Vang dội những chiến công

09:04, 29/04/2016

Trung tướng Trần Hanh, Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người con ưu tú của quê hương Nam Định. Trong những năm chiến đấu trong lực lượng Phòng không - Không quân, ông đã tham gia nhiều trận đánh, đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông là trận đánh ngày 4-4-1965 là người đầu tiên bắn rơi chiếc máy bay F-105D của Mỹ. Với những chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung tướng Trần Hanh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; Huân chương Quân công (1 hạng Nhất, 2 hạng Ba); Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 3 hạng Ba); Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba); Huy hiệu Hồ Chủ tịch.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Trần Hanh.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Trần Hanh.

Trong dịp Hội đồng hương Nam Định tại Hà Nội tổ chức gặp mặt đầu xuân vào một ngày tháng 3-2016, chúng tôi có dịp gặp gỡ Trung tướng Trần Hanh, Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong ký ức Trung tướng Trần Hanh luôn in đậm những kỷ niệm cao đẹp về tình quân dân, về những chiến công vang dội của các chiến sĩ Phòng không - Không quân Việt Nam kiên cường, anh dũng đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Lộc Vượng (TP Nam Định), năm 1946, Trần Hanh gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Năm 1951, Đại đoàn 320 được thành lập, ông được cử làm Chính trị viên Tiểu đoàn 680, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, tháng 9-1956, ông được tuyển chọn để đào tạo phi công tại nước bạn. Năm 1964, ông được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 1, Trung đoàn 921 - Đoàn Không quân Sao Đỏ. Ngày 3-4-1965, ông tham gia trận đánh đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam, tấn công các máy bay của quân Mỹ tập kích vào khu vực cầu Hàm Rồng - một cây cầu huyết mạch, yết hầu trên tuyến chi viện Bắc Nam. Trung tướng Trần Hanh nhớ lại: Phán đoán ý đồ Mỹ sẽ tiếp tục đánh phá cầu Hàm Rồng, ngày 4-4-1965, các chỉ huy Không quân Việt Nam quyết định cho các máy bay tiếp tục công kích vào các máy bay Mỹ. Theo phương án chiến thuật, 3 biên đội sẽ được sử dụng, trong đó có một biên đội dự bị. Biên đội nghi binh cất cánh trước, bay ở phía tây khu vực chiến đấu để thu hút tiêm kích đối phương và sẵn sàng yểm hộ biên đội công kích khi cần thiết. Biên đội tiến công xuất kích sau, bay thẳng theo hướng đông nam đến khu vực chiến đấu sẽ vọt lên chiếm độ cao giành ưu thế chiến thuật, sau đó tấn công thẳng vào đội hình F-105. Thượng tá Nguyễn Văn Tiên, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ huy trận đánh, Trung úy Đào Ngọc Ngự làm hoa tiêu dẫn đường tại sở chỉ huy. Lúc 10 giờ 22 phút, biên đội tiến công gồm Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm xuất kích, bay thấp ra hướng đông rồi bất ngờ ngoặt vào hướng đông nam, tránh bị ra-đa đối phương phát hiện, khi đến khu vực chiến đấu, thì bay vọt lên, chiếm độ cao có lợi. Lúc 10 giờ 30 phút, Trần Nguyên Năm báo cáo phát hiện tốp F-105 mang bom tấn công cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa do Thiếu tá Frank Everett Bennett dẫn đầu. Dù có ưu thế với hơn 50 máy bay, cả tiêm kích F-100 và cường kích F-105, hai chiếc F-105 vẫn bị MiG-17 bắn trúng. Chiếc F-105D số hiệu 59-1754 của Không đoàn tiêm kích 355, do Đại úy James Alan Magnusson điều khiển bị MiG-17 của Trần Hanh bắn trúng, rơi trên đường thoát ra biển. Trong những năm sau đó, Trần Hanh vẫn tiếp tục chỉ huy biên đội giao chiến với máy bay Mỹ, trong đó có một lần chỉ huy biên đội 4 MIG-17 bắn hạ máy bay trực thăng Mỹ trên bầu trời Hòa Bình tháng 11-1966. Tháng 3-1972, ông được cử làm Sư đoàn phó Sư đoàn Không quân 371, hàm Thượng tá. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, ông tham gia chỉ huy không quân và là một trong những người trực tiếp chỉ huy trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất của Không quân nhân dân Việt Nam.

Sau chiến tranh, ông được đề bạt làm Tham mưu phó Quân chủng Phòng không - Không quân từ tháng 8-1976, với hàm Đại tá. Tháng 1-1977, ông được bầu là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IV và được điều động giữ chức Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đến tháng 6-1977, ông được cử làm Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân vừa mới thành lập. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1984. Tháng 3-1986, ông được đề bạt làm Tư lệnh Quân chủng Không quân. Tháng 4-1989, ông được đề bạt làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, được phong quân hàm Trung tướng. Tháng 11-1996, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho đến khi về hưu năm 2000.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Trung tướng Trần Hanh vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ và được chính tay Người tặng Huy hiệu Bác Hồ. Ông kể: Trong những lần đến thăm đơn vị, lần nào Bác cũng xuống thăm bếp ăn, khu ở của chiến sĩ đầu tiên… Đi cùng Bác hôm đó còn có đồng chí Chính ủy Binh chủng Không quân. Sau khi tới thăm khu bếp ăn, khu nhà ở của chiến sĩ, Bác đã ra tận nơi các phi công huấn luyện chiến đấu rồi ân cần động viên: “Bộ đội Không quân vừa qua đã chiến đấu anh dũng lập nhiều chiến công, Bác rất mừng. Tuy nhiên, không quân Mỹ là đội quân rất sừng sỏ, nham hiểm với vũ khí hiện đại. Các chú phải tuyệt đối cảnh giác và luôn tìm ra những cách đánh sáng tạo, hiệu quả, giành thắng lợi to lớn hơn nữa khiến cho chiến lược chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ phải thất bại hoàn toàn”. Đáp lại lời căn dặn của Bác, đồng chí Trần Hanh nói: “Dạ thưa Bác! Bộ đội không quân sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của không quân Mỹ trên bầu trời Tổ quốc!”. Kể từ lần gặp đó, đồng chí Trần Hanh cùng với các đồng đội của mình như được tiếp thêm sức mạnh, chiến đấu ngoan cường và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Ngay trong năm 1967, đồng chí Trần Hanh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Chiến tranh đã lùi xa, vị tướng giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng với ông, những lần được gặp Bác, được Bác huấn thị “Tổ tiên ta đã đánh thắng giặc xâm lược trên bộ và trên sông. Bác giao cho các chú Phòng quân - Không quân đánh thắng giặc ở trên không”. Lời căn dặn của Bác là kim chỉ nam luôn được các thế hệ chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân khắc ghi, noi theo, đã làm nên một trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào cuối tháng 12-1972 khiến đế quốc Mỹ phải từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam và chấp nhận đặt bút ký vào bản Hiệp định Pa-ri lịch sử ngày 27-1-1973 và sau đó lại lập chiến công xuất sắc trong nhiều chiến dịch lớn trên chiến trường miền Nam, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Ngày nay, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVTND, Quân chủng Phòng không - Không quân tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm chủ vũ khí, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com