành thanh lọc phần tử xấu, đưa đảng viên bám dân, bám cơ sở, nghiêm túc chấp hành nguyên tắc hoạt động bí mật của Đảng. Chỉ thị thực sự có tác dụng làm cho Đảng dần dần được trong sạch và phát triển làm nòng cốt lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân.

    Từ giữa năm 1943, khi Hồng quân Liên Xô chuyển sang giai đoạn phản công phát xít Đức, nhận định tình hình mâu thuẫn tất yếu giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Đông Dương, ngày 9-3-1945, đồng chí Trường Chinh đã triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng ở Đình Bảng (Bắc Ninh) ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Đây là một chỉ thị lịch sử vô cùng quan trọng, trên cơ sở nhận định tình hình một cách sắc sảo, chỉ ra các phương hướng và hình thức cụ thể phát động quần chúng đẩy mạnh cao trào, chuẩn bị điều kiện, dự kiến thời cơ quyết định khởi nghĩa rất chính xác làm kim chỉ nam cho toàn Đảng lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

    Chấp hành các chỉ thị trên, Hà Nội đã tranh thủ củng cố, phát triển thực lực cả chính trị, vũ trang, tập dượt quần chúng từ nhỏ đến lớn mà đỉnh cao là đã biến cuộc mít tinh chiều ngày 17-8 tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố của Tổng hội công chức ngụy quyền thành cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành của ta. Cuộc biểu dương lực lượng rất hăng say, quyết liệt đó đã nói lên nguyện vọng thiết tha của quần chúng Hà Nội đòi khởi nghĩa giành chính quyền.

    Trước tình hình cấp bách trên thế giới, trước sự hoang mang, dao động đến cực độ của quân Nhật và bè lũ tay sai cũng như trước khí thế và nguyện vọng nóng bỏng của quần chúng, mặc dù chưa nhận được quyết định khởi nghĩa của Trung ương, nhưng căn cứ vào Chỉ thị ngày 12-3-1945 và quyết định chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ ủy, ngay tối ngày 17-8, Thành ủy Hà Nội họp mở rộng quyết định lãnh đạo nhân dân toàn thành phố nổi dậy giành chính quyền bằng phương thức dùng bạo lực chính trị vào ngày 19-8-1945.

    Tuy có sự gay cấn khi ta chiếm được trại bảo an binh thì quân Nhật mang xe tăng đến bao vây định chiếm lại, nhưng ta vẫn kiên quyết dùng lực lượng quần chúng bao vây, uy hiếp tiến công địch kết hợp với thuyết phục quân Nhật giữ thái độ trung lập, không can thiệp vào nội bộ của ta. Cuối cùng quân Nhật buộc phải rút lui về doanh trại. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã thắng lợi trọn vẹn đúng theo kế hoạch đã định.

    Ngày 21-8-1945, đồng chí Trường Chinh và Thường vụ Trung ương Đảng từ Tân Trào về đến Hà Nội. Sau khi rút kinh nghiệm với Thành ủy Hà Nội về công việc khởi nghĩa, đồng chí Trường Chinh nói trước đây Trung ương định dùng quân sự tiến công Nhật, nhưng qua thắng lợi của Hà Nội, đã mở cho Trung ương một phương thức mới. Đồng chí đã chỉ thị gấp cho các nơi làm theo Hà Nội và khẳng định đó là kinh nghiệm sáng tạo phù hợp với tình hình mới.

    Đây là tinh thần nhạy bén, thái độ dân chủ đúng đắn, biết phát huy sự sáng tạo của địa phương trong tình hình tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi, xác định phương thức dùng bạo lực của quần chúng nổi dậy giành chính quyền đã được thực tế chứng minh là phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn.

    Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ trong cả nước. Đây là thắng lợi vĩ đại, thắng lợi lịch sử không chỉ của nước ta mà của cả phong trào giải phóng dân tộc và nhân dân lao động toàn thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Thắng lợi đó đã thể hiện việc Đảng ta đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thời kỳ quá độ ở một nước thuộc địa, mở đầu từ cách mạng giải phóng dân tộc rồi tiến lên giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội với phương châm "đem sức ta mà giải phóng cho ta".

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com