Khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới - (Kỳ 6)

08:11, 03/11/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát động vụ đông - xuân mang tên Ấp Bắc kiên cường dũng cảm (1963 - 1964), Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã giành được vụ đông - xuân tương đối toàn diện hơn các năm trước. Tổng sản lượng lúa vượt kế hoạch 7,8%, khoai vượt 31,8%, ngô vượt 56%... So với đông - xuân 1962 - 1963 thì lúa tăng 19.642 tấn, khoai tăng 10.464 tấn, ngô tăng 982 tấn. Vụ mùa do ảnh hưởng của mưa, bão, sâu bệnh nên năng suất thấp, chỉ đạt khoảng 18,5 tạ/ha.

    Thắng lợi về phát triển sản xuất và cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã đánh dấu một bước trong việc củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất mới về mọi mặt, bước đầu kinh tế tập thể được phát triển, cơ sở vật chất được xây dựng, vốn tích luỹ cho tập thể có nhiều tiến bộ. Trình độ quản lý, ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa của xã viên được nâng cao. Nổi bật nhất là nhiều hợp tác xã từ yếu kém trở thành khá.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bệnh viện tỉnh Nam Định ngày 21-05-1963.
Bác Hồ đến thăm Bệnh viện tỉnh Nam Định, ngày 21-05-1963.

    Cuộc vận động "Ba xây ba chống" tập trung ở 10 cơ sở (4 cơ sở thí điểm của trung ương là lương thực, máy xay, máy tơ, ngân hàng; 6 cơ sở của địa phương, trong đó có 2 thí điểm thuộc công ty ngũ kim và xây dựng), 4 trọng điểm (công ty tư liệu nông nghiệp, bách hoá, vật liệu xây dựng, xí nghiệp giấy).

    Tuy lúc đầu chưa có kinh nghiệm, vừa làm vừa mò mẫm, nhưng với tinh thần cố gắng của cán bộ, đảng viên, công nhân viên nên nhìn chung cuộc vận động đã mang lại kết quả tốt. Tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm trong cán bộ, công nhân viên chức được nâng lên rõ rệt. Quan điểm sản xuất kinh doanh xã hội chủ nghĩa được xác định. Các khâu kế hoạch, tài vụ tăng cường hơn trước. Đã mở rộng, nâng cao chất lượng hạch toán, xây dựng được các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật. Vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ, chi bộ và trách nhiệm của đảng viên được nâng cao. Bộ máy quản lý, tổ, đội sản xuất kinh doanh được kiện toàn và củng cố hơn. Việc chống tham ô, lãng phí đã được tiến hành kiểm thảo phê phán sâu sắc (sơ bộ tập hợp năm đơn vị trong ba năm đã lãng phí 2.889.000 đồng và tham ô 26.620 đồng). Ngoài những hành vi tham ô có tính chất tư lợi trong cán bộ, công nhân, đã phát hiện hai vụ tham ô lớn có tổ chức của bọn gian thương và tư sản không chịu cải tạo, mua chuộc cán bộ, ăn cắp tài sản của Nhà nước.

    Những kết quả trên đã thể hiện hiệu quả kinh tế thiết thực: Năng suất lao động tăng từ 18 đến 25%. Giá thành hạ từ 4 đến 27%. Giảm phí lưu thông từ 0,3 đến 0,9%. Chất lượng sản phẩm cũng có chuyển biến. Những cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trước đây thường lỗ, nay đã có lãi chút ít và hạn chế được nhiều lãng phí, tham ô.

    Cuộc vận động "Ba xây ba chống" tuy mới tiến hành trong phạm vi thí điểm, thời gian kéo dài, kết quả mới ở mức độ nhất định, nhưng đã giúp lãnh đạo thấy được quan điểm kinh doanh, sản xuất và trình độ quản lý kinh tế tài chính của cán bộ, công nhân viên chức còn yếu. Tư tưởng tự do cục bộ và suy bì, địa vị, nội bộ thiếu đoàn kết khá phổ biến. Một số công nhân viên chức nặng tư tưởng làm công ăn lương. Tình trạng tham ô lãng phí kéo dài và có khâu nghiêm trọng. Qua tiến hành thí điểm, Tỉnh uỷ đã rút ra một số kinh nghiệm chuẩn bị cho các đợt vận động tiếp theo.

    Từ sau Đại hội Tỉnh Đảng bộ (5-1963), công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp đã có những tiến bộ, sản xuất đã hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước. Giá trị tổng sản lượng sáu tháng cuối năm 1963 đạt 105%, tăng hơn sáu tháng đầu năm 14,66%, nhờ đó kế hoạch cả năm 1963 hoàn thành 100,4%. Sáu tháng đầu năm 1964, công nghiệp đạt 105%, so với sáu tháng đầu năm 1963 tăng 5,3%. Khối lượng hàng hoá cũng tăng lên cả về tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Sản phẩm công nghiệp địa phương tiêu thụ tại địa bàn chiếm 54% và phục vụ cho xuất khẩu tăng 13%. Công nghiệp trung ương sáu tháng đầu năm 1964 đạt 101% kế hoạch, so với sáu tháng đầu năm 1963 bằng 105%. Việc phục vụ nông nghiệp bước đầu đã có tiến bộ. Ý thức giác ngộ ở những cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng cao. Ngành cơ khí, rèn, mộc đã hình thành mạng lưới và phân công phục vụ nông nghiệp sát hợp hơn. Đã nghiên cứu và sản xuất nông cụ cải tiến phục vụ nông nghiệp, phục vụ thuỷ lợi như xe vận chuyển, guồng nước có ổ bi, cày, tời, bừa cỏ, máy chẻ cói, máy nghiền bột, thái rau... Việc phát triển công nghiệp địa phương đã có tác dụng tốt đối với việc phân công và sử dụng hợp lý sức lao động của nhân dân trong tỉnh và hỗ trợ đối với công nghiệp trung ương.

    Là một trong ba khu vực kinh tế của tỉnh, trong năm 1963, công tác phát triển kinh tế miền biển cũng đã có nhiều cố gắng. Các cấp uỷ huyện, xã đã đi vào lãnh đạo các hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, tập trung khai thác mở rộng đồng muốỉ. Cánh đồng Nghĩa Thắng và cồn Tầu đã khai phá được trên 200 mẫu, có 56 mẫu đi vào sản xuất. Đặc biệt đã đắp xong 6 km đê Bạch Long. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối tháng 3-1965 đưa toàn bộ diện tích đã đắp đê vào sản xuất. Như vậy diện tích muối tăng gấp đôi diện tích cũ, vượt kế hoạch đề ra. Đi đôi với việc phát triển diện tích, đã coi trọng khâu thâm canh tăng năng suất đồng muối cũ. Các công trình thuỷ lợi đồng muối được giải quyết tương đối tốt, diện tích bị khô, úng giảm đi nhiều.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com