Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 3

05:04, 21/04/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Đi đôi với bố trí lao động tại chỗ, tạo ra bước phát triển trong nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đưa nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên và Hoàng Liên Sơn. Sáu tháng đầu năm 1976, toàn tỉnh đã huy động 2000 hộ gồm 11.347 nhân khẩu đi xây dựng vùng kinh tế mới, tiêu biểu là huyện Nam Ninh, Nghĩa Hưng; riêng huyện Nam Ninh có 592 hộ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, do tỉnh chưa chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và sinh hoạt nơi ở mới nên bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới còn rất khó khăn, có trường hợp phải bỏ về quê cũ.

    Phong trào trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mừng Tổ quốc thống nhất, mừng tỉnh mới Hà Nam Ninh” phát triển mạnh. Toàn tỉnh đã trồng được 21 triệu cây các loại, vượt 20% kế hoạch. Cây công nghiệp, rau màu phục vụ cho sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được mở rộng. Bảy tháng đầu năm 1976, toàn tỉnh thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước 228 tấn cói, 30 tấn kén tằm. Cây công nghiệp được trồng nhiều ở các địa phương như cói ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu, lạc ở Nam Ninh, Ý Yên, Vụ Bản.

    Trước yêu cầu của thời kỳ mới, Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng đảng. Thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng, đến tháng 3-1976, tỉnh đã tiến hành xử lý 13.259 đảng viên sai phạm. Qua việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, nhận thức và hành động của đảng viên có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch về chính trị, vững mạnh về tổ chức.

    Thực hiện Chỉ thị số 240-CT/TW ngày 6-10-1976 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 26-CT/TU chỉ đạo các đảng bộ huyện, thành phố, thị xã và các đảng bộ trực thuộc tiến hành đại hội để kiểm điểm đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hai năm 1975-1976 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố xây dựng đảng bộ, chính quyền thời kỳ tiếp theo.

    Sau khi hoàn thành việc chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc tổ chức đại hội, từ ngày 10 đến 21-11-1976, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I (vòng 1). Dự Đại hội có 700 đại biểu thay mặt cho hơn 102.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội vinh dự được đón đoàn đại biểu Trung ương do đồng chí Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn đầu về dự và ứng cử bầu làm đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

    Đại hội đã nghiên cứu Đề cương Báo cáo chính trị, Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) của Ban Chấp hành Trung ương; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV gồm 41 đại biểu chính thức (trong đó có 9 đại biểu của Trung ương) và 4 đại biểu dự khuyết.

    Trong bảy ngày, từ ngày 14 đến 20-12-1976, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Đại hội đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa... xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội”. Đại hội vạch ra đường lối kinh tế và phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ năm 1976 đến năm 1980 nhằm hai mục tiêu cơ bản: vừa đảm bảo nhu cầu đời sống nhân dân, vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành công của Đại hội đã mang lại niềm tin tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh đối với sự lãnh đạo của Đảng, với tương lai đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

    Ngày 24-1-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU về công tác tuyên truyền giáo dục Nghị quyết Đại hội IV của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp tiến hành, đồng thời phân công trách nhiệm cho các cấp ủy đảng chỉ đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Năm 1977, các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai sâu rộng việc nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội IV của Đảng theo từng chương trình phù hợp với từng đối tượng. Trường Đảng của tỉnh đã tổ chức cho 3.613 cán bộ dự các lớp nghiên cứu Nghị quyết Đại hội IV của Đảng. Toàn thể cán bộ, đảng viên đều tham gia nghiên cứu nghị quyết. Qua đợt học tập, sinh hoạt chính trị, nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng bộ và nhân dân được nâng lên, tăng cường sự đoàn kết nhất trí, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nghị quyết Đại hội IV của Đảng và thực tiễn những năm đầu hợp nhất tỉnh là điều kiện quan trọng giúp Đảng bộ tỉnh xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội lần thứ I (vòng 2) của Đảng bộ.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com