Khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới - (Kỳ 7)

05:11, 05/11/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Nghề đánh cá là một nghề khá quan trọng đối với tỉnh Nam Định. Trước đây ngư dân hằng năm đánh được 7.000 đến 8.000 tấn cá. Những năm gần đây lao động, thuyền lưới tăng, nghề nghiệp cải tiến nhưng sản lượng cá giảm dần. Năm 1963, sản lượng đạt 3.500 tấn, tăng hơn năm trước, nhưng mới chỉ đạt 81% kế hoạch, về tổ chức ngành cá có 23 đội, chưa có hợp tác xã nào là chuyên nghiệp; các đội đánh cá nằm trong các hợp tác xã hỗn hợp (lúa, cá, muối). Cách chia đội, tính toán chi phí, thu nhập thường nảy sinh mâu thuẫn; chi phí cho khấu hao nghề thuyền lưới lớn, công điểm nghề cá cao, sản lượng cá thu hoạch ít. Phổ biến là chấm công theo ngày. Việc xếp ngạch bậc và khoán sản lượng thuyền chưa làm được, chưa khuyến khích những người có kỹ thuật cao, thúc đẩy họ hăng hái sản xuất.

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

    Nam Định là tỉnh đông giáo dân nhất miền Bắc. Quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh giai cấp phức tạp, gay gắt, quyết liệt, lâu dài giữa lực lượng xã hội chủ nghĩa và lực lượng chống lại chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn luôn phải đối phó với những vấn đề chính trị phức tạp. Mặt khác, Nam Định là tỉnh có bờ biển dài 72 km, nơi cửa ngõ của Tổ quốc, có thành phố tập trung công nghiệp lớn, tập trung nhiều kho tàng và là đầu mối giao thông quan trọng. Do đó Tỉnh uỷ xác định yêu cầu chiến đấu đặt ra cũng rất quan trọng và khẩn trương không kém phần đẩy mạnh sản xuất.

    Từ năm 1961, địch thường dựa vào bọn phản động đội lốt đạo Thiên Chúa để phá hoại bằng nhiều hình thức. Chúng ráo riết củng cố và phát triển lực lượng, dùng giáo lý để lũng đoạn tư tưởng giáo dân, phản tuyên truyền, nhất là về hợp tác hóa nông nghiệp, làm cho quần chúng không yên tâm sản xuất. Bọn tay sai của Mỹ - Diệm không ngừng hoạt động gián điệp, biệt kích, nhất là các huyện ven biển. Những tháng đầu năm 1962, máy bay, tàu chiến địch xâm phạm vào vùng trời, vùng biển thuộc tỉnh Nam Định ngày càng nhiều. Điển hình nhất là việc địch cho máy bay C47 do thám, thả dù biệt kích xuống vùng biển Nam Định thực hiện âm mưu gián điệp, kích động giáo dân nổi dậy chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước.

    Trước tình hình đó, Nghị quyết của Tỉnh uỷ ngày 29-3- 1962 về nhiệm vụ năm 1962 đã chỉ rõ phải phát huy hơn nữa chức năng và giữ vững sinh hoạt dân chủ của Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường công tác thể thao quốc phòng, bồi dưỡng lực lượng hậu bị phục vụ xây dựng quân đội. Về các đoàn thể cần phải nắm chắc và phát huy tính tích cực của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, dân quân tự vệ trong sản xuất; chú trọng vận động đoàn kết các lực lượng khác ở cơ sở như phụ lão, học sinh, thanh niên, nhi đồng. Phải động viên toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiến hành trấn áp bọn phản cách mạng một cách kiên quyết, chủ động, khẩn trương. Kịp thời đập tan mọi âm mưu gây bạo loạn phá hoại hoặc khiêu khích của địch, giữ vững trật tự trị an trong tỉnh, bảo vệ nội bộ thật chặt chẽ, góp phần củng cố quốc phòng, tích cực bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

    Ngày 31-3-1962, Tỉnh uỷ thông qua Nghị quyết về kế hoạch phòng thủ trị an, đề ra nhiệm vụ cụ thể và kế hoạch thực hiện là:

    - Giáo dục cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận rõ tình hình, âm mưu của địch, khả năng trị an của ta để nâng cao cảnh giác trong Đảng và nhân dân. Trên cơ sở đó mà vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia công tác phòng gian bảo mật, trị an, phòng biệt kích, bảo vệ địa phương.

    - Củng cố, phát triển và xây dựng cơ sở nơi xung yếu, trước mắt là ven biển và tổ chức cơ sở bí mật, nơi cần thiết.

    - Tích cực chủ động phá các tổ chức phản cách mạng, kịp thời phát hiện trấn áp bọn biệt kích gián điệp phá hoại, ngăn chặn những vụ gây lộn xộn.

    - Bổ sung phương án tác chiến, tiêu diệt biệt kích vũ trang ở các xã ven biển và biệt kích nhảy dù.

    - Tích cực tổ chức phòng phi pháo, phòng vũ khí hoá học, bảo vệ kho tàng.

    - Chấn chỉnh tổ chức, nắm địch tình, bảo đảm thông tin báo động thường xuyên và kịp thời.

    Quán triệt Nghị quyết của Tỉnh uỷ, các huyện đã xây dựng phương án phòng thủ trị an của địa phương và phổ biến cho các ngành, các xã thực hiện. Sau một tháng, các ngành thuộc khối nội chính đã phối hợp nghiên cứu tình hình một cách hệ thống ở 20 cơ quan xí nghiệp và 133 xã, khu phố, xác định được 112 đối tượng cần đưa đi cải tạo. Ở vùng ven biển, đã củng cố tăng cường lực lượng chống biệt kích, tổ chức diễn tập, báo động từ các xã đến huyện và tỉnh. Toàn tỉnh thành lập Ban thống nhất phòng thủ trị an thay cho Ban chống biệt kích trước đây. Phong trào "bảo vệ trị an" trong nhân dân và "bảo mật phòng gian" trong các cơ quan được phát động sâu rộng, nâng cao tinh thần cảnh giác cho mọi người.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com