Lưu Chí Hiếu - Nhà cách mạng kiên trung

09:04, 29/04/2016

Trong chuyến công tác tại huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đầu năm 2016 vừa qua, tôi có dịp được ghé thăm và đến thắp hương tại Nghĩa trang Hàng Dương, tham quan Nhà tù Côn Đảo, nghe giới thiệu về những người tù cách mạng đã anh dũng, kiên cường, một lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc, bất chấp mọi đòn roi tra tấn dã man của địch. Trong số đó, có đồng chí Lưu Chí Hiếu, một người con sinh ra từ làng Hương Cát, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) với câu nói nổi tiếng “Ly khai là làm sai tiếng nói của lịch sử đấu tranh anh dũng của Đảng, tôi cương quyết ở lại quyết tử”.

Người cộng sản kiên trung bất khuất

hà lưu niệm đồng chí Lưu Chí Hiếu tại tổ dân phố Bắc Hòa, làng Hương Cát, Thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh
Nhà lưu niệm đồng chí Lưu Chí Hiếu tại tổ dân phố Bắc Hòa, làng Hương Cát, Thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh.

Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu sinh năm 1913 tại làng Hương Cát, xã Trực Thành (nay là Thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh). Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ Lưu Chí Hiếu được người chú nuôi dưỡng, cho đi học tại trường làng, được thầy giáo truyền cho tinh thần yêu nước. Do giác ngộ tinh thần cách mạng nên Lưu Chí Hiếu sớm được gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội của huyện và được giao nhiệm vụ liên lạc, in tài liệu, rải truyền đơn. Sau một thời gian gián đoạn, cuối năm 1934, Lưu Chí Hiếu tìm cách liên lạc với cách mạng để thành lập tổ chức “Thanh niên dân chủ” đưa phong trào đấu tranh của nhân dân làng Hương Cát đi lên. Sau đó ông rời quê hương vào Sài Gòn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942. Tháng 5-1945, đồng chí tham gia phong trào Thanh niên tiền phong, tháng 8-1945 tham gia chính quyền Sài Gòn Gia Định và được tuyển vào Ban công tác 4 vào tháng 4-1946, sau đó sát nhập Tiểu đoàn Quyết tử 950 vào tháng 12-1951. Tháng 7-1954, Lưu Chí Hiếu được điều về Ban công vận Quận ủy. Ngày 6-7-1955, đồng chí bị địch bắt, sau đó đày ra Côn Đảo. Ngay từ những ngày đầu bị bắt, mặc dù kẻ thù tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì. Ra đến Côn Đảo, đồng chí đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ kiên trung, chống lại mọi thủ đoạn cưỡng bức của kẻ thù. Bị đày ải và tra tấn rất dã man nhưng đồng chí luôn sát cánh với những chiến sĩ kiên trung đã đấu tranh kiên cường, liên tục trong suốt 4 năm liền (1957-1961). Càng bị địch tra tấn, hành hạ, đồng chí càng tỏa sáng phẩm chất cao quý của người cộng sản. Khi lực lượng chống ly khai chỉ còn lại 7 người, bị địch giam giữ ở chuồng Cọp đã xuất hiện tư tưởng thỏa hiệp, muốn “nhượng bộ một phần để cứu mạng sống”. Trước tình hình đó, đồng chí Lưu Chí Hiếu đã giữ vững lập trường: “Các anh bàn gì thì bàn, nhưng đừng bàn chuyện ly khai Đảng, đừng quyết định cho tôi ly khai, tôi không đi đâu”. Đồng chí nói với mọi người: “Đảng dạy chúng ta chiến đấu chứ không dạy chúng ta đầu hàng. Dẫu chúng ta có hy sinh đến người cuối cùng thì thời gian và lịch sử sẽ báo cáo lại với Đảng, với Bác. Không thể ly khai được. Ly khai là làm sai tiếng nói của lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta. Ly khai là cướp không xương máu của những người đã hy sinh”. Trong bản cam kết, ông đã viết: “Tôi là Lưu Chí Hiếu, không ly khai Đảng Cộng sản được, tôi xin chịu trách nhiệm không ly khai”. Trước sự phản kháng quyết liệt của các chiến sĩ cộng sản, mùa đông năm 1961, chúng khiêng hàng chục khạp nước lạnh, vôi bột lên chuồng Cọp xối xuống đầu các chiến sĩ chống ly khai suốt ngày đêm. Những trận đòn roi không ngừng cùng với sự ăn uống vô cùng tồi tệ của địch đã dần làm cơ thể người tù cộng sản suy sụp một cách nhanh chóng. Tuy vậy, nhưng các đồng chí vẫn kiên cường chống ly khai, chống tố cộng, chống chào cờ, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ uy tín của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Lưu Chí Hiếu đã thể hiện bản lĩnh của người cộng sản trong lần quyết định vận mệnh của mình. Trong một lần tra tấn dã man, thấy Lưu Chí Hiếu ói ra máu, địch vẫn tiếp tục tra tấn. Lưu Chí Hiếu đã chọn con đường quyết tử, ông đã chọn cái chết để giữ trọn khí tiết của người anh hùng cách mạng. Ông còn tuyên bố với bọn ác ôn ở chuồng Cọp: “Nếu còn tiếp tục hành hạ, truy bức tư tưởng tồi tệ kiểu này thì tôi sẽ đập đầu chết ngay trong chuồng Cọp. Bọn ác ôn điên cuồng tra tấn liên tục. Ông đã anh dũng hy sinh ngay trong đêm 24-12-1961. Sự hy sinh oanh liệt của Lưu Chí Hiếu đã chặn đứng các đợt khủng bố của kẻ thù. Cuộc đời chiến đấu của đồng chí Lưu Chí Hiếu và các đồng đội đã ngã xuống trong chuồng Cọp Côn Đảo là những bản anh hùng ca bất diệt.

Tác giả bên mộ chí Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh bên phải).
Tác giả bên mộ chí Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mặc dù kẻ thù đã thực hiện tất cả những thủ đoạn thâm độc nhất, tàn bạo nhất nhưng vẫn không khuất phục nổi trái tim và khối óc của những người cộng sản kiên cường, cuối cùng địch phải tuyên bố: “Vũ lực không thể thắng được trái tim những người cộng sản”. Ngày 3-2-1972, lực lượng tù chính trị câu lưu tại Trại VI (Khu B) đã thành lập Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu, người chiến sĩ kiên cường trong cuộc đấu tranh chống ly khai và hy sinh anh dũng tại chuồng Cọp ngày 24-12-1961. Tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm hy sinh, thể hiện một lập trường cách mạng kiên định như bức thành đồng của Lưu Chí Hiếu luôn là ngọn cờ, là điểm tựa tinh thần của tất cả những người tù chính trị ngày đó. Ngày 23-2-2010, đồng chí Lưu Chí Hiếu đã vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVTND Việt Nam”.

Tiếp nối truyền thống quê hương

Tiếp tục thực hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Trực Ninh, Huyện uỷ, UBND huyện Trực Ninh, Ban liên lạc Hội Cựu tù chính trị Côn Đảo đã phát động cán bộ, đảng viên, nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp chung tay xây dựng Nhà lưu niệm liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu tại tổ dân phố Bắc Hoà, Thị trấn Cát Thành. Nhà lưu niệm được xây trong khuôn viên trên 900m2, gồm nhiều hạng mục: Nhà thờ họ, nhà khách, nhà lưu niệm, ao cá, tường bao, hệ thống đường giao thông, trong đó công trình Nhà lưu niệm có diện tích hơn 50m2 được xây dựng trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình liệt sĩ Lưu Chí Hiếu. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, từ tháng 5-2014 đến nay, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tấm gương Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu, đồng thời phát động mỗi cán bộ, công chức từ huyện đến các xã, thị trấn, cán bộ hưu trí, các đoàn thể chính trị xã hội, nhân dân ủng hộ kinh phí xây dựng công trình. Ngày 21-7-2014, UBND huyện Trực Ninh đã chính thức khởi công xây dựng công trình Nhà lưu niệm với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Đây sẽ là địa chỉ cách mạng, một di tích lịch sử, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, trong đó có tấm gương của Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn Cát Thành luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Nhiều năm liền, Đảng bộ thị trấn được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng, trong đó tỷ trọng dịch vụ thương mại, CN-TTCN chiếm 75% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn với tổng giá trị đạt trên 150 tỷ đồng; năng suất lúa cả năm luôn đạt 112 tạ/ha trở lên; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác đạt gần 100 triệu đồng/ha. Trong phong trào thi đua xây dựng NTM, thị trấn đã hoàn thiện việc xây dựng bê tông hóa đường phục vụ dân sinh, đường ra đồng phục vụ sản xuất với tổng chiều dài trên 6km, đạt chuẩn tiêu chí NTM. Các trường học từ bậc học mầm non đến THCS đạt chuẩn mức độ 2 với tiêu chí “xanh - sạch - đẹp”. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn 2,1%, hộ cận nghèo giảm còn 2,3%, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Bộ mặt của thị trấn đang từng ngày khởi sắc, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com