Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 2

06:04, 19/04/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Trong không khí thi đua sôi nổi, đẩy mạnh thực hiện “Chiến dịch Hà Nam Ninh”, ngày mồng 1 và mồng 2 tết Bính Thìn (1976), Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm và làm việc. Đồng chí đã đến thăm Hợp tác xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng), Nam Đồng (Nam Ninh), Hải Quang (Hải Hậu) là những đơn vị điển hình đạt thành tích cao trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Lê Duẩn đã khen ngợi những cố gắng, tiến bộ của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, hoan nghênh kết quả bước đầu của việc hợp nhất tỉnh, giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh phải tích cực phấn đấu để sớm trở thành một tỉnh nêu gương sáng trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa.

Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm xã Đồng Sơn, huyện Nam Ninh, đơn vị thực hiện thí điểm cơ giới hoá nông nghiệp của tỉnh, tháng 2-1976.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm xã Đồng Sơn, huyện Nam Ninh, đơn vị thực hiện thí điểm cơ giới hoá nông nghiệp của tỉnh, tháng 2-1976.

    Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, ngày 25-2-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 02-NQ/TU về tổ chức chỉ đạo thí điểm cơ giới hóa nông nghiệp. Mục tiêu của cơ giới hoá là nhằm tăng khối lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng năng suất lao động, cây trồng, gia súc, thực hiện phân công lại lao động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo làm thí điểm ở ba đơn vị, trong đó có huyện Nam Ninh làm thí điểm cơ giới hoá nông nghiệp toàn quốc. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ giới hoá nông nghiệp của huyện Nam Ninh, với số kinh phí đầu tư là 74.107.000 đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Nam Ninh triển khai làm điểm cơ giới hóa, trọng điểm 1; cụm 3/2 để qua đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Tỉnh đã đầu tư mua sắm, trang bị máy móc hiện đại ở từng cụm điểm, tăng cường củng cố trạm máy kéo, trang bị thêm các loại máy công tác hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

    Để phục vụ yêu cầu tổ chức lại sản xuất và cơ giới hoá nông nghiệp, Đảng bộ huyện Nam Ninh chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy nông gồm 14 trạm bơm, 132 cái cống, nạo vét 22 kênh cấp I; đưa điện về được 13/36 hợp tác xã để phục vụ sản xuất. Hằng năm, huyện thực hiện cày bừa bằng máy từ 8.000 - 9.000 ha gieo cấy, góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất từ 45%/năm lên 55%/ năm; riêng cụm điểm 3/2 đạt 83%; bố trí lại đồng ruộng từ 2.341 vùng còn 1.258 vùng, đồng thời san lấp gò đống, mở rộng diện tích canh tác. Với cố gắng, quyết tâm cao nhất Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Ninh đã vượt qua khó khăn, triển khai từng bước kế hoạch cơ giới hóa nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm triển khai trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, khi thực hiện đề án, Trung ương và tỉnh chưa điều tra, khảo sát thực trạng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến có phần chủ quan, nóng vội khi mua sắm trang bị máy móc hiện đại, chưa xây dựng các cơ sở kết cấu hạ tầng đi kèm như: đường giao thông, cầu cống, nhà kho để máy móc thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật nên hiệu quả thực hiện để án chưa cao.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 12-3-1976, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về việc chỉ đạo lập quy hoạch và kế hoạch hợp nhất, mở rộng quy mô hợp tác xã nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất từ cơ sở trên địa bàn các huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lại sản xuất do đồng chí Phó Chủ tịch uỷ ban Hành chính tỉnh làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo tổ chức lại sản xuất của tỉnh đã tích cực hoạt động nhằm bố trí lại sản xuất một cách hợp lý theo hướng thâm canh sản xuất lớn để tăng nhanh năng suất lao động, từng bước thực hiện phân công lao động mới, tăng cường quan hệ sản xuất, nâng cao đời sống xã viên. Trên cơ sở kết quả thí điểm ở một số hợp tác xã, hầu hết các huyện đều tiến hành hợp nhất các hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã quy mô toàn xã. Đến cuối năm 1976, có 218 hợp tác xã nhỏ hợp lại thành 77 hợp tác xã lớn. Các hợp tác xã sau khi hợp nhất đã xác định rõ phương hướng sản xuất, bước đầu đi vào sản xuất nền nếp. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về sản xuất lớn nên một số hợp tác xã hợp nhất quy mô quá lớn, không phù hợp với trình độ và khả năng tổ chức quản lý, hiệu quả sản xuất không cao.

    Nhằm giúp các huyện chỉ đạo chặt chẽ các ngành kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp và các hợp tác xã, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập các cụm kinh tế - kỹ thuật ở các huyện. Cuối năm 1976, có 54 cụm kinh tế - kỹ thuật hình thành ở các huyện trong tỉnh. Mỗi cụm gồm từ 5 đến 10 hợp tác xã trên cùng một khu dân cư tập trung, có bán kính từ 3-4 km, diện tích 3.000 - 5.000 ha, do đồng chí Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo. Các hợp tác xã đã tổ chức các đội chuyên làm giống, chăn nuôi, làm đất...; phân định lại ruộng đất cho các đội sản xuất, phân vùng chuyên canh lúa, màu, cây công nghiệp... thành lập thêm các tổ, đội ngành nghề và mua sắm thêm công cụ sản xuất; xây dựng hệ thống nhà kho, sân phơi theo quy mô tập trung và xây dựng một số công trình phục vụ đời sống nhân dân. Các hợp tác xã đã tiến hành đại hội xã viên thông qua phương án sản xuất và bầu ban quản trị mới.

    Do sự tập trung chỉ đạo, đầu tư có hiệu quả vật tư, kĩ thuật nên năng suất và sản lượng lúa chiêm xuân năm 1976 của tỉnh đạt kết quả tốt. Huyện Nam Ninh cấy 14.277 ha, đạt 106,9% kế hoạch, năng suất 38,09 tạ/ha, đạt 115,4% kế hoạch sản lượng 54.394 tấn, đạt 123,4% kế hoạch. Huyện Xuân Thuỷ cấy 13.082 ha, đạt 103% kế hoạch, năng suất 39,92 tạ/ha đạt 119% kế hoạch, sản lượng 52.233 tấn, đạt 112,7% kế hoạch. Có 19 hợp tác xã đạt năng suất trên 5 tấn/ha. Nhiều hợp tác xã ở huyện Xuân Thuỷ tổ chức sản xuất tốt, tiêu biểu như Hợp tác xã Xuân Tiến, năng suất đạt 65,63 tạ/ha Hợp tác xã Hành Thiện, năng suất đạt 65,25 tạ/ha.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com