Đồng chí Trường Chinh với Nam Bộ, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh (Kỳ 3)

06:08, 17/08/2017

[links()]

Nguyễn Minh Triết
Nguyên Chủ tịch nước

(Tiếp theo)

    Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Trường Chinh đã nhiều lần vào thăm, làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Đồng chí đã đặt chân đến tận vùng đất Mũi - nơi đã từng đặt bản doanh các cơ quan lãnh đạo đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Đồng chí đã tới thăm tỉnh Bến Tre - quê hương của cao trào Đồng Khởi nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    Đồng chí đã đến thăm vùng đất Tiền Giang - một trong những chiếc nôi của cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa tháng 11-1940. Đồng chí đã tới thăm công trình thuỷ điện Trị An nằm giữa lòng chiến khu Đ của miền Đông gian khổ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ.

Cố TBT Trường Chinh đi thăm tình hình sản xuất của bà con ở An Giang, mùa xuân 1985.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đi thăm tình hình sản xuất của bà con ở An Giang, mùa xuân 1985.

  Vào mùa xuân năm 1978, đồng chí Trường Chinh đã ra thăm Côn Đảo - nơi xưa kia đã từng được mệnh danh là chốn "địa ngục trần gian", suốt trong hơn nửa thế kỷ bọn thực dân Pháp đã giam cầm, đọa đày và giết hại hàng vạn người Việt Nam yêu nước, các chiến sĩ cách mạng và biết bao đảng viên cộng sản ưu tú. Đặc biệt, trong những năm 1978 và 1981, đồng chí Trường Chinh đã hai lần đến thăm Hóc Môn - Bà Điểm "vùng vành đai đỏ" nổi tiếng nằm ở ven đô Thành phố Hồ Chí Minh, nơi hơn nửa thế kỷ trước đây Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ uỷ Nam Kỳ đã từng thiết lập căn cứ địa cách mạng, nơi đã nhiều lần diễn ra các cuộc Hội nghị quan trọng của Trung ương (khoá I) từ tháng 3-1937 đến tháng 11-1939; nơi đồng bào yêu nước đã hết lòng nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc cơ quan lãnh đạo đầu não của Đảng ta và là nơi kẻ thù đã giết hại dã man hai đồng chí Tổng Bí thư lỗi lạc Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập và nhiều cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng tại trường bắn Ngã Ba Giòng.

    Từ năm 1979 đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng, trước những khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi Đảng ta phải có cách nhìn mới, thử nghiệm nhiều chính sách mới, đồng thời bổ sung nhiều vấn đề lý luận đã được vận dụng trong công tác tổ chức thực tiễn. Chính vì vậy, trong thời kỳ này, tuy tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí Trường Chinh đã vào thăm và làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nhiều hơn trước - nhất là từ khi Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tích cực thực hiện chủ trương "bung ra" để phát huy quyền làm chủ trong sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ tài chính của xí nghiệp; tìm được những mô hình "tháo gỡ” sản xuất để dần dần thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế theo kiểu hành chính - quan liêu - bao cấp.

    Chỉ tính riêng trong hai năm 1982, 1985, đồng chí Trường Chinh từng nhiều lần đến thăm hàng chục nhà máy, xí nghiệp, công ty, cửa hàng, hội chợ, những đơn vị làm công tác quản lý và kinh doanh của ngành thương nghiệp, các tập đoàn chuyên canh rau quả, các hợp tác xã cơ khí, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, V.V., trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài phát biểu quan trọng với cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22 - 01 - 1985, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: "Trong những ngày vừa qua, tôi đã nghe Ban Thường vụ Thành uỷ báo cáo tình hình Thành phố, đã đi thăm một số cơ sở ở nội ngoại thành. Qua những buổi đi thăm và làm việc đó, tôi thấy rõ Đảng bộ Thành phố đã tạo ra được phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng, nâng cao được ý chí phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố, ra sức khắc phục khó khăn, lập được nhiều thành tích xuất sắc... Trong những năm qua, nhất là trong mấy năm gần đây, đã nổi lên nhiều điển hình tiên tiến trong hầu khắp các lĩnh vực và địa bàn, đặc biệt là trong khu vực sản xuất và phân phối, lưu thông, với cách nhìn làm ăn lớn, năng động, sáng tạo, phấn đấu tăng năng suất và hiệu quả ngày càng cao".

    Chính sự cổ vũ, khích lệ và tư tưởng chỉ đạo quý báu của đồng chí Trường Chinh đã góp phần quan trọng tạo nên xung lực mạnh mẽ giúp Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vững vàng tiến bước trên con đường đổi mới, cải cách và làm sống động nền kinh tế.

    Đánh giá kết quả những chuyến đi thăm Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, đồng chí Trường Chinh viết: "Việc đi thăm Thành phố... cũng như những chuyến đi thăm các địa phương khác trong thời gian qua đã giúp tôi hiểu rõ thêm tình hình thực tế của đất nước, từ đó mà suy nghĩ về một số vấn đề chung có ích cho việc đóng góp vào sự lãnh đạo của Trung ương". Thực tiễn đã hoàn toàn xác minh điều đó. Sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng bức xúc của nhân dân, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới của Đảng ta. Câu nói nổi tiếng của đồng chí Trường Chinh: "Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn" sẽ còn vang vọng mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào.

    Trong dịp kỷ niệm lần thứ mười ngày giải phóng Sài Gòn (30-4-1985), Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh rất vinh dự và tự hào được đồng chí Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng trao tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thành phố Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước ta.

    Có lẽ, đồng chí Trường Chinh chính thức vào thăm Thành phố Hồ Chí Minh lần cuối cùng vào dịp mừng Xuân Đinh Mão (1-1987). Giữa những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đồng chí đã vui mừng dự nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với đông đảo cán bộ cách mạng lão thành và nhiều đại biểu của các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới. Mùa thu năm sau, giữa lúc nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bào Nam Bộ tiến hành kỷ niệm 43 năm những ngày mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, đồng chí Trường Chinh đã từ biệt non sông đất nước để đi vào cõi vĩnh hằng.

**

    Kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của đồng chí Trường Chinh là một dịp để Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhau ôn lại và học tập tấm gương cao đẹp trong cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng vẻ vang cũng như tư tưởng, đạo đức và phẩm chất trong sáng của đồng chí. Tên tuổi đồng chí Trường Chinh gắn bó mật thiết với công cuộc đổi mới của cách mạng nước ta và của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam mãi mãi thương yêu và quý trọng đồng chí Trường Chinh và đã gọi đồng chí bằng cái tên thân thiết: "Anh Năm mới".



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com