Đồng chí Trường Chinh (anh Năm) - Nhà hoạt động cách mạng lớn của Việt Nam (Kỳ 3)

06:08, 08/08/2017

[links()]

Đại tướng CHU HUY MÂN

 (Tiếp theo)

    Sau chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng đến Đại hội Đảng IV, tôi có dịp được làm việc với đồng chí Trường Chinh trong Bộ Chính trị và sau Đại hội Đảng V tôi lại có thêm nhiệm vụ trong Hội đồng Nhà nước dưới sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Trường Chinh. Sau mùa xuân 1975 đại thắng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đất nước ta bước vào thời kỳ mới - quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước và đấu tranh bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; buộc phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra ở biên giới phía Tây Nam và một số tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Một cuộc chiến tranh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta buộc phải chấp nhận. Vận mệnh của Tổ quốc, ý nguyện chân chính của dân tộc ta không cho phép thoái thác. Quân dân ta vừa làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa làm nhiệm vụ quốc tế cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Chiến tranh kết thúc nhanh, nhưng theo yêu cầu của chính quyền và nhân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam phải ở lại thêm nhiều năm mới rút về nước. Đế quốc Mỹ thực hiện chính sách bao vây cấm vận, cô lập nước ta hòng thực hiện ý đồ hậu chiến của chúng. Tiếp đến, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới tạm lâm vào thế thoái trào. Bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý kinh tế, văn hóa của Đảng, Nhà nước lại quan liêu, cơ chế bao cấp kéo dài, nên đời sống nhân dân thực sự khó khăn. Do những điều kiện nói trên, đất nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội. Đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư. Sau một thời gian suy nghĩ, tìm tòi, cân nhắc trước sau của cả dân tộc và thời đại, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Một sản phẩm xuất phát từ trí tuệ cao của một đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã chuyển thành ý chí, sức mạnh tập thể, thành sức mạnh của toàn dân, được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng thông qua. Đột phá và sáng tạo, bước ngoặt to lớn này đã từng bước đi vào cuộc sống của toàn dân và xã hội nước ta. Đề xuất có ý nghĩa này của đồng chí Trường Chinh không phải là ngẫu nhiên mà chính là biểu hiện của độ dày từng trải, được tích lũy gần suốt cuộc đời. Thời gian tôi trực tiếp làm việc với đồng chí Trường Chinh không dài lắm. Để tỏ lòng chân thành và trân trọng những điều tốt đẹp mà đồng chí đã để lại sâu trong ký ức của tôi, tôi xin có một số ý kiến sau:

    Trong mọi tình huống, bối cảnh phức tạp, đồng chí Trường Chinh rất tỉnh táo và kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội, hữu khuynh, xét lại dưới mọi màu sắc, phân biệt rõ ràng giữa đoàn kết và thỏa hiệp.

    Trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, đồng chí Trường Chinh bao giờ cũng xuất phát từ cốt cách, bản sắc, truyền thống được hun đúc qua chiều dài lịch sử của dân tộc và từ đó chọn lọc tiếp thu những thành quả lao động sáng tạo của loài người, của các dân tộc và thời đại. Đồng chí luôn tôn trọng mọi thành tựu văn hóa tốt đẹp, tiên tiến của nhân dân các dân tộc, qua đó góp phần xây đắp cho nền văn hóa của dân tộc mình, về đối ngoại, đồng chí chủ trương quan hệ giao lưu rộng rãi với các nước. Đồng chí cho rằng: Việt Nam hoàn toàn có khả năng thuyết phục bạn bè thân, sơ khác nhau, đồng thời tỉnh táo loại trừ chính sách "đồng hóa", cường quyền của nước lớn. "Trong thơ có thép", tâm hồn thanh thản, đồng chí lao động chiến đấu vì nước, vì dân. Mọi thứ lai căng, bắt chước người ta như con vẹt là điều đồng chí căm ghét. Phát huy cao bản sắc và truyền thống, tiếp tục xây dựng nền văn hóa, văn minh sáng đẹp là tư tưởng lớn của đồng chí Trường Chinh.

    Đồng chí luôn coi đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước, trước hết là bộ phận cấp cao chiến lược, đóng vai trò quyết định. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đào tạo, sử dụng, đoàn kết, giữ gìn và đãi ngộ cán bộ ở đồng chí Trường Chinh đã trở thành một hệ thống quan điểm then chốt trong sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chiến thắng trong mọi tình huống, kể cả trong những tình huống gay go phức tạp nhất. Đặc biệt, dù bận trăm công nghìn việc, đồng chí Trường Chinh hết sức quan tâm vấn đề xây dựng cơ sở Đảng và đào tạo đội ngũ cán bộ. Đồng thời thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện phẩm chất, đạo đức và lối sống theo tiêu chuẩn một Đảng viên cộng sản.

    "Lấy dân làm gốc" là quan điểm cơ bản của Đảng, đồng chí Trường Chinh thường nhắc nhở và đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần, phải biến thành hành động trong thực tiễn để không ngừng củng cố quan hệ máu thịt giữa Đảng vói nhân dân, thực hiện "ý Đảng lòng dân là một". Cán bộ, Đảng viên phải tự mình chống thói xấu, "nói không làm, nói nhiều làm ít", coi thường nhân dân.

    Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tư tưởng, quan điểm của đồng chí Trường Chinh là thấm nhuần nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng bất di, bất dịch. Giác ngộ sâu sắc, kiên trì lý tưởng đó, đồng chí đã vận dụng sáng tạo, khôn khéo hơn người. Không khuất phục đế quốc cường quyền, không thấy người sang bắt quàng làm họ, đồng chí thường quan niệm: mỗi dân tộc dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; mỗi dân tộc đều có tinh thần tự trọng, có nền văn hóa với bản sắc riêng; mình phải tự trọng mình trước mới không bị người khác xem thường trong quan hệ bang giao. Trong những buổi tiếp khách chung, những chuyến đi thăm nước bạn, tôi thấy ở đồng chí Trường Chinh tính nguyên tắc cao, lịch thiệp, có nhiều khả năng thuyết phục. Sau mỗi buổi tiếp khách nước ngoài hay đi thăm nước bạn về đồng chí rất quan tâm tổng kết rút kinh nghiệm để bồi dưỡng cán bộ. Đồng chí luôn quan niệm bạn đón tiếp nồng hậu, chân thành chúng ta chính là thái độ dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân ta. Khi bạn coi trọng và đề cao Việt Nam, chúng ta càng phải khiêm tốn và thận trọng.

    Sau khi nhận yêu cầu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia viết bài cho cuốn hồi ký về đồng chí Trường Chinh, trong ký ức tôi dạt dào những kỷ niệm đẹp, tình cảm chân thành mà đồng chí đã để lại. Với khuôn khổ một bài báo, với sự hiểu biết có hạn đối với một đồng chí lãnh đạo cấp trên, tôi chỉ đề cập một số nét mà tự mình thấy có ý nghĩa. Tấm gương suốt đời chiến đấu vô tư, cống hiến không mệt mỏi của đồng chí Trường Chinh - một chiến sĩ cộng sản, một nhà hoạt động cách mạng lớn của đất nước - phải được các thế hệ kế thừa, có quyền tự hào noi theo và học hỏi. Đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao chiến lược đương thời của Đảng, Nhà nước ta nên khiêm tốn chân thành học tập những điều bổ ích của các đồng chí tiền bối. Chúng ta cần học hỏi, cần suốt đời vì tiền đồ cao đẹp của Đảng ta, dân tộc ta./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com