Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 4

07:04, 26/04/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Từ ngày 21 đến ngày 27-4-1977, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (vòng 2) được tổ chức trọng thể tại Nhà hát 3-2 thành phố Nam Định, về dự Đại hội có 700 đại biểu. Đại hội được đón đoàn đại biểu Trung ương do đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn đầu về dự. Đồng chí đã phát biểu, nhấn mạnh Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, làm tốt công tác xây dựng đảng và tăng cường đoàn kết hơn nữa. Đồng chí chỉ rõ, toàn Đảng bộ và các cấp cần xây dựng tác phong mới, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong điều kiện mới đi sâu, đi sát cơ sở, đặc biệt là học tập kinh nghiệm của những huyện điển hình trong phong trào thi đua.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ I, vòng 2, tháng 4-1977.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ I, vòng 2, tháng 4-1977.

    Trong bảy ngày làm việc, Đại hội đã nghe thông báo kết quả và nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; thảo luận Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ sau hơn một năm hợp nhất, phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 1976-1980 và nhiệm vụ hai năm 1977-1978. Đại hội nhận định sau hơn một năm hợp nhất (tháng 12-1975 đến tháng 4-1977), Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, giành thắng lợi lớn về nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên đà phát triển. Thắng lợi về sản xuất nông nghiệp là sự thể hiện kết quả của việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp.

    Đại hội xác định nhiệm vụ của Đảng bộ trong giai đoạn mới là: Tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thế của nhân dân lao động, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, lấy cơ khí hoá làm khâu trung tâm; tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý kinh tế theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nhằm khai thác tốt mọi tiềm lực về lao động, đất đai, tài nguyên, phát huy thế mạnh của ba vùng kinh tế trong tỉnh; ra sức đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, trước hết là giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm và phân bổ, sử dụng lao động; nhanh chóng hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, bảo đảm kết hợp chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế Trung ương với địa phương, tiêu dùng trong tỉnh với đóng góp cho Nhà nước và xuất khẩu, kinh tế và quốc phòng; phấn đấu xây dựng Hà Nam Ninh sớm trở thành một tỉnh công - nông nghiệp, có quốc phòng địa phương vững mạnh, có đời sống vật chất, văn hoá phong phú, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh khoá I gồm 39 ủy viên, trong đó có 35 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất (từ ngày 10 đến 14-5-1977), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh  bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Phan Điền được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Soạn làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Tạ Quang làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

    Đại hội lần thứ I (vòng 2) Đảng bộ tỉnh là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, khẳng định sự đoàn kết, thống nhất ý kiến của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Thành công của Đại hội tạo ra những thuận lợi mới để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững bước tiến vào giai đoạn phát triển tiếp theo, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng tỉnh vững mạnh toàn diện.

    Sau Đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số  01  NQ/TU ngày 18-6-1977 về việc tiếp tục học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, phổ biến quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

    Thực hiện Nghị quyết số 125-CP ngày 27-4-1977 của Hội đồng Chính phủ về hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện, thị xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 01-CT/TU về tiến hành hợp nhất một số huyện, thị xã và thành lập Ban chỉ đạo hợp nhất các huyện, thị xã trong tỉnh. Theo đó, 9 xã của thành phố Nam Định nhập vào huyện Bình Lục. Khu vực Nam Định cơ bản vẫn giữ nguyên 6 huyện, gồm: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Ninh, Hải Hậu, Xuân Thủy, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định.

    Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, ngày 15-11-1977, Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh (khoá I) ra Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp. Nghị quyết xác định: Tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của các cấp bộ Đảng, công tác quản lý của chính quyền các cấp; và nêu nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện là: Tích cực xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học - kỹ thuật làm then chốt. Ra sức củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, nắm vững việc đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, tăng cường và cải tiến công tác tổ chức quản lý, chế độ quản lý và bộ máy quản lý; gắn liền với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất, hoàn chỉnh và nâng cao công tác thuỷ lợi; tăng cường và áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước thực hiện cơ khí - điện khí hoá; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ văn hoá, kỹ thuật cho quần chúng, xây dựng con người mới, gia đình văn hoá mới, nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com